Mặc dù, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã có những kết quả nhất định, song các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa thị trường này. Một trong những nguyên nhân đó chính là nguồn nhân lực thực thi các FTA còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công tác này, đặc biệt, đối với nhân lực ngành ngân hàng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những giải pháp trong thúc đẩy xây dựng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung thực thi FTA và chất lượng nhân lực ngành ngân hàng nói riêng.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - chia sẻ về những giải pháp thúc đẩy xây dựng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung thực thi FTA và chất lượng nhân lực ngành ngân hàng nói riêng |
Thưa ông, việc thực thi các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan, bao gồm tổ chức tín dụng, ngân hàng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tận dụng các FTA. Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp hỗ trợ này?
Thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội đã có cách tiếp cận rất bài bản và xuyên suốt đối với các FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực thi.
Sau khi Việt Nam ký kết và phê chuẩn các FTA như CPTPP, EVFTA, UKVFTA..., Chính phủ đều ban hành kế hoạch thực thi cấp Chính phủ, sau đó giao cho các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch thực hiện.
Trong kế hoạch thực hiện, hành động có nhóm biện pháp rất quan trọng, đó là hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp, ngành hàng. Trong đó, liệt kê một loạt biện pháp và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng những biện pháp cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Như vậy, về mặt pháp lý, chúng ta có những văn bản cấp Chính phủ, cấp bộ, ngành, cấp địa phương để triển khai và thực thi các FTA.
Cùng với đó, Bộ Công Thương với vai trò là đơn vị được giao tổng hợp các kết quả thực thi FTA của các địa phương, ngành hàng cùng các bộ, ngành... cũng đã nhận được thông tin từ các nơi, triển khai được những biện pháp hỗ trợ nào từ phía các bộ, ngành… Đơn cử như: Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; các địa phương cũng có chương trình hỗ trợ riêng, chương trình kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, chương trình xúc tiến thương mại...
Thời gian qua, mặc dù có rất nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng cần phải có các biện pháp hỗ trợ chuyên sâu hơn, cụ thể hơn đối với từng ngành hàng, doanh nghiệp trong quá trình tận dụng FTA.
Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thời gian qua mang tính chất đa ngành, toàn diện mà chưa đi sâu vào tận dụng một FTA cụ thể, như hỗ trợ tận dụng Hiệp định CPTPP, hỗ trợ tận dụng EVFTA hay các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu lớn. Chúng tôi kỳ vọng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những biện pháp hỗ trợ sâu hơn, cụ thể hơn đối với từng ngành hàng, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả tận dụng các FTA.
Được biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao triển khai xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA. Trong quá trình triển khai thực hiện, có một số vấn đề tồn tại mà nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đang phải đối mặt như nguyên phụ liệu, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và tiếp cận vốn, tín dụng. Theo quan điểm của ông, vấn đề liên quan đến tiếp cận vốn, tín dụng có ảnh hưởng như thế nào đến việc tận dụng các FTA của doanh nghiệp?
Chúng ta đều thống nhất rằng, yếu tố quan trọng nhất của doanh nghiệp chính là vốn. Bên cạnh nguồn nhân lực, công nghệ, doanh nghiệp nào cũng cần vốn để tồn tại và phát triển.
Đối với doanh nghiệp tận dụng các FTA, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức rất nhiều hội thảo, tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như da giày, dệt may, thủy sản, cà phê... ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam... Thông qua các tọa đàm, hội thảo, những vấn đề mà đa số các doanh nghiệp đang gặp phải đó là tiếp cận thị trường, nguồn nguyên liệu, xây dựng thương hiệu và nguồn vốn.
Bộ Công Thương đã tổ chức rất nhiều hội thảo, tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như da giày, dệt may, thủy sản, cà phê... ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam... Ảnh: Minh Trang |
Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp không phải là các ngân hàng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bản chất đây là một nội dung rất quan trọng mà doanh nghiệp cực kỳ quan tâm và nêu ra. Trong thời gian qua, các ngân hàng đã đồng hành rất tốt cùng các doanh nghiệp để vượt qua Covid-19, vượt qua những khó khăn của nền kinh tế nhưng hầu như tất cả các ngành có điều kiện tiếp cận lại còn quá nhiều rào cản.
Do đó, người nông dân, các doanh nghiệp mong rằng, có sự tham gia tích cực hơn nữa, chủ động nữa, hiệu quả hơn nữa từ phía ngân hàng để giúp người dân, doanh nghiệp, ngành hàng tận dụng tốt hơn các FTA.
Hiện nay, quy định của các thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe và gia tăng. Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, hay thị trường Hoa Kỳ... đều có những tiêu chuẩn về môi trường, về phát triển... Để đáp ứng những tiêu chuẩn đó, doanh nghiệp cần tín dụng, phải tiếp cận được ngân hàng, song doanh nghiệp có đáp ứng đượcc các tiêu chuẩn, tiêu chí của ngân hàng hay không? Doanh nghiệp có tuân thủ những quy định, những tiêu chí mà ngân hàng đưa ra hay không? Các quy định của nước nhập khẩu có phù hợp hay không? Hoặc kỳ vọng lợi nhuận của ngân hàng có đi cùng lợi nhuận của doanh nghiệp hay không?...
Đó là những câu hỏi mà chúng ta cần phân tích, cần tìm lời giải.
Vậy theo ông, đâu là lý do chính đằng sau tồn tại liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn và tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng các FTA của Việt Nam?
Tôi nghĩ, trước tiên, chúng ta cần nâng cao hơn nữa nhận thức về FTA của cán bộ ngân hàng, doanh nghiệp, địa phương, ngành hàng.
Thực tế trong thời gian qua, các ngân hàng lớn đã xây dựng chiến lược tiếp cận phát triển nguồn nhân lực và quan tâm đến vấn đề hội nhập quốc tế, các FTA. Khi Chính phủ ký kết và đưa vào thực thi FTA, các ngân hàng lớn cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để phổ biến thông tin, những quy tắc xuất xứ cũng những cam kết trong các FTA... Tôi cũng đã được mời tham dự và có những bài phát biểu chia sẻ về cơ hội cũng như thách thức và cả những khuyến nghị đối với ngành ngân hàng.
Tiếc rằng, vẫn chưa có một chương trình cụ thể liên quan đến việc hỗ trợ ngành ngân hàng tận dụng các FTA hay một chương trình do ngành ngân hàng tổ chức để giúp cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng hiểu sâu, hiểu rõ hơn về các FTA...
Tôi mong rằng, thời gian tới, sẽ có một buổi đào tạo chuyên sâu cho các cán bộ ngân hàng về FTA. Cơ hội từ các FTA rất lớn, giúp ngân hàng tăng được số lượng khách hàng, tăng doanh thu. Bởi, số lượng doanh nghiệp mà tham gia xuất khẩu, tham gia vào các FTA nếu tận dụng hiệu quả, đây là nguồn khách hàng tiềm năng cho hệ thống ngân hàng. Như vậy, trước mắt, cán bộ ngân hàng phải hiểu rõ, hiểu sâu để tận dụng, thực thi các FTA.
Thứ hai, trong các FTA, ngân hàng cần nắm được những lĩnh vực mà ngân hàng có thể tận dụng từ các doanh nghiệp như về thuế, các quy tắc xuất xứ, hải quan, quy định về tài chính...
Nếu có một chương trình tổng thể, bài bản, chuyên sâu, xuyên suốt, sẽ giúp ích rất nhiều cho các ngân hàng trong việc đánh giá cơ hội, đánh giá tiềm năng của khách hàng cũng như có những đánh giá hiệu quả hơn khi mà xem xét hồ sơ xin cấp vốn, vay vốn… Đây là một trong những nội dung mà Bộ Công Thương mong muốn phối hợp với các tổ chức liên quan đến giải quyết, tìm giải pháp.
Trong số các lý do ông nêu ra, ông có đề cập đến vấn đề tìm điểm chung giữa ngân hàng và doanh nghiệp, trong đó vai trò của việc trang bị và nâng cao hơn nữa kiến thức về các FTA cho các cán bộ ngân hàng có vai trò quan trọng. Vậy theo ông, làm như thế nào để thực hiện công việc này?
Tôi ấn tượng với phương thức của một số ngân hàng lớn trong quá trình tiếp cận các FTA và hội nhập quốc tế. Họ có những trung tâm đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, có chiến lược tiếp cận bài bản. Dù vậy, câu chuyện nguồn nhân lực thực thi các FTA vẫn còn là thách thức.
Về khách quan, trong thời gian qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các FTA, Bộ Công Thương cũng nhận được nhiều phản hồi từ phía doanh nghiệp cho rằng cần phải làm sâu hơn nữa, làm đa dạng hơn nữa các chương trình đào tạo nhân lực thực thi FTA. Doanh nghiệp cần được hiểu rõ về các FTA, bao gồm những lợi ích gì, về thuế, quy tắc, hải quan...
Để làm tốt công tác đào tạo nhân lực FTA, vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu dành cho các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý trên toàn quốc. Trong mỗi khóa đào tạo, Bộ Công Thương đã chia theo từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể, dù vậy, số lượng nhân sự tham gia vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Bởi do quy mô mỗi lớp có khoảng từ 90-100 học viên, số lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Riêng với đào tạo nhân lực ngành ngân hàng thực thi FTA, Bô Công Thương đề nghị các Hiệp hội, ngành hàng cùng doanh nghiệp tăng cường công tác phối hợp hơn nữa để nâng cao đội ngũ nhân lực thực thi và tận dụng FTA. Doanh nghiệp rất cần ngân hàng, vì thế phải kết nối với nhau, cùng tham gia vào hệ sinh thái ngành hàng tận dụng các FTA.
Chúng tôi không chờ hệ sinh thái được thành lập rồi mới làm, mà quan trọng là phải làm song song. Bên cạnh việc xây dựng mô hình hệ sinh thái, doanh nghiệp, ngân hàng cần có những sự hợp tác, trao đổi ban đầu. Một bên chia sẻ về nhu cầu, bên kia chia sẻ về thế mạnh hỗ trợ, đáp ứng.
Ông có thể chia sẻ thêm một số kế hoạch, hành động cụ thể của Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ khó khăn về vấn đề nhân lực thực thi FTA cho các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp lĩnh vực tài chính?
Với tư cách là cơ quan theo dõi thực tiễn thực thi và tận dụng FTA của các địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp, theo tôi, cần có một giải pháp tổng thể cho việc tận dụng các FTA.
Từ khi tham gia CPTPP vào năm 2019 đến nay, đã qua giai đoạn 5 năm. Năm 2022, Bộ Công Thương đã có tờ trình đầy đủ, dựa trên ý kiến của tất cả các tỉnh, thành, bộ, ngành để xây dựng bộ báo cáo đánh giá toàn diện, khách quan, kể cả những mặt được và chưa được trong quá trình thực thi FTA. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã có những đánh giá, phân tích nguyên nhân và đề xuất ra 5 nhóm giải pháp để hoàn thiện, gỡ vướng. Sau đó, báo cáo được gửi đi các tỉnh, thành phố để lấy ý kiến, phản hồi. Sau khi nhận được phản hồi đồng ý của các địa phương, bộ, ngành, Bộ Công Thương đã gửi báo cáo đó trình lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Chỉnh phủ cũng đã nhất quán với 5 nhóm giải pháp, bao trùm từ việc tuyên truyền, phổ biến các FTA đến giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển bền vững... Đây là những giải pháp căn cơ, giúp doanh nghiệp, ngành hàng tận dụng tốt các FTA.
Không chỉ đào tạo nhân lực thực thi FTA cho ngành ngân hàng, Bộ Công Thương cũng đã có “Survey” - phương án nghiên cứu, khảo sát lấy ý kiến từ các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp, từ đó lên chương trình, ý tưởng sát sườn với nhu cầu của họ. Ảnh: Trung Thắng |
Liên quan đến đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực thực thi FTA là một trong số các biện pháp mà Bộ Công Thương phối hợp các bộ, ngành để triển khai. Không chỉ đào tạo nhân lực thực thi FTA cho ngành ngân hàng mà đối với các ngành hàng khác, Bộ Công Thương cũng đã có “Survey” - phương án nghiên cứu, khảo sát lấy ý kiến từ các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp để xem họ cần gì, muốn điều gì... Từ đó, lên chương trình, ý tưởng "sát sườn" với nhu cầu của họ.
Nhưng với ngành ngân hàng, Bộ Công Thương chưa có điều kiện, cơ hội để phối hợp triển khai. Hy vọng, trong thời gian tới, các bên sẽ có nhiều sự phối hợp để tổ chức được những chương trình, khóa đào tạo cho nhân lực ngành ngân hàng.
Cũng liên quan đến chương trình đào tạo, để giúp địa phương trong việc thực thi FTA, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Bộ chỉ số FTA Index, nhằm mục tiêu giúp các tỉnh thành quan tâm hơn, chú trọng hơn, hiệu quả hơn trong việc thực thi FTA. Tương tự trong lĩnh vực ngân hàng, đầu tiên, phải thu hút được sự quan tâm của lãnh đạo ngân hàng, để họ có những chủ trương, chỉ đạo xuống các bộ phận chuyên môn trong việc triển khai thực thi các FTA. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động hội thảo, chuyên đề theo hướng để các lãnh đạo ngân hàng nắm được cơ hội, lợi ích hay những các cái vấn đề chiến lược trong cái việc tận dụng FTA của Việt Nam và từ đó triển khai các cái chương trình đào tạo cụ thể.
Trong thời gian tới, bên cạnh những hoạt động đã và đang làm là xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng cơ quản lý, doanh nghiệp, ngành hàng, Bộ Công Thương hy vọng, sẽ có thêm khoản ngân sách để tổ chức nhiều hơn các hội thảo, tọa đàm với mong muốn các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng hiểu rõ hơn, hiểu sâu và đầy đủ, chính xác hơn các FTA. Từ đó, tận dụng hiệu quả hơn lợi thế từ các FTA này.
Xin cảm ơn ông!