Thứ tư 23/04/2025 22:42

Đoàn Di Băng quảng cáo, giới thiệu mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh

Một số mỹ phẩm có nhãn hiệu Hanayuki bà Đoàn Di Băng đại diện được quảng cáo, giới thiệu công dụng quá mức, khiến người dùng hiểu nhầm là thuốc điều trị bệnh.

Mỹ phẩm hay thần dược?

Thương hiệu mỹ phẩm Hanayuki do ca sĩ - doanh nhân Đoàn Di Băng đại diện có nhiều nội dung quảng cáo “lố”, “thổi phồng” tác dụng. Đáng lo ngại, các sản phẩm mang thương hiệu này đang được rao bán phổ biến trên mạng với những công dụng vượt ngoài phạm vi cho phép của mỹ phẩm, dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm đây là thuốc điều trị bệnh.

Combo trị mụn Hanayuki của Đoàn Di Băng quảng cáo "hết mụn chỉ sau 2 tuần". Ảnh chụp màn hình

Trên nhiều trang web như hanayuki.asia, hanayuki.net.vn, myphamhanayukichinhhang.com, hanayukivietnam.com, kemtrinamhanayuki.com..., các sản phẩm Hanayuki được quảng bá với loạt cụm từ như “trị”, “trị mụn”, “trị nám”, “hỗ trợ điều trị”,.. kèm theo giới thiệu cải thiện da rõ rệt sau một liệu sử dụng. Đây là cách thể hiện không phù hợp với quy định đối với mỹ phẩm, vốn không được phép công bố công dụng điều trị như thuốc.

Tại các website này, nhiều sản phẩm được đóng gói và bán lẻ hoặc theo “combo trị mụn”, “combo trị nám”, có giá dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng mỗi bộ. Đơn cử như Kem trị mụn Hanayuki có giá 570.000 đồng/tuýt; Serum trị mụn Hanayuki mini có giá 240.000 đồng/tuýt; Serum trị mụn Hanayuki full size 670.000 đồng/tuýt; Kem trị nám ban đêm Hana Melasma 600.000 đồng; Combo trị mụn 1.860.000 đồng;,…

Các website này giới thiệu Hanayuki là nhãn hiệu mỹ phẩm do Công ty TNHH Thương mại VB Group chịu trách nhiệm phân phối ra thị trường với rất nhiều sản phẩm khác. Được biết, doanh nghiệp này được thành lập ngày 29/4/2021, có trụ sở chính Tầng lửng cao ốc Đại Thanh Bình số 911-913-915-917 Nguyễn Trãi, phường 14, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group do ông Nguyễn Quốc Vũ (chồng bà Đoàn Di Băng) là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc.

Nhiều mỹ phẩm thương hiệu Hanayuki được quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Ảnh chụp màn hình

Ngoài website, trên mạng xã hội, đặc biệt tại một số group Facebook có hàng chục nghìn thành viên, các sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki cũng được quảng cáo rầm rộ với những lời lẽ thổi phồng như “thần dược”. Nhiều bài đăng giới thiệu combo trị nám với cam kết “làm mờ thâm nám chỉ sau 3 tuần”, serum “chấm một phát là mụn gom còi, đẩy nhân cấp tốc, an toàn hiệu quả”, hay kem chống nắng được quảng bá “trắng hơn cả kem dưỡng da”.

Điều đáng chú ý, hầu hết những nội dung quảng cáo đầy tính giật gân này đều sử dụng hình ảnh của Đoàn Di Băng hoặc tài khoản Facebook tích xanh mang tên cô để tăng độ tin cậy và thu hút người mua.

Theo Luật sư Đậu Đức Ninh (Đoàn luật sư Bình Dương), Bộ Y tế đã quy định rõ, mỹ phẩm là sản phẩm có tác dụng tạo ảnh hưởng tạm thời lên cơ thể con người và phải được sử dụng thường xuyên để duy trì hiệu quả đó. Các sản phẩm có khả năng điều chỉnh vĩnh viễn, phục hồi hoặc làm thay đổi chức năng cơ thể thông qua cơ chế miễn dịch, trao đổi chất hoặc dược lý không được xem là mỹ phẩm và không được phép quảng cáo dưới danh nghĩa mỹ phẩm.

Luật sư Đậu Đức Ninh nhấn mạnh: “Việc sử dụng các cụm từ như ‘trị’, ‘điều trị’, ‘đặc trị’ trong quảng cáo mỹ phẩm là hành vi vi phạm khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012, vốn nghiêm cấm việc quảng cáo mỹ phẩm dưới dạng thuốc chữa bệnh. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt từ 15 đến 20 triệu đồng, đồng thời phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin, tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo sai phạm theo khoản 3 Điều 51 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP.”

Đoàn Di Băng nhiều lần quảng cáo lố”?

Ngoài những quảng cáo mỹ phẩm Hanayuki với công dụng “trị bệnh” trên website, cộng đồng mạng còn liên tục đào lại loạt video quảng cáo sản phẩm gia đình của Đoàn Di Băng - nữ doanh nhân quận 7, người thường được cộng đồng mạng gọi là “bà hoàng quảng cáo lố”. Trong các đoạn video này, cô nhiều lần tự tin thần thánh hóa công dụng của các sản phẩm mình kinh doanh một cách khó tin.

Nhiều công dụng của sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Hanayuki Soft & Silk được Đoàn Di Băng thần thánh hóa. Ảnh chụp màn hình

Ngày 22/4/2025, Báo Công Thương phản ánh tại bài viết “Đoàn Di Băng bị tố 'thổi phồng' công dụng dung dịch vệ sinh Hanayuki” về việc quảng cáo sản phẩm dung dịch vệ sinh Hanayuki không chỉ với công dụng làm sạch và chăm sóc vùng da nhạy cảm như quy định, mà trong video, nữ doanh nhân còn khẳng định sản phẩm này có thể dùng để gội đầu, rửa mặt, trị mụn, trị viêm da và tắm toàn thân.

Trong một video khác, Đoàn Di Băng kể câu chuyện một khách hàng từng hiếm muộn 4 năm, sau khi dùng sản phẩm này để vệ sinh cơ thể, thì bất ngờ đậu thai. Những phát ngôn này khiến người tiêu dùng dậy sóng vì tính phi lý và nguy cơ gây ngộ nhận nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Không dừng lại ở đó, Đoàn Di Băng còn quảng cáo một loại serum với lời hứa hẹn chỉ sau 9 ngày sử dụng làn da sẽ “trắng như bông”, hay một sản phẩm lược chải tóc nhưng lại được giới thiệu có công dụng kích thích mọc tóc nhanh, khiến dân mạng “trầm trồ”.

Đoàn Di Băng từng quảng cáo kẹo rau với công dụng “một viên tương đương 5 ký rau xanh”. Ảnh chụp màn hình

Trong các video livestream bán hàng, Đoàn Di Băng cũng nhiều lần vừa ăn vừa giới thiệu sản phẩm yến chưng đông trùng hạ thảo giá chỉ 25.000 đồng/hũ, với lời quảng cáo ăn là ngủ ngon, bồi bổ sức khỏe và có thành phần như đông trùng, yến sào,… Mức giá rẻ bất ngờ chỉ bằng ly trà sữa khiến dư luận đặt câu hỏi về chất lượng, thành phần thực tế so với những lời quảng cáo hoa mỹ mà cô đưa ra.

Chưa hết, đoạn clip quảng cáo gây tranh cãi nhất phải kể đến một sản phẩm thực phẩm chức năng mà cô giới thiệu với công dụng “một viên tương đương 5 ký rau xanh”. Người xem cho rằng lời giới thiệu này vô lý đến mức hài hước. Thậm chí, trong cùng một đoạn video, Đoàn Di Băng còn vô tình để lộ sự bất nhất khi khẳng định bản thân “không biết ăn rau”, nhưng ở các video khác lại vui vẻ thưởng thức đủ loại rau củ.

Những lần phát ngôn thiếu kiểm chứng, quảng cáo công dụng sản phẩm vượt quá thực tế và bất nhất trong lời nói của Đoàn Di Băng không chỉ khiến cộng đồng mạng hoài nghi mà còn làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm cô phân phối và đại diện thương hiệu.

Đoàn Di Băng, tên thật là Phạm Thị Thanh Thúy, sinh năm 1990 tại TP. Hồ Chí Minh. Cô từng là ca sĩ, đạt giải bạc cuộc thi Giọng hát vàng ngành du lịch TP.HCM lần VI năm 2010. Sau khi kết hôn với doanh nhân Nguyễn Quốc Vũ, cô chuyển hướng sang kinh doanh, nổi bật với thương hiệu mỹ phẩm Hanayuki.

Tuy nhiên, gần đây, cặp đôi đình đám này liên tục vướng vào những ồn ào. Đồng thời, quá khứ từng là thủ lĩnh trong hệ thống đa cấp nổi tiếng một thời - Lô Hội cũng bị cư dân mạng “đào lại” và chỉ trích gay gắt.

Anh Phong
Bài viết cùng chủ đề: Báo Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Đoàn Di Băng bị tố 'thổi phồng' công dụng dung dịch vệ sinh Hanayuki

PQA Nhuận Tràng: Thực phẩm chức năng đội lốt bài thuốc

Loạt trung tâm đăng kiểm bị tố vòi vĩnh, nhũng nhiễu

Báo Công Thương liên tiếp nhận được phản ánh Võ Hà Linh quảng cáo sản phẩm sai sự thật

Hộp thư bạn đọc ngày 19/4: Phản ánh Võ Hà Linh quảng cáo lố; sản phẩm cai thuốc lá mập mờ nguồn gốc

Tra cứu thông tin thực phẩm bảo vệ sức khỏe ở đâu?

Quản lý thị trường chỉ ra 3 khó khăn trong kiểm tra, xử lý thực phẩm vi phạm

Ký túc xá Mỹ Đình thiếu minh bạch, đẩy gánh nặng lên vai sinh viên nghèo?

Kháng cáo xin án treo dây chuyền vụ 'Bà Nhàn trị nám': Liệu có quá nhẹ tay?

Từ sữa, thuốc giả nhìn lại vụ “Bà Nhàn trị nám” lừa đảo gần 500 tỷ

Quản lý thị trường Hà Nội vào cuộc xử lý đơn tố cáo Chu Thanh Huyền bán mỹ phẩm không tem nhãn

Sữa Fucoidan Nano 'nổ' chữa được ung thư: Công ty nói do đại lý

Cục Quản lý Dược chuyển đơn tố cáo Chu Thanh Huyền đề nghị QLTT xử lý

Hộp thư bạn đọc ngày 17/4: Phản ánh việc lấp hồ Đầm; Ốc Sên bán hàng thiếu tem nhãn

Công ty phân phối Hikid phản hồi sau bài viết Báo Công Thương

Doanh nghiệp phân phối Hikid nói gì sau khi Báo Công Thương phản ánh?

Mailystyle quảng cáo kiểu Kera:NMN, dầu thông đỏ 'cải tử hoàn đồng', chữa bách bệnh

Hà Nội: Nhà dân nứt toác cạnh công trường thi công dự án Trường THCS Huy Văn

Thanh Hóa: Cải thiện 'bữa ăn thiếu chất' tại trường nội trú Quan Hóa

‘Ăn Cùng Bà Tuyết' lên tiếng sau phản ánh về sản phẩm chân gà chưa chín