Thực tế, NQTM đã du nhập vào Việt Nam và bắt đầu phát triển từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với sự xuất hiện của các thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng như KFC, Lotteria và Jollibee… NQTM mại vào Việt Nam trong những năm qua đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN) nội địa. Ngay cả thời điểm năm 2009, khi khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước diễn ra trầm trọng, hoạt động NQTM ở Việt Nam vẫn diễn ra.
Lotteria là một trong những thương hiệu nhượng quyền thương mại vào Việt Nam |
Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 6/2020, đã có 279 thương hiệu nước ngoài đăng ký NQTM vào Việt Nam. Lĩnh vực nhận NQTM nhiều nhất là chuỗi thức ăn nhanh, nhà hàng (chiếm 41,31%), gồm các cửa hàng bán thức ăn nhanh, cà phê và đồ uống; thứ hai là các cửa hàng bán lẻ khác (chiếm khoảng 15,49%), bao gồm bán lẻ nội thất, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng; thứ ba là lĩnh vực thời trang (chiếm 14,08%), gồm kinh doanh thời trang phụ nữ, trẻ em, giày dép, túi xách và các phụ liệu thời trang; tiếp đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo (chiếm 11,47%), gồm đào tạo ngoại ngữ, giáo dục thể chất, đào tạo nghiệp vụ máy tính, dịch vụ giáo dục và giải trí khoa học. Ngoài ra, NQTM còn thực hiện đối với các cửa hàng tiện lợi và dịch vụ khác.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện NQTM tại Việt Nam phát triển còn hạn chế, chủ yếu mới ở mô hình độc quyền (cấp 1), rất ít thương hiệu NQTM theo mô hình cấp 2 khi đối tác cấp 1 tiếp tục được nhượng quyền từng chi nhánh, hoặc từng khu vực cho một đối tác thứ cấp tiếp theo như cách làm tại các thị trường phát triển. Một số ngành kinh doanh NQTM rất phát triển trên thế giới như bất động sản, dịch vụ khai thuế, kiểm toán, kinh doanh giải trí, rạp phim, cơ sở karaoke… thì tại Việt Nam đến nay vẫn gần như chưa có NQTM.
Bên cạnh đó, pháp luật về NQTM mặc dù đã khá đầy đủ trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, không can thiệp sâu vào giao dịch giữa các bên trong hợp đồng NQTM. Song, một số quy định của pháp luật về NQTM còn chưa bao quát hết, chưa phù hợp và chồng chéo với hệ thống các luật có liên quan khác, chẳng hạn như Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ…
4 xu hướng nhượng quyền
Trên thế giới, phát triển NQTM đã và đang có nhiều thay đổi, thị trường Việt Nam sẽ không là ngoại lệ. Bộ Công Thương nhận định, NQTM ở Việt Nam tới đây sẽ có xu hướng phát triển mạnh, theo 4 xu hướng:
Thứ nhất, để cạnh tranh, các thương hiệu sẽ lựa chọn đối tác nhận NQTM hàng loạt để đẩy nhanh tốc độ nhân rộng, thay vì nhượng quyền từng cửa hàng như trước đây. Bên NQTM sẽ tìm và chọn những đối tác nhận có sẵn tổ chức, địa điểm kinh doanh, tài chính mạnh để chuyển giao. Ưu điểm của phương thức này là nhân rộng nhanh, đòi hỏi đối tác nhận phải thật sự hiểu được cách thức vận hành triết lý kinh doanh của thương hiệu, có khả năng điều hành chuỗi một cách hợp lý, đảm bảo dự án có lãi.
Thứ hai, ngày càng có nhiều thương hiệu lớn tự phát triển hệ thống cửa hàng trực thuộc trong một thời gian nhất định, rồi sau đó nhượng quyền lại cho các đối tác kinh doanh (nhượng quyền lại - reFranchise). Phương thức này phù hợp với các thương hiệu bán lẻ, thức ăn nhanh, cà phê… muốn mở rộng và chiếm lĩnh nhanh chóng các địa điểm kinh doanh đắc địa, nhất là ở các thành phố lớn. Song cũng đòi hỏi tính chuyên môn rất cao, nếu bên nhượng quyền chọn sai đối tác sẽ ảnh hưởng ngay đến uy tín thương hiệu.
Thứ ba, thị trường nhượng quyền về thức ăn nhanh sẽ phát triển mạnh. Tuy nhiên, xu thế người tiêu dùng sẽ coi trọng sức khỏe, an toàn thực phẩm và đề cao dinh dưỡng, các thương hiệu NQTM sẽ có sự thay đổi sâu sắc về thực đơn.
Thứ tư, thị trường NQTM dịch vụ như giáo dục và y tế, vận tải, hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ với các trung tâm đào tạo tiếng Anh, những thương hiệu giáo dục toán học tư duy... tạo ra những cơ hội kinh doanh rất tốt cho các nhà đầu tư.
Giai đoạn 2017-2020, hoạt động nhận NQTM đã có xu hướng tăng trở lại, năm 2017 đạt mức cao nhất với 33 thương hiệu đăng ký NQTM (chiếm 15,49% trong 12 năm trở lại đây). Tuy nhiên, giai đoạn này cũng có 7 DN đề nghị xóa hoạt động NQTM tại Việt Nam, do hoạt động không hiệu quả. |
Bài 2: Khắc phục chính sách bất cập