Bàn giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ xuất khẩu Xoay sở tìm nguyên liệu trước gián đoạn từ Trung Quốc |
Thiếu nguyên liệu hiện hữu
Báo cáo Bộ Công Thương cho thấy, 4 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ở một số ngành do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất.
Việc làm chủ được nguồn nguyên liệu trong nước đối với các doanh nghiệp Việt Nam là điều rất quan trọng |
Đơn cử như Công ty Cổ phần Metect (Hưng Yên) hiện đang có một đơn hàng inox đặc chủng nhập từ Trung Quốc bị trễ hạn giao hàng đã nửa tháng. Nguyên nhân do đối tác cung cấp nguyên phụ liệu thông báo nhà máy đang phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch. Trong khi đó, đa số đơn hàng của công ty đã ứng tiền nên trong thời gian ngắn rất khó để đổi nhà cung cấp khác. “Nếu không nhập được nguyên phụ liệu về sản xuất thì đơn hàng của công ty sẽ không giao kịp tiến độ, khách hàng có thể hủy hợp đồng”, lãnh đạo Metect cho hay.
Không những thế, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bia rượu cũng đối mặt với bài toán giá cả nguyên liệu đắt đỏ.
Theo Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), năm 2022 là năm khó khăn với ngành bia do chi phí sản xuất tăng mạnh. Theo đó, giá nguyên vật liệu sản xuất đã tăng 50%, vỏ lon tăng 40%... Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, làm chi phí vận chuyển tăng 20% so với trước. Điều này đặt gánh nặng lớn lên doanh nghiệp tại thời điểm này.
Bên cạnh đó các ngành cơ khí, dệt may mà các ngành như da giày, điện tử, ô tô... cũng đang phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc. Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong quý I/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 23,8 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu tăng là do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất và do giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao.
Câu chuyện thiếu nguồn nguyên liệu cũng rất “cận kề” với điện tử - "mảnh đất" được đánh giá là "màu mỡ" để thu hút nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã và sẽ đầu tư như Samsung, Intel, Apple, Canon, LG, Foxconn... nhưng hiện có tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị, nhưng thực tế mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.
Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ, trong 4 tháng năm 2022, về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 106,6 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Làm gì để giải bài toán thiếu hụt nguyên liệu?
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...; hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp kết nối với nhà cung cấp nước ngoài khi được yêu cầu. Đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử..., đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch nhập khẩu.
Trong dài hạn, Bộ Công Thương cho rằng phải có giải pháp lâu dài để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai...
Ngoài những giải pháp của Bộ Công Thương, nhiều chuyên gia còn cho rằng sản xuất trong nước nên tìm kiếm nguồn cung thay thế thông qua việc tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do, qua đó sẽ thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm tình trạng phụ thuộc.
Một vị chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Việt Nam cần những doanh nghiệp quy mô tầm trung tham gia vào hoạt động sản xuất các nguyên vật liệu, để gia tăng sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, thay vì phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Bài học thành công từ phát triển công nghiệp của Hàn Quốc là do họ học hỏi các nước đi trước, sau đó vận dụng để phát triển doanh nghiệp công nghiệp của mình.