Xúc tiến thương mại: Bàn đạp thúc đẩy xuất khẩu gỗ
TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại |
Thưa ông, xuất khẩu hàng hoá đã và đang gặp khó khăn ở hầu khắp các nhóm hàng và thị trường. Dưới góc độ là chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu về xuất nhập khẩu, ông có thể cho biết một số đánh giá về những khó khăn mà ngành gỗ - một trong những ngành xuất khẩu chủ lực đang gặp phải?
Ngành gỗ là 1 ngành phát triển rất nhanh về xuất khẩu, nếu năm 2010, xuất khẩu toàn ngành mới chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD thì đến năm 2022 là 16 tỷ USD và hiện nay là ngành xuất khẩu thứ 6 trong những ngành xuất khẩu chủ lực.
Sản phẩm gỗ có mặt ở 140 quốc gia và hiện nay chúng ta là một trong những cường quốc xuất khẩu đồ gỗ, xếp thứ 1 ở ASEAN, thứ 2 ở Châu Á (sau Trung Quốc) và thứ 5 trên thế giới. Như vậy ngành gỗ phát triển rất nhanh thời gian qua.
Cách đây vài năm, Chính phủ thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành xuất khẩu chủ lực đến năm 2030, giao Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại xây dựng. Trong đề án, chúng tôi đã lựa chọn ngành gỗ là 1 trong 21 ngành được ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh vì đây là ngành có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh.
Nhưng hiện nay, xuất khẩu gỗ đang đối diện với khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu suy giảm đến gần 30%, cao hơn tốc độ giảm chung của cả nước (13%).
Kim ngạch xuất khẩu gỗ có sự suy giảm khi chịu tác động của tình hình thế giới và trong nước. Thứ nhất, trên thế giới, có thể nói năm nay là năm kinh tế thế giới vô cùng ảm đạm, còn khó hơn năm 2020 là thời kỳ Covid-19. Điều này đã tác động lớn đến ngành gỗ khiến những khó khăn bắt đầu từ năm 2022 và năm 2023 càng rõ nét hơn.
Cùng với khó khăn chung về tình hình thế giới thì chính sách bảo hộ ở các nước cũng cao. Xuất khẩu gỗ phải đối diện với rất nhiều vụ điều tra kéo dài và ảnh hưởng đến sản xuất của chúng ta.
Ở trong nước, nguồn cung gỗ nguyên liệu hiện vẫn chưa đủ và ta vẫn phải nhập khẩu 1 số loại trong nước không có. Do đó, quy trình chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp cũng gặp nhiều khó khăn.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, do hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ còn thấp, nguồn lực tài chính hạn chế nên chưa đủ để đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh. Công nghệ thấp nên năng suất thấp.
Ngoài ra, mẫu mã vẫn còn đơn điệu. Thương hiệu của doanh nghiệp còn yếu. Nhiều doanh nghiệp không có đủ kinh phí xây dựng thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa năng lực về quản trị, marketing còn yếu.
Chưa kể, ngành gỗ còn tồn tại một số hạn chế nội tại như cơ cấu sản phẩm vẫn nghiêng về các sản phẩm có giá trị thấp như xuất khẩu dăm gỗ đứng thứ nhất thế giới. Còn những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn như gỗ ván, nội ngoại thất tỷ trọng còn thấp. Hiệu quả sử dụng gỗ còn lãng phí so với thế giới.
Đặc biệt, hiện nay, tình hình phân bổ cơ sở chế biến gỗ giữa 3 miền đất nước chưa hợp lý, vẫn còn tập trung nhiều ở miền Nam. Miền Bắc nhiều rừng nhưng vẫn ít doanh nghiệp.
Có nhiều ý kiến cho rằng, một trong những khó khăn tác động đến ngành gỗ hiện nay là khả năng đa dạng hóa thị trường chưa tốt. Xin ông cho biết ý kiến về quan điểm này?
Trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của thị trường rất quan trọng. Nhưng thị trường của ta hiện nay chưa đa dạng. Sản phẩm gỗ chế biến có mặt tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, song tập trung 5 thị trường chính là Mỹ; Trung Quốc; Nhật Bản; Hàn Quốc; EU với khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ. 10% còn lại rải ra với lượng xuất khẩu rất nhỏ ở các thị trường khác.
Do đó, khi 5 thị trường này gặp khó khăn thì xuất khẩu chung sẽ giảm. Cho nên vai trò của đa dạng hoá thị trường là rất quan trọng
Để đa dạng hoá, ta phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường mới và tiềm năng như New Zealand, Australia… Đây là các thị trường rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Tất nhiên việc đa dạng hoá thị trường không hề đơn giản và cần thời gian dài. Nhưng dù khó khăn đến mấy cũng phải làm. Ngành gỗ hiện nay có đến 90% xuất khẩu nên cần phải đa dạng hoá thị trường. Đây là giải pháp quan trọng không chỉ với ngành gỗ mà với tất cả các ngành khác.
Theo ông, chỉ riêng những giải pháp xúc tiến thương mại như hiện nay đã đủ mạnh và tác động lớn đến doanh nghiệp ngành gỗ trong việc xuất khẩu hay chưa? Theo ông, từ phía doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nên chú trọng những giải pháp nào để công tác xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao hơn?
Để xuất khẩu gỗ không thể bỏ qua các giải pháp xúc tiến thương mại và các giải pháp này đang ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Thực ra, có xúc tiến thương mại chúng ta mới bán hàng được đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thời gian qua công tác xúc tiến thương mại làm khá tốt, song vẫn cần phải nỗ lực hơn.
Xúc tiến thương mại là giải pháp quan trọng vực dậy xuất khẩu gỗ |
Chúng ta phải hiểu xúc tiến thương mại là rất tốn kém, trong khi kinh phí của cả nhà nước và doanh nghiệp đều hạn chế. Vậy thì chúng ta phải tập trung vào một số việc.
Thứ nhất là tập trung vào các mặt hàng chủ lực có hoặc sẽ có tiềm năng phát triển và có giá trị xuất khẩu cao.
Thứ hai là tập trung xúc tiến thương mại vào các thị trường tiềm năng mà chưa khai thác được nhiều như Trung Đông, châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu.
Thứ ba là tập trung vào các bạn hàng lớn như các tập đoàn, các nhà nhập khẩu lớn.
Thứ tư là hình thành các trung tâm triển lãm lớn đối với đồ gỗ. Hiện nay ta có một số trung tâm nhưng còn nhỏ và chưa rải đều ở các thị trường.
Ngoài ra, phải tập trung vào việc quảng cáo thương hiệu ngành gỗ Việt Nam. Khi có thương hiệu toàn ngành, thương hiệu doanh nghiệp thì khách hàng sẽ tìm tới.
Về phía cơ quan quản lý, cũng cần cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể nắm bắt rõ được.
Ngoài ra, thúc đẩy xúc tiến thương mại online, đây là phương thức rẻ tiền và nhiều doanh nghiệp có thể làm được
Nhà nước và doanh nghiệp phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, tổ chức thêm các buổi phân tích đánh giá cho doanh nghiệp để doanh nghiệp nắm được thị trường, khách hàng cụ thể để hiệu quả xúc tiến thương mại cao hơn.
Những nhận định của ông về bức tranh xuất khẩu gỗ trong thời gian tới? Từ góc độ nghiên cứu, ông có thể chia sẻ lời khuyên với các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh?
Thời gian tới, tôi cho rằng kinh tế thế giới có khả năng phục hồi nhẹ vào 6 tháng cuối năm, lạm phát sẽ giảm xuống, lãi suất điều hành hạ, tiêu dùng các thị trường sẽ phục hồi. Vào năm 2024, kinh tế thế giới nhiều khả năng quay lại mức bình thường. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gỗ nói riêng sẽ có cơ hội phục hồi.
Để đón cơ hội, chúng ta cần chuẩn bị bằng cách nỗ lực tái cơ cấu lại. Trong lúc phát triển nóng, đôi khi chúng ta không có thời gian tái cơ cấu thì đây chính là cơ hội tốt nhất.
Đối với doanh nghiệp, đầu tiên là phải đầu tư để đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị, đổi mới quy trình sản xuất theo hướng tự động hoá vì yêu cầu tự động hoá hiện nay ngày càng cao. Chỉ tự đông hoá mới chủ động được đơn hàng khi hiện nay nhiều bạn hàng đòi hỏi phải có đơn hàng rất nhanh.
Doanh nghiệp cũng cần đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, quy trình sản xuất. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp về nhiều mặt.
Trong bối cảnh hiện nay, phải đẩy mạnh chuyển đổi số cả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, bán hàng. Chuyển đổi số không chỉ là phần mềm mà cả kiến thức quản trị doanh nghiệp. Đồng thời tập trung đẩy mạnh thương mại điện tử.
Ngoài ra, cần nâng cao khả năng của các doanh nghiệp để ứng phó với những biện pháp bảo hộ của các nước, trong đó có phòng vệ thương mại. Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại ngay ở thị trường nội địa để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải hiểu biết về luật pháp, phải có chuyên gia và phối hợp với các cơ quan chức năng để chủ động trong ứng phó.
Đối với toàn ngành gỗ, phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước về quy hoạch, chiến lược. Phải tái cấu trúc sản xuất, tạo dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm đang nghiêng về sản phảm giá trị gia tăng thấp nên cần chuyển đổi sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Muốn làm được phải đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, xây dựng được mạng lưới phân phối của riêng chúng ta để nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Ước tính, trong tháng 6/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,05 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng 5/2023 và giảm mạnh 26,2% so với tháng 6/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 728 triệu USD, giảm 4,3% so với tháng 5/2023 và giảm 23,4% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,1 tỷ USD, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022. |