Thứ ba 19/11/2024 10:34

Bộ Công Thương hỗ trợ Ninh Bình đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp Sở Công Thương Ninh Bình tổ chức tập huấn “Đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử".

Để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nâng cao nhận thức, kỹ năng để đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã phương một sản phẩm (OCOP) lên sàn thương mại điện tử, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị tập huấn “Đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử”.

Trong 5 năm (2018-2022), số lượng sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng gia tăng. Ninh Bình đang đẩy mạnh liên kết, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP nhằm đưa sản phẩm chất lượng, an toàn đến với người tiêu dùng; đưa sản phẩm OCOP ra "sân chơi" lớn.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP tiêu biểu do người dân Ninh Bình sản xuất bao gồm: Cơm cháy, ngô nếp tươi sấy (Công ty Cổ phần Sinh hóa Ninh Bình), Trà hoa cúc (Hợp tác xã Riti) đã tham gia gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước như: Sendo, Tiki, Lazada… Chương trình OCOP đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng việc ra mắt nhiều sản phẩm OCOP mang đậm nét đặc trưng của những vùng, miền, địa phương tỉnh Ninh Bình.

Hội nghị tập huấn “Đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử”

Tại Hội nghị tập huấn ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet) đã giới thiệu tổng quan về thực trạng thương mại điện tử hiện nay và tình hình phát triển thương mại điện tử tại Ninh Bình.

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Hiệp hội Thương mại điện tử, xếp hạng chỉ số thương mại điện tử theo địa phương năm 2023 xác nhận Ninh Bình hiện xếp vị trí thứ 22 trên tổng số 58 tỉnh, thành phố được xếp hạng. Dựa vào các tiêu chí xếp hạng của Báo cáo, kết hợp với diễn biến thị trường bán lẻ hàng hóa trên các sàn uy tín như Shopee, TikTok shop, Lazada, Tiki, Sendo của Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Thành đã đánh giá về tình hình phát triển thương mại điện tử của Ninh Bình, thế mạnh và những hạn chế, định hướng phát triển để có bước tiến trong thời gian tới, góp phần đưa sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của Ninh Bình lên sàn thương mại điện tử, giới thiệu tới người tiêu dùng trong nước, vươn ra thị trường nước ngoài.

Bảng xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023

Chia sẻ về nội dung tăng trưởng kinh doanh với mô hình bán lẻ đa kênh, ông Võ Xuân Nam, Phụ trách đào tạo, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử cho biết, bán lẻ đa kênh là mô hình tiếp thị trên nhiều kênh truyền thông của ngành hàng bán lẻ. Hiểu đơn giản là tiếp thị sản phẩm trên bất kỳ kênh nào (web, mạng xã hội, TVC, quảng cáo qua ứng dụng, cửa hàng trực tiếp…) sẽ tiếp cận khách hàng của mình ở kênh đó.

Cập nhật với các học viên về những xu hướng bán hàng hiện nay, ông Võ Xuân Nam chỉ ra 5 xu hướng: Bán hàng trên mạng xã hội (Social commerce); nội dung do người dùng sáng tạo (user generated content); bán hàng đa kênh; cá nhân hóa hành trình mua sắm của khách hàng; và đa dạng hóa phương thức thanh toán mang lại sự tiện lợi và đảm bảo an toàn.

Trong đó, mô hình bán hàng đa kênh gồm: tiếp thị đa kênh (Multi Channel) và bán hàng đa kênh (OmniChannel). Ông Võ Xuân Nam chỉ ra sự khác biệt giữa hai loại mô hình này, đồng thời lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp lại chọn bán hàng đa kênh Omnichannel. Theo đó, Omnichannel giúp chủ doanh nghiệp/người quản lý có được những dự đoán và quyết định chính xác hơn trong việc trữ hàng tồn kho, dòng tiền, vận chuyển… Thực hiện các bước triển khai, thử nghiệm, đo lường hiệu quả và tối ưu trong bán hàng đa kênh dễ dàng;

Bên cạnh đó, Omnichannel đáp ứng kỳ vọng cao hơn của khách hàng: Với nhu cầu mua sắm đa dạng tại mọi thời điểm và địa điểm, kì vọng của khách hàng đặt ra cho trải nghiệm số hóa là rất cao cho dù loại kênh mua sắm họ chọn là gì đi chăng nữa.

Phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả trên sàn thương mại điện tử là nội dung nhận được sự quan tâm, tương tác của rất các học viên tham dự tập huấn

Chia sẻ về tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam, bà Đoàn Ngọc Lan, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử cho biết, quy mô kinh tế số Việt Nam đang trên đà tăng trưởng cao và có thể đạt mốc 50 tỷ USD vào năm 2025 (Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek và Bain & Company). Trong đó, thương mại điện tử Việt Nam là trụ cột chính của nền kinh tế số với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm trong mấy năm gần đây và đạt 16,4 tỷ USD năm 2022 (Sách trắng thương mại điện tử năm 2022 của Bộ Công Thương).

Để thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, bà Lan lưu ý, các doanh nghiệp cần xác định rõ ưu, nhược điểm khi tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, bà Đoàn Ngọc Lan nhấn mạnh, thương mại điện tử giúp khắc phục khoảng cách về địa lý; tiếp cận lượng khách hàng lớn; tiết kiệm chi phí; cung cấp thông tin so sánh giá; tạo nhiều chương trình Marketing; chăm sóc khách hàng… Bên cạnh đó, kinh doanh trên không gian mạng cũng gặp phải những vấn đề như cạnh tranh khốc liệt, rủi ro khi khách hoàn trả hàng, niềm tin của khách hàng và vấn đề bảo mật thông tin…

Phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả trên sàn thương mại điện tử là một nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm, tương tác của rất nhiều học viên tham dự tập huấn. Vì vậy, trong phần thực hành về thiết lập tài khoản và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng ở Việt Nam (như Shoppe, Lazada, Tiki…), mạng xã hội (Facebook, zalo…), bà Đoàn Ngọc Lan đã có những chia sẻ và hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp thực hành các bước: Lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP có thể bán trên thương mại điện tử, cách tạo shop (set up gian hàng), cách đăng sản phẩm tối ưu SEO…

Hội nghị tập huấn “Đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử” đã góp phần giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nâng cao nhận thức, kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử, từ đó, góp phần đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của Ninh Bình mở rộng thị trường trong thời gian tới.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: thương mại điện tử

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định EVFTA

3 nội dung chính của Diễn đàn Thương mại điện tử và Kinh tế số ngành Công Thương 2024

Doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại Hoa Kỳ

Kinh nghiệm ứng phó điều tra phòng vệ thương mại từ ngành nhôm Việt Nam

Sơn La tham gia Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2024

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

CLEANFACT và RHVAC VIETNAM 2024: Điểm đến của nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Mục tiêu tăng trưởng GDP qua lăng kính chuyên gia quốc tế

Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Ninh Thuận ‘bắt tay’ cùng TP Hồ Chí Minh thu hút đầu tư

ITTC Hoà Bình: Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Sở Công Thương Long An hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Ninh Thuận: Đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ

Khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tại Cà Mau

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc