Nhiều vấn đề đặt ra với thương mại điện tử
Tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2025 diễn ra ngày 25/4, bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử thời gian qua đã đặt ra nhiều vấn đề được xã hội quan tâm.
Đặc biệt là đối với các vấn đề về chất lượng sản phẩm hàng hoá trên sàn thương mại điện tử, hay những tác động của AI đối với thương mại điện tử và hành vi của người tiêu dùng.
Dẫn khảo sát của Cục Thương điện tử và Kinh tế số, bà Lê Thị Hà cho biết, năm 2025, tỷ lệ tham gia mua sắm của người tiêu dùng trên môi trường không gian mạng khoảng 63% (tương đương khoảng 63 triệu người).
Một khảo sát khác do Metrix công bố cũng cho thấy, tỷ lệ người thông qua hình thức livestream để đưa ra quyết định cuối cùng của mình khi mua sắm trực tuyến là 62%. Giá trị mua sắm trực tuyến trung bình 1 người/năm ước tính là 396 USD. Tỷ trọng thương mại điện tử so với tổng mức doanh thu hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước khoảng 10%.
![]() |
Bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) trình bày nội dung về quản lý hoạt động thương mại điện tử tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử 2025. Ảnh: Phong Lâm |
Tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay đang được chia đều cho ba nền tảng và lớn nhất vẫn là những nền tảng như TikTok Shop, Shopee... Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ổn định ở mức 20%/năm.
"Số lượng các cá nhân, thương nhân, tổ chức có tài khoản mở để vận hành website hoặc các ứng dụng vẫn tăng trưởng hàng ngày, hàng năm. Năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã ghi nhận khoảng hơn 9.000 tài khoản từ thương nhân, tổ chức, cá nhân.
Từ tài khoản này, Bộ Công Thương tiến hành cấp phép cho các website thương mại điện tử. Số lượng được cấp phép năm 2024 là hơn 5.729 website. Số lượng ứng dụng thương mại điện tử khoảng 195 (bao gồm cả những website bán trực tiếp và các nền tảng trung gian và không trung gian) vẫn tăng trưởng đều", bà Lê Thị Hà cho hay.
Tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử
Đối với việc quản lý hoạt động thương mại điện tử, theo bà Lê Thị Hà, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính để kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu thời gian thực đối với những nền tảng đã được Bộ Công Thương cấp phép. Từ đó, hai bên có thể rà soát, đối chiếu để kiểm tra xem một mã số thuế có trụ sở, địa điểm có còn hoạt động hay không.
Trong năm 2024, Bộ Công Thương cũng đã gỡ bỏ 120 website và 48 ứng dụng về giao dịch thương mại điện tử không còn hoạt động nhưng vẫn có dữ liệu ở trên hệ thống online.gov.vn của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Công an thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến việc khuyến khích việc xác thực để đảm bảo rằng những sản phẩm, hàng hoá mặc dù ở môi trường ảo nhưng vẫn có thể xác thực được địa chỉ người bán.
Không chỉ các cơ quan nhà nước, Bộ Công Thương còn phối hợp với các doanh nghiệp về thương mại điện tử (hơn 55.000 doanh nghiệp vận hành thương mại điện tử bán hàng và hơn 1000 sàn giao dịch thương mại tử) để gỡ bỏ nhanh nhất, hiệu quả nhất những sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Mặc dù các hoạt động, giải pháp quản lý đang được thực hiện một cách có hiệu quả, tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hà, vẫn còn đó một số khó khăn, hạn chế.
Thứ nhất, là việc kiểm soát việc bán hàng, quảng cáo, chất lượng sản phẩm từ các KOL, KOC trên các nền tảng mạng xã hội. Hiện pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể, chi tiết về vấn đề này.
Thứ hai, việc quản lý nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là một vấn đề nan giải đòi hỏi phải có sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan hải quan.
Thứ ba, vấn đề hàng giả trên thương mại điện tử, đặc biệt là thuốc, thực phẩm chức năng. Về vấn đề này, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các đơn vị sở hữu nền tảng thương mại điện tử để tháo gỡ khoảng 1.000 sản phẩm là thực phẩm chức năng, sữa.
![]() |
Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử thu hút sự quan tâm của nhiều bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp. Ảnh: Phong Lâm |
Về định hướng quản lý trong thời gian tới, bà Lê Thị Hà cho biết, đối với dự thảo Luật sửa đổi Luật Quảng cáo, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đề xuất cần có quy định cụ thể đối với hoạt động livestream.
Trong đó, nêu rõ trách nhiệm của người quảng cáo đối với nội dung quảng cáo và chất lượng sản phẩm hàng hoá. Còn đối với dự án Luật Thương mại điện tử cũng dự kiến sẽ có quy định trách nhiệm đối với các chủ thể tham gia thương mại điện tử.
"Bộ Công Thương cũng sẽ đưa ra lộ trình để đảm bảo đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thương mại điện tử trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của AI và thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế quản lý các mặt hàng kinh doanh có điều kiện trên thương mại điện tử, như thuốc, dược phẩm, tập trung phát triển thương mại điện tử xanh, minh bạch thông tin trong thương mại điện tử...", bà Lê Thị Hà nhấn mạnh.
Được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, thương mại điện tử ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ trong thời gian qua. Theo kết quả điều tra thực hiện bởi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng hơn 25% và tỷ trọng thương mại điện tử chiếm trên 9% tổng doanh thu bán lẻ. |