Đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực thi FTA
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn, trải rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Các cam kết trong FTA này khá phức tạp và yêu cầu một đội ngũ nhân lực có đủ năng lực để hiểu rõ và sâu về các tiêu chuẩn cao, từ đó hỗ trợ các cơ quan quản lý địa phương cũng như doanh nghiệp trong việc thực thi hiệu quả.
Với vai trò là cơ sở giáo dục đào tạo chính của Bộ Công Thương, thời gian qua, Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương đã thiết kế nội dung đào tạo phù hợp, kết hợp lý thuyết và thực tiễn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương.
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Lê Hải An - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương về vấn đề này.
Bà Lê Hải An - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương, Bộ Công Thương. Ảnh: Minh Trang |
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp đã rất nỗ lực đồng hành để nâng cao hiệu quả thực thi các FTA. Với vai trò cơ sở giáo dục đào tạo chính của Bộ Công Thương, thời gian qua, trường đã triển khai các kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nói chung và đào tạo nhân lực FTA nói riêng như thế nào?
Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương, có chức năng đào tạo và bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ chuyên môn trong lĩnh vực quản lý nhà nước, lý luận chính trị, pháp luật hành chính nhà nước, dành cho công chức, viên chức và cán bộ quản lý doanh nghiệp trong ngành Công Thương.
Trong những năm qua, trường đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng nhiều chương trình đào tạo thường xuyên, định kỳ hàng năm, với các ngành nghề và chương trình bồi dưỡng phù hợp với vị trí công việc và chức danh.
Bên cạnh đó, trường cũng tham gia nhiều đề án và chương trình khác, bao gồm các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chuyển giao quy trình quản lý sản xuất cho các doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Công Thương.
Đối với chương trình nâng cao chất lượng nhân lực thực thi FTA cho các cơ quan Trung ương và địa phương, từ năm 2022, trường đã nhận được sự quan tâm của Bộ Công Thương và phối hợp chặt chẽ với Vụ Chính sách thương mại đa biên. Trường đã thực hiện nhiều nội dung đa dạng, bắt đầu từ việc xây dựng và biên soạn tài liệu, với hơn 20 bộ tài liệu đã được triển khai từ năm 2023 đến nay.
Các tài liệu này bao gồm các cẩm nang cung cấp kiến thức cơ bản về cam kết sở hữu trí tuệ trong Hiệp định CPTPP, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư, cam kết dịch vụ đầu tư trong EVFTA, cũng như những tài liệu chuyên sâu về các cam kết và ôn thi.
Một số bộ tài liệu khác bao gồm kiến thức về xuất khẩu hiệu quả và các cam kết trong các FTA thế hệ mới, hướng dẫn phát triển bền vững khi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.
Những tài liệu này là công cụ hữu ích giúp công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường đạt chất lượng cao, hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương hiểu rõ và tận dụng hiệu quả các cam kết trong FTA.
Bên cạnh việc biên soạn tài liệu, nhà trường còn được giao nhiệm vụ đào tạo, tổ chức các lớp học chuyên sâu về FTA. Trong năm 2024, trường đã tổ chức 6 khóa đào tạo chuyên gia FTA thế hệ mới.
Các khóa học này nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan quản lý nhà nước, viện trưởng, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trên toàn quốc. Đặc biệt, hơn 50% học viên tham gia các khóa học đều bày tỏ mong muốn được đào tạo chuyên sâu thêm. Số lượng lớp học tăng 1,5% so với dự kiến ban đầu, đây là tín hiệu rất đáng khích lệ đối với công tác đào tạo của nhà trường. Trường sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa việc đào tạo chuyên gia FTA thế hệ mới trong thời gian tới.
Lớp đào tạo chuyên gia về FTA đầu tiên. Ảnh: V.H |
Từ kinh nghiệm thực tế, về phía trường, bà nhận thấy có những khó khăn gì trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thực thi FTA?
Một số khó khăn trong công tác đào tạo và bồi dưỡng nhân lực thực thi FTA như sau:
Thứ nhất, việc đào tạo về các Hiệp định FTA là một nội dung rất đặc thù, yêu cầu chuyên gia không chỉ có kiến thức và kỹ năng sư phạm, kiến thức cơ bản mà còn cần có kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt là trong quá trình đàm phán và cam kết trong hiệp định. Vì vậy, việc lựa chọn, sắp xếp giảng viên, chuyên gia tham gia giảng dạy cũng gặp khá nhiều khó khăn.
Thứ hai, để hiểu rõ các cam kết trong quá trình thực thi, người học cần dành thời gian nhất định cho khóa học. Các chương trình bồi dưỡng hiện nay thường kéo dài từ 4 - 5 ngày cho mỗi chuyên đề, nhưng nhiều đơn vị vẫn gặp khó khăn trong việc bố trí cán bộ tham gia.
Thứ ba, một số lãnh đạo đơn vị, địa phương vẫn chưa hoàn toàn chủ động trong việc xây dựng đội ngũ chuyên gia về Hiệp định FTA, dẫn đến khó khăn trong việc tư vấn và tuyên truyền về hiệp định.
Trước những khó khăn này, nhà trường đang phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương để tìm giải pháp thích hợp.
Trong thời gian tới, trường sẽ có giải pháp gì để công tác đào tạo, bồi dưỡng đi vào thực chất? Và bà có khuyến nghị gì?
Trước hết, về giải pháp, nhà trường sẽ tiếp tục đào tạo chuyên sâu về các hiệp định FTA trong những năm tới, tập trung vào các vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình triển khai hoạt động kinh doanh thực tế, như thủ tục hải quan, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, lao động... Đặc biệt, chương trình sẽ đi sâu vào từng thị trường cụ thể để giúp học viên đáp ứng các yêu cầu trong công việc của mình.
Tiếp theo, nhà trường sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân lực, các lớp đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu, nhằm kết nối một cộng đồng gồm các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường học và các hiệp hội ngành hàng, đảm bảo tất cả đều nắm vững kiến thức và kỹ năng về Hiệp định FTA. Điều này sẽ góp phần vào việc tuyên truyền về Hiệp định FTA và giúp các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thực thi hiệu quả các cam kết trong thời gian tới.
Đồng thời, tiếp tục biên soạn các tài liệu chuyên sâu về nội dung hiệp định, ưu tiên số hóa các dữ liệu và nội dung để mở rộng khả năng tiếp cận tới các đối tượng quan tâm.
Cuối cùng, nhà trường sẽ thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm giữa các chuyên gia và đoàn đàm phán để trao đổi về các điểm mới trong các hiệp định với các học viên đã tham gia khóa đào tạo của nhà trường. Mục tiêu là giúp họ trở thành những chuyên gia thực thụ, đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền và tư vấn về Hiệp định FTA cho doanh nghiệp và địa phương trong thời gian tới.
Về khuyến nghị, nhà trường cũng đề xuất một số điểm như sau: Để công tác đào tạo đạt hiệu quả cao, cần có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của Sở Công Thương trong việc xây dựng nguồn nhân lực và đưa ra tiêu chí xây dựng đội ngũ chuyên gia FTA tại địa phương, đồng thời đưa tiêu chí này vào đánh giá hàng năm.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần có các chính sách và chế độ phù hợp đối với đội ngũ chuyên gia tham gia các đoàn đàm phán, xây dựng chương trình và bài giảng, cũng như giảng dạy các lớp chuyên sâu về Hiệp định FTA.
Xin cảm ơn bà!