Xuất siêu tăng kỷ lục, đâu là lý do chính?
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Xuất nhập khẩu là một trong 3 trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu đón những tín hiệu tích cực khi đơn hàng từ một số ngành hàng chủ lực hồi phục thấy rõ, ông có thể chia sẻ lý do về việc này?
Thứ nhất, sau những khó khăn về việc đứt đơn hàng của nhiều ngành nghề, lĩnh vực thì đến cuối năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 lượng đơn hàng đã phục hồi tích cực. Hầu khắp các ngành, lĩnh vực như gỗ, dệt may, da giày, sắt thép, điện tử, thủy sản, rau quả, gạo, cà phê đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao.
Thông quan xuất khẩu hàng hóa tại cảng. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+ |
Mặc dù tháng 1/2024 là tháng vừa mới kết thúc kỳ nghỉ Tết dương lịch của các quốc gia châu Âu và đang chuẩn bị bước vào thời gian Tết âm lịch của Việt Nam, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng 42%.
Bước sang tháng 2, đây là tháng có kỳ nghỉ Tết âm lịch dài ngày của Việt Nam, nhưng lượng xuất nhập khẩu vẫn rất cao. Cộng dồn 2 tháng, tổng xuất nhập khẩu ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD.
Các đơn hàng từ thị trường truyền thống, đến các thị trường Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và cả những thị trường mới đã được các doanh nghiệp chú ý khai thác. Từ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của chúng ta dần dần quay trở lại ở mức tương đối tốt.
Thứ hai, năm 2023, giá cả nhiều loại nguyên nhiên vật liệu, trong đó có mặt hàng xăng dầu tương đối ổn định, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thứ ba, các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, Quốc hội đối với các hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng cũng như đối với các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân nói chung đã có những tác động tốt, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, hải quan, logistics,… hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Thứ tư, quá trình xanh hóa, giảm phát thải CO2 cũng đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn. Mặc dù sự thay đổi chưa quá nhiều, nhưng rõ ràng, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận với các thị trường khó tính.
Sự thay đổi không chỉ số lượng mà còn về chất lượng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, với các sản phẩm xanh hơn, sạch hơn, từ đó, thâm nhập vào các thị trường một cách tốt hơn. Việc này có ý nghĩa lâu dài đối với nền kinh tế, các doanh nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Xuất siêu cao kỷ lục trong 10 năm trở lại đây, điều này có đưa ra những lo ngại gì không, thưa ông?
Theo nhìn nhận của tôi thì trong thời gian vừa qua, nhiều lĩnh vực và ngành nghề của chúng ta đã có sự tìm kiếm nguồn nguyên nhiên vật liệu trong nước để thay thế nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu. Do đó, lượng nhập khẩu giảm đi nhưng hàng hóa xuất khẩu của chúng ta vẫn đáp ứng được. Nếu chúng ta duy trì được việc này thì hoàn toàn có thể tự tin rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ tốt hơn trong tương lai.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh |
Nếu nói không có nhập khẩu thì không có xuất khẩu. Nhưng thực tế, xuất khẩu vẫn tăng. Và thực tế, nếu doanh nghiệp cần thì họ phải nhập về để sản xuất kinh doanh và xuất khẩu chứ không bó tay chịu trói.
Tuy nhiên, liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu này thì còn có rất nhiều vấn đề. Bởi Việt Nam là quốc gia nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ, dịch vụ,… tương đối lớn. Nhưng thời gian gần đây, một số mặt hàng, chúng ta giảm nhập và tăng xuất.
Do đó, cần có sự tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn nguyên nhiên vật liệu trong nước để thay thế nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu; tiết kiệm nguyên nhiên liệu nhập khẩu và xuất khẩu để thực hiện quá trình sản xuất xanh hơn, sạch hơn. Từ đó, tạo điều kiện cho nền kinh tế của Việt Nam thích ứng với giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế thế giới.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và các Bộ ngành đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm khai thác tối đa các lợi thế và cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng thương mại với các nước, ông bình luận gì về việc này?
Chúng ta cũng đã nói nhiều việc này về vai trò của Chính phủ, các Bộ, ngành, Hiệp hội trong việc giúp cho các doanh nghiệp, các ngành hàng nắm bắt lại thị trường truyền thống, tìm cách mở rộng hoạt động thương mại tới các thị trường mà đang có nhiều ưu đãi từ các FTA, đồng thời đa dạng hóa, mở rộng ngoài các thị trường FTA.
Việt Nam là quốc gia ký nhiều FTA nhất, nhưng vẫn còn cả thế giới rất rộng lớn để chúng ta tìm kiếm, khai thác thị trường. Và với sức sản xuất như của Việt Nam thì việc tìm kiếm, mở rộng thị trường và giúp cho các doanh nghiệp, các ngành hàng có được thị trường xuất khẩu là việc cực kỳ quan trọng và cần thiết.
Trong đó, trách nhiệm đầu tiên là thuộc các thương vụ, các đại sứ quán. Họ phải là người nắm bắt tình hình, tìm hiểu, giới thiệu bạn hàng, thực hiện các yêu cầu để người xuất khẩu và nhập khẩu gặp nhau,…
Còn Chính phủ, các Bộ ngành đứng vai trò chỉ đạo trong việc thực hiện các hoạt động ngoại giao. Đồng thời, giúp cho các Bộ ngành, hiệp hội, đơn vị ký kết các hiệp định, từ đó, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đây là cách đi hiệu quả và có ý nghĩa thực tế.
Riêng với Bộ Công Thương, trong thời gian vừa qua, Bộ cũng đã làm tương đối tốt việc này. Trong đó, hàng tháng đều tổ chức giao ban, xúc tiến thương mại với các thương vụ, đại sứ quán từ đó, có những chỉ đạo sâu sát trong từng quý, từng tháng. Từ đó, trong hoạt động giao thương, nắm bắt bạn hàng, nắm bắt thông tin thị trường của các doanh nghiệp, của các hiệp hội, ngành nghề được tốt hơn. Việc này cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
2 tháng đầu năm 2024, “sức khỏe” hoạt động xuất nhập khẩu phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến lo ngại về những khó khăn tiềm ẩn từ các thị trường, ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp?
Thực tế, các đơn hàng xuất khẩu chủ yếu mới dừng ở hết tháng 6, tháng 7/2024. Do đó, việc tiếp tục tìm kiếm và thắt chặt mối quan hệ để ký kết các đơn hàng trong nửa cuối năm 2024 là một việc làm cực kỳ quan trọng và cần thiết để duy trì đà tăng trưởng hoạt động xuất khẩu. Do đó, các Bộ ngành, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp cần tích cực trong việc nắm bắt thị trường cũng như tìm kiếm các đơn hàng mới.
Đồng thời, cần phải tìm kiếm và nắm bắt những thay đổi từ các quốc gia. Đặc biệt là xu hướng xanh hơn, sạch hơn, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số để từ đó có thể giảm thiểu được chi phí trong quản lý và hoạt động kinh doanh, nhưng đồng thời, vẫn đáp ứng được yêu cầu của hoạt động đổi mới và tiếp cận các thị trường. Nhất là trong bối cảnh kinh tế số đang tạo điều kiện cực kỳ thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hiệp hội trong tiếp cận thị trường.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoạt động liên kết liên doanh, tìm kiếm các nguyên nhiên vật liệu thay thế tại các thị trường mà chúng ta ký kết các FTA để được hưởng các ưu đãi thuế quan. Mặt khác, cần tích cực tìm kiếm các nguồn hàng nguyên nhiên vật liệu thay thế từ nội địa để từ đó vừa phát huy được sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời, vừa đảm bảo được tính độc lập, hiệu quả trong quá trình sản xuất kinh doanh. Có như vậy, việc xuất siêu các sản phẩm của Việt Nam có thể gia tăng về con số và bền vững về lâu dài.
Ngoài ra, trong hoạt động xuất nhập khẩu cần phải có đường hướng lâu dài, đặc biệt là trong xây dựng thương hiệu từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập và chiếm lĩnh được các thị trường trên thế giới.
Xin cám ơn ông!