Từ phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm – nhận thức đúng về sáp nhập xã
Sáp nhập xã - lưu ý khắc phục cả 2 khuynh hướng
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được triển khai quyết liệt, khoa học với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã là những nội dung thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước trong thời gian qua.
Những nội dung gắn với sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã đã có những thông tin chính thức, những chỉ đạo cụ thể về mốc thời gian triển khai, cách thức, định hướng thực hiện tại Hội nghị toàn quốc (diễn ra ngày 16/4) quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của Việt Nam…
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đặc biệt, tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu thể hiện tầm nhìn, chỉ đạo những công việc, hành động cụ thể cần triển khai gắn với tinh gọn bộ máy thời gian tới. Từ phát biểu của Tổng Bí thư đã giúp cán bộ, nhân dân cả nước nhận thức rõ nhiều vấn đề, nhất là chủ trương và quyết sách thực hiện sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã…
Trở lại thời gian trước, khi thông tin về việc không tổ chức chính quyền cấp huyện, sáp nhập xã và giảm số lượng cấp xã khoảng 60 - 70% so với hiện tại… Nhiều ý kiến trao đổi, dư luận, diễn đàn mạng xã hội luận bàn cho rằng, việc không tổ chức cấp huyện nhưng lại nhập xã, nhập phường “to” như một quận, một huyện trước đó thì “đúng bản chất” là bỏ cấp xã/phường và như vậy thà rằng thực hiện chủ trương bỏ cấp xã/phường và giữ cấp huyện/quận với tên gọi như cũ… thì mọi việc sẽ đơn giản hơn!.
Thực sự cách nghĩ, cách phân tích đó thật quá giản đơn, thiếu tầm nhìn và không hiểu thấu bản chất, mục tiêu hướng đến của việc tinh gọn bộ máy hành chính, không tổ chức cấp huyện, nhập cấp xã. Trong bài phát biểu tại hội nghị vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã làm rõ, nhấn mạnh: Mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, chủ động hướng về nhân dân...
Theo Tổng Bí thư, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển. Là cơ hội để chúng ta sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Về sáp nhập xã, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo, cần lưu ý khắc phục cả 2 khuynh hướng: Một là sáp nhập các xã, phường quá rộng như một "cấp huyện thu nhỏ" dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân, dẫn đến biến chủ trương không tổ chức cấp huyện thành không tổ chức cấp xã. Thứ hai, sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả… Đây là những vấn đề Tổng Bí thư đề nghị ban thường vụ các tỉnh phải bàn bạc, tính toán rất kỹ, trên tinh thần tầm nhìn lâu dài, vì nước, vì dân để có phương án bố trí, sắp xếp hợp lý nhất.
Hướng về nhân dân để phục vụ tốt hơn
Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, trên cơ sở mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các cơ quan Trung ương và địa phương cần sớm rà soát, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên cơ sở, bảo đảm thống nhất trên toàn quốc và từng địa phương.
Sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã cùng phát triển hạ tầng giao thông sẽ tạo sự kết nối, mở rộng không gian phát triển. Ảnh: Báo Đồng Nai |
Nhất quán nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương về cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành cơ chế, chính sách, lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư.
Cấp cơ sở tổ chức thực hiện chính sách, tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý vấn đề làm tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập... “Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người xứng đáng hơn - tự nguyện đứng về phía sau vì sự phát triển cũng là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng tự hào, đáng được khen ngợi” - Tổng Bí thư chỉ đạo và nêu rõ quan điểm.
Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế; đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn - "đất nước là quê hương". |