Bắc Ninh chủ động ứng phó sự cố hoá chất Dễ phát tán nhưng khó kiểm soát: Hiểm họa từ tác nhân CBRN đang gia tăng Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất độc Thành phố Hà Nội năm 2024 |
Quan tâm đến vấn đề an toàn hóa chất
Chia sẻ tại Diễn tập ứng phó sự cố hoá chất độc Thành phố Hà Nội năm 2024 diễn ra sáng 26/12, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội cho biết: Thành phố Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội của trung ương và địa phương. Đồng thời, là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong nhiều lĩnh vực, các trung tâm sản xuất, công nghệ cao với các khu, cụm công nghiệp… nên vấn đề an toàn hoá chất luôn được UBND Thành phố Hà Nội quan tâm.
Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi diễn tập. Ảnh: NH |
Đặc biệt, trong điều liện phát triển công nghiệp, hoá chất được coi là một sản phẩm, nguyên liệu không thể thiếu trong đời sống xã hội. Hoạt động kinh tế càng phát triển thì việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng hoá chất ngày càng nhiều. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn hoá chất, đặc biệt là hoá chất độc thuộc danh mục được ban hành kèm theo Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong qúa trình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cũng là một trong những vấn đề quan trọng trong đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội Thủ đô.
Nhận thức được vai trò của công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động hoá chất, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 5571/QĐ-UBND ngày 9/12/2020, phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hoá chất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2021-2025, trình Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất độc cấp tỉnh UBND Thành phố Hà Nội tại Quyết định số 1129/QĐ-BCT ngày 9/6/2023.
Đặc biệt, năm 2024, Thành phố Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND về phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất độc cấp tỉnh của UBND thành phố Hà Nội năm 2024. Triển khai kế hoạch trên, ngày 26/12, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố hoá chất độc năm 2024.
Cuộc diễn tập dưới sự chỉ đạo và tham gia của các đơn vị liên quan đã kịp thời xử lý có hiệu quả tình huống giả định xảy ra trong quá trình vận chuyển hoá chất độc, nhằm huấn luyện, nâng cao năng lực phối hợp, chỉ huy ứng phó sự cố hoá chất, đánh giá năng lực và khả năng sẵn sàng tham gia ứng phó, khả năng phối hợp lực lượng giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
“Thông qua hoạt động diễn tập làm cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án xử lý sự cố để chủ động, sẵn sàng trong ứng phó sự cố hoá chất độc khi có tình huống xảy ra” – ông Nguyễn Đình Thắng thông tin.
Ông Hoàng Quốc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) phát biểu tại buổi diễn tập. Ảnh: NH |
Ứng phó sự cố hóa chất là hoạt động cần thiết
Theo ông Hoàng Quốc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương), những năm qua ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có ngành công nghiệp hoá chất. Những tháng đầu năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Hà Nội chủ trương phát triển công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp hóa chất.
Tại Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040 với mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân 7-8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4-5%.
Với tốc độ phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, việc tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra sự cố trong quá trình hoạt động hóa chất cũng sẽ tăng theo. Do vậy công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động, công tác phòng ngừa sự cố hóa chất cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn.
Cũng theo ông Hoàng Quốc Lâm, cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất độc của thành phố Hà Nội năm 2024 mang lại 3 ý nghĩa, bao gồm: Thứ nhất: Việc tổ chức diễn tập sẽ giúp thành phố có sự chuẩn bị kỹ càng, sự tập luyện thành thục trong công tác ứng phó sự cố, có sự nhanh nhạy và linh hoạt để ứng phó khi sự cố hóa chất xảy ra; Thứ hai, thông qua các cuộc diễn tập sẽ giúp nhìn nhận ra những điều còn thiếu sót để kịp thời bổ sung, rút kinh nghiệm trong việc ứng phó sự cố, sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia ứng phó. Thứ ba, việc tổ chức diễn tập sẽ giúp địa phương thấy được sự nguy hiểm của sự cố hóa chất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp để có ý thức hơn trong việc tăng cường công tác phòng ngừa sự cố hóa chất.
Diễn tập ứng phó sự cố hoá chất độc Thành phố Hà Nội năm 2024 diễn ra vào sáng 26/12. Ảnh: NH |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương bên lề diễn tập sự cố hóa chất độc Thành phố Hà Nội năm 2024, ông Vương Thành Chung - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất (Cục Hóa chất – Bộ Công Thương) đánh giá cao sự tích cực của UBND thành phố Hà Nội nói chung và Sở Công Thương Hà Nội nói riêng trong việc chủ động ứng phó các sự cố hóa chất có thể xảy ra trên địa bàn.
Các sự cố xảy ra trên cung đường vận chuyển đối với hoá chất nguy hiểm nói chung và hoá chất độc nói riêng cần phải đặc biệt lưu ý do những hậu quả để lại là vô cùng nặng nề, trong khi lực lượng và trang thiết bị ứng phó tại chỗ là rất hạn chế, không đủ khả năng là tự ứng phó. Theo đó, công tác diễn tập sẽ nâng cao nhận thức về việc huấn luyện kỹ thuật an toàn trong quá trình vận chuyển, đồng thời trang bị kiến thức, sự chuẩn bị về thiết bị ứng phó trên phương tiện vận chuyển được chuẩn bị kĩ càng hơn.
Đặc biệt, theo ông Vương Thành Chung, Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị đầu não của cả nước, là địa bàn có hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra sôi động và không thể thiếu được sự hiện diện của hoá chất cho nên việc tổ chức diễn tập, ứng phó với các sự cố hóa chất là rất cần thiết, nhằm đảm bảo sự sẵn sàng trong công tác ứng phó, cách thức phối hợp, điều động lực lượng phù hợp, kịp thời và có phương án bổ sung phương tiện, trang thiết bị cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất.
“Chủ động ứng phó sự cố hóa chất cũng góp phần đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động hoá chất, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp Thủ đô và hướng tới sự phát triển bền vững ngành công nghiệp hoá chất trên cả nước” – ông Vương Thành Chung thông tin.