Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long |
Đưa chính sách giảm nghèo vào thực tiễn
Dưới những tác động của hội nhập kinh tế cùng biến đổi khí hậu, vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay phải đối mặt với tỷ lệ nghèo còn cao, đặc biệt ở các tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Để giúp người dân ở các vùng nông thôn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo rất nhiều Nghị quyết và chính sách của Đảng, Nhà nước đã được đưa ra.
Cụ thể như Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010 và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 - 2020 hay Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhiều năm qua chính quyền các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ đó giúp tỷ lệ nghèo trên toàn vùng giảm từ 20,1% vào năm 2004 xuống còn 4,2% tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vào năm 2020.
Bước sang năm 2022, các địa phương trong vùng vẫn tiếp tục thực hiện Chươn trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cụ thể, tại Đồng Tháp, ngày 19/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu đã ký và Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Các dự án thành phần của Chương trình gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình.
Còn tại Hậu Giang, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đề ra: Giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 1%. Để thực hiện đạt chỉ tiêu này, nhất là trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 và áp dụng theo chuẩn hộ nghèo hiện hành đòi hỏi các địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự quyết tâm cao từ phía “người trong cuộc”.
Hay ở Tiền Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh này đã ban hành Kế hoạch 24-KH/TU về việc tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế giỏi tiêu biểu.
Hỗ trợ bà con nông dân làm nông nghiệp theo hướng bền vững để thoát nghèo là giải pháp đang được các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện. |
Giúp người dân thoát nghèo bền vững
Thực tế để giúp người dân, đặc biệt là bà con dân tộc xóa đói giảm nghèo, các địa phương trong vùng ngoài thực hiện chính sách hỗ trợ việc, cho bà con vay vốn kinh doanh, tập huấn kỹ thuật sản xuất kết hợp giải quyết đồng bộ các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin - truyền thông...; nhiều địa phương còn định hướng, giúp bà con trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhằm tạo sinh kế để bà con vùng quê thoát nghèo bền vững.
Điển hình là tại Tiền Giang, tỉnh này ngoài thực hiện các chính sách an sinh, xã hội, hỗ trợ xây nhà cho bà con nông dân, còn hướng dẫn nông dân trồng cây ăn trái theo nhu cầu thị trường để làm giàu. Theo đó, sầu riêng là một loại cây ăn trái được quan tâm hướng dẫn trồng nhiều nhất với diện tích lên tới 17.000 ha, tập trung vào các huyện, thị như Cai Lậy, Cái Bè… Đặc biệt, tỉnh này còn hỗ trợ cho bà con xin cấp mã số vùng trồng được khoảng 100 ha để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhờ đó, giá mỗi kg sầu riêng thu mua tại vườn cho bà con hiện có giá 75.000 đồng trong khi bán lẻ ở các chợ lên đến 140.000 đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ vậy, hiện chính quyền địa phương còn vận động người dân tham gia vào các hợp tác xã để tiện hướng dẫn quy trình, thủ tục trồng loại cây ăn trái này. “Hiện nay chúng tôi đang vận động bà con tham gia cấp mã số vùng trồng và được bà con hưởng ứng. Ở góc độ xã, chúng tôi cũng đã hỗ trợ bà con trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng dẫn bà con hoạt động tốt hơn, có điều kiện tăng thu nhập khá hơn”- ông Nguyễn Ngọc Kính - Chủ tịch UBND xã Long Khánh, TX.Cai Lậy, Tiền Giang chia sẻ.
Với những nỗ lực thực hiện các chính sách về giảm nghèo, đến cuối năm 2022, qua rà soát chuẩn nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tới nay tỷ lệ nghèo trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được kéo giảm rõ rệt.
Đơn cử tại Tiền Giang hiện chỉ còn 8.112 hộ nghèo trong tổng số 506.184 hộ, tỷ lệ 1,60%. Hay tại tỉnh Cà Mau đã giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,41%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,53%, trong đó, có nhiều địa phương xóa trắng hộ nghèo. Hiện tỉnh đang tiếp tục thực hiện theo chủ trương của Trung ương và ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND, ngày 31/3/2022 về việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau vào năm 2025 còn 0,96%.
Còn tại Bến Tre, đầu năm 2016, toàn tỉnh có 44.915 hộ nghèo, tỷ lệ 12,11%. Qua 6 năm triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, đến đầu năm 2022, toàn tỉnh còn 11.753 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,93%.
Tương tự, ở Bạc Liêu… cũng đang thực hiện nhiều chính sách để hướng tới mục tiêu trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 4%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng phía Bắc Quốc lộ 1A giảm 2%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 1%, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm dưới 3%, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh còn dưới 10%.