Mới đây, tại Hội thảo khoa học “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, những vấn đề đặt ra cho TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ”, TS. Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ; Ủy viên Hội đồng khoa học TP. Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15) đã có bài trình bày tham luận về “Cơ hội TP. Hồ Chí Minh thực hiện khát vọng phát triển”.
Khẳng định vị trí, vai trò là động lực kinh tế của cả nước
Theo T.S Trần Du Lịch, sau 50 năm xây dựng và phát triển, dù trải qua những bước thăng trầm, nhưng TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định được vị trí, vai trò là động lực kinh tế của cả nước; hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ. TP. Hồ Chí Minh đã có giai đoạn đóng góp đến hơn 20% GDP, 30% thu ngân sách, 25% giá trị sản xuất công nghiệp và thương mại, đi đầu trong thu hút đầu tư FDI. Bên cạnh đó, điểm nổi trội của TP. Hồ Chí Minh còn được biết đến là nơi có truyền thống năng động sáng tạo, đóng góp nhiều mô hình kinh tế cho cả nước trong giai đoạn trước đổi mới và quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta.
Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ chính trị (ngày 30/12/2022) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra yêu cầu “TP. Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu... người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước...”. Đây cũng chính là khát vọng phát triển của nhân dân thành phố.
TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ; Ủy viên Hội đồng khoa học TP. Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15. Ảnh: Hà Thư |
“Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, mang ý nghĩa một thời kỳ mà dân tộc Việt Nam phải nỗ lực hết mình, nắm bắt xu hướng phát triển của thời đại, khẳng định vị thế của mình trong khu vực và thế giới, nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, sớm đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, khẳng định vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cũng theo TS. Trần Du Lịch, giai đoạn 2026 - 2035 có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp đưa nước ta thành nước công nghiệp và phải là giai đoạn thể hiện cao nhất khát vọng vươn lên của cả dân tộc, sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Vì vậy, cần xác lập vị trí, vai trò của thành phố trong 10 năm tới theo tinh thần Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ chính trị về thành phố, với các mục tiêu như:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế phải được duy trì với mức tăng trưởng cao hơn khoảng 1,2 - 1,5 lần mức bình quân của cả nước. Hoạt động kinh tế trên phải là nơi mang “tính thị trường” nhất so với cả nước. Mô hình kinh tế thị trường phải được hình thành rõ nét nhất. Nâng cao vai trò cửa ngõ giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế; trong đó việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Trung tâm tài chính quốc tế là nhân tố đột phá.
Thành phố phải là địa phương thực hiện thành công nhất mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh thể chế thuộc nhóm ASEAN-4 như mục tiêu Chính phủ đề ra. Đi đầu trong chuyển đổi số và kinh tế xanh, giảm khí thải nhà kính hướng tới net-zero. Thực hiện “chuyển đổi kép” cả nền kinh tế và đời sống xã hội. Không gian số và không gian văn hóa sáng tạo đi vào đời sống kinh tế - xã hội. Cùng với đó, thành phố trong thời đại mới phải là nơi “khởi nghiệp” của khu vực, là điểm đến của châu Á với tầm nhìn toàn cầu.
TP. Hồ Chí Minh cần làm gì để thực hiện khát vọng phát triển trong kỷ nguyên vươn mình?
Cũng theo TS. Trần Du Lịch, việc làm quan trọng hiện nay là tập trung những công trình, dự án sẽ làm thay đổi thành phố theo tầm nhìn của Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về thành phố.
Theo đó, cần triển khai nhanh và hiệu quả Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 ngay trong năm 2025; xây dựng các đề án, dự án cụ thể để bố trí nguồn lực và kêu gọi đầu tư kém theo các chính sách thu hút đầu tư tư nhân.
Tập trung xử lý nhanh và có hiệu quả các công trình dự án tồn đọng trong nhiều năm do vướng về pháp lý, quy hoạch treo không có nhà đầu tư, dự án kéo dài lãng phí nguồn lực... nhằm hấp thụ vốn đầu tư, tạo sức lang tỏa chung ngay trong các năm 2025 - 2026.
Hoàn thành hệ thống giao thông kết nối vùng, các đường cao tốc và đường vành đai 3, 4 (đang triển khai và sẽ triển khai trong năm 2024-2025); nối kết xong đường vành đai 2; triển khai trục giao thông Bắc - Nam và đường ven sông Sài Gòn; ưu tiên thực hiện sớm trong các năm 2025-2026 các điểm nghẽn cửa ngõ thành phố; phải xây dựng xong hệ thống giao khung đường bộ cả đối nội và đối ngoại trước năm 2030. Triển khai theo tiến độ hệ thống đường sắt đô thị; triển khai đường sắt tốc độ cao TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Nghiên cứu sớm phương án kết nối với Cần Giờ và Bà Rịa - Vũng Tàu; đường sắt đô thị nối ga Thủ Thiêm với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại, đánh dấu sự ra đời và phát triển của đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh |
TP. Hồ Chí Minh cần đóng vai trò “nhạc trưởng” trong thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, ưu tiên số 1 vẫn là xây dựng kết nối hệ thống đường bộ và đường sắt đô thị; tối ưu hóa hệ thống logistics của vùng hướng về cụm cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải - Cần Giờ, đưa vùng Đông Nam Bộ và vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh thành điểm sáng, trên hành lang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các dự án lớn tác động đến chuyển đổi mô hình tăng trưởng, với sự chủ đạo của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Định hình trung tâm khởi nghiệp sáng tạo ở TP. Thủ Đức và các trung tâm dữ liệu lớn (DC) phục vụ cho kinh tế số. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong hàng chục dự án bất động sản đang gây lãng phí nguồn lực, những dự án có sức lan tỏa lớn nhưng bị “treo” hàng chục năm qua.
Tiến hành thực hiện viêc chuyển đổi chức năng 5 khu công nghiệp - khu chế xuất; đồng thời xây dựng chương trình tổng thể chuyển đổi công nghiệp thành phố cho cả giai đoạn 2026-2035. Đây là xu hướng tất yếu mà thành phố phải nhanh chóng thực hiện để thu hút dòng đầu tư mới.
Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh theo nội dung đã được trung ương phê duyệt, để từng bước khẳng định vị trí vai trò đối với khu vực và thế giới; tiếp tục các dự án xử lý nhà ở trên và ven kênh rạch; định hình đặc trưng của đô thị sông nước. Tạo sự đột phá trong tiến độ phát triển nhà ở và cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ. Các công trình mang tính điểm nhấn về văn hóa thể thao cần hoàn thiện, khắc phục sự phát triển mất cân đối giữa kinh tế và văn hóa và cải thiện chất lượng sống của người dân.
Tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” về thể chế, tạo bước tiến mang tính cách mạng về môi trường đầu tư, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, với mục tiêu đến năm 2030, TP. Hồ Chi Minh đạt GRDP/người khoảng 14.500 USD (theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính Trị) đang là thách thức lớn đối với thành phố. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng GRDP bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2026 - 2030 phải đạt 2 con số (khoảng 10-11%/năm).
Tuy nhiên, bước vào năm mới - năm 2025 với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Chính phủ mang tính cách mạng trong việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy hành chính các cấp, tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” về thể chế; xây dựng nền công vụ phục vụ phát triển sẽ là cơ hội để TP. Hồ Chí Minh phát huy truyền thống năng động sáng tạo của người dân thành phố trong 50 năm xây dựng và phát triển đã qua, để huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, mà thành phố có nhiều dư địa và lợi thế chưa được tận dụng, khai thác. Trong dòng chảy của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chính là thời cơ để thành phố củng cố và nâng cao vị trí, vai trò của mình đối với cả nước và khẳng định vị thế tương xứng đối với khu vực và thế giới.
Trong dòng chảy của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chính là thời cơ để thành phố củng cố và nâng cao vị trí, vai trò của mình đối với cả nước và khẳng định vị thế tương xứng đối với khu vực và thế giới. Ảnh: VOV.vn |
Trong đó, ưu tiên số một vẫn là triển khai có hiệu quả cao nhất trong thực tiễn; sơ kết 3 năm và tổng kết 5 năm Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) của Quốc hội. Hướng đến hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; xây dựng nền công vụ phục vụ và kiến tạo phát triển. Gắn việc sơ kết Nghị quyết 98 với tổng kết Nghị quyết 131/2020/QH14 về chính quyền đô thị, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về một số cơ chế chính sách đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành phố trong tình hình hiện nay.
Cùng với đó, về mô hình chính quyền đô thị cần nghiên cứu tiếp tục mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền từ trung ương cho thành phố và từ thành phố cho TP. Thủ Đức và các đô thị trực thuộc khác theo nguyên tắc: Vấn đề gì cấp dưới gần dân hơn, làm tốt hơn nên phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn lực cho cấp dưới làm; giảm tối thiểu cơ chế “xin cho” về công vụ; cấp trên chỉ nên ban hành chính sách, kiểm tra, thanh tra công vụ, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật. Mở rộng phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động sáng tạo, nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong lĩnh vực kinh tế, ngân sách và quản lý đô thị là phương thức quản lý nhà nước hiệu quả nhất, trong điều kiện vận hành của kinh tế thị trường.
Nâng cao vai trò người đứng đấu chính quyền thành phố và các đô thị trực thuộc (gần giống vai trò thị trường ở các nước) và nâng cao quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của một số sở trực thuộc chính quyền thành phố. Trên cơ sở mô hình UBND theo Hiến pháp cần nghiên cứu tăng quyền hạn và trách nhiệm của chủ tịch UBND (gần như vai trò thị trưởng ở các nước), giảm bớt những nội dung thuộc thẩm quyền UBND và thường trực UBND; đồng thời nâng cao vai trò của một số sở trong chức năng quản lý nhà nước như vai trò của các cục, thay vì chỉ là cơ quan tham mưu giúp việc của UBND như hiện nay.
Đồng thời, tổ chức mô hình đô thị trung tâm và chuỗi đô thị vệ tinh, trong giai đoạn từ nay đến đầu năm 2030, cần nghiên cứu tổ chức thêm 1-2 thành phố mới trực thuộc TP. Hồ Chí Minh. Đến sau năm 2030 có thể chuyển Củ Chi và Cần Giờ thành 2 thành phố trực thuộc. Như vậy sau năm 2030, TP. Hồ Chí Minh sẽ có một đô thị trung tâm và 6 thành phố trực thuộc: Đông - Tây - Nam - Bắc và đô thị sinh thái biển Cần Giờ.