Sở Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững |
Nhiều mục tiêu cụ thể sẽ được triển khai
Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn trong năm 2025, tỉnh này sẽ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vươn lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đạt mục tiêu cụ thể cho năm 2025 sẽ đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Thanh Hóa đạt mục tiêu trong năm 2025 sẽ đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm. Ảnh: Hoàng Minh. |
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ phấn đấu thực hiện 100% huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng (gồm 06 huyện nghèo, 03 xã bãi ngang ven biển và hải đảo); 100 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, đã triển khai thực hiện; 100% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ thực hiện giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Cụ thể, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 10.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; 300 người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ đào tạo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xuống dưới 34%.
Các thiếu hụt về giáo dục, đào tạo cũng sẽ được tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu để giải quyết. Cụ thể, tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 98,04%; tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 30%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu trong năm 2025 tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 98,04%. Ảnh: Thanh Phương. |
Đối với chiều thiếu hụt về nhà ở, tỉnh Thanh Hóa cũng đặt mục tiêu tối thiểu 11.025 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững; chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 75% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; chiều thiếu hụt về thông tin: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Để đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức tuyên truyền, quán triệt, phổ biến thông tin về Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch hành động số 30-KH/TU ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 và Kế hoạch này đến các cấp, các ngành và mọi tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện, chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của Nhân dân ta đối với người nghèo.
Thực hiện cơ chế hỗ trợ, phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện Chương trình. Khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân trên địa bàn huyện nghèo, xã nghèo thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất.
Năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ kết hợp lồng ghép các nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án. Ảnh: Hoàng Minh. |
Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn, tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Kết hợp lồng ghép các nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án, nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo quy định; nâng cao vai trò của người dân, cộng đồng dân cư trong việc theo dõi, giám sát tình hình thực hiện Chương trình, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Ảnh: Hoàng Minh. |
Xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Chương trình; làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của Chương trình đến môi trường sinh sống của cộng đồng.
Chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành; các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý.