Kiểm soát thương mại chiến lược: Đón ‘sóng’ dịch chuyển chuỗi cung ứng Chính sách kiểm soát thương mại chiến lược: Kinh nghiệm quốc tế Kiểm soát thương mại chiến lược: Không thể chậm trễ |
Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều đối tác thương mại lớn. Vì vậy, việc xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả sẽ tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn từ thị trường này, từ đó giúp cân bằng cán cân thương mại. Theo đó Bộ Công Thương đã xây dựng và công bố Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược để lấy ý kiến rộng rãi.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về Nghị định.
![]() |
Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại. Bằng cách thúc đẩy nhập khẩu công nghệ nguồn từ các nước phát triển. Ảnh: TTXVN |
Tạo dựng hành lang pháp lý thống nhất
- Việc xây dựng và công bố lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược theo ông có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc xây dựng Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là một bước đi quan trọng, phản ánh tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Dự thảo Nghị định này không chỉ đáp ứng yêu cầu từ các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, EU – những nước đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát công nghệ nhạy cảm và chống chuyển giao trái phép mà còn thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao uy tín quốc gia.
Trong đó, về điểm tích cực của Nghị định, đó là các quy định về thủ tục khai báo hàng hóa lưỡng dụng (như Điều 7) và Chương trình tuân thủ nội bộ (Chương IV) đã được xây dựng rất rõ ràng, chi tiết. Điều này giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý có một hành lang pháp lý thống nhất, tránh tình trạng 'mỗi nơi một phách' như trước đây.
Đặc biệt, việc kiểm soát chặt chẽ công nghệ nhạy cảm không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Họ sẽ yên tâm hơn khi biết Việt Nam có cơ chế ngăn chặn rủi ro chuyển giao công nghệ trái phép, từ đó mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Một điểm nổi bật nữa là Nghị định sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại. Bằng cách thúc đẩy nhập khẩu công nghệ nguồn từ các nước phát triển, chúng ta có thể giảm phụ thuộc vào hàng hóa trung gian. Đồng thời nâng cao giá trị xuất khẩu nhờ ứng dụng công nghệ mới.
![]() |
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law |
- Từ góc độ pháp lý, ông có góp ý gì đối với Dự thảo Nghị định để các quy định được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn và quy định quốc tế cũng như các văn bản luật khác của Việt Nam?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo tôi, để Dự thảo Nghị định đạt hiệu quả cao, cần điều chỉnh một số điểm sau:
Thứ nhất, cần đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Làm rõ định nghĩa hàng hóa lưỡng dụng (Khoản 1 Điều 3). Theo đó, cần tham chiếu chi tiết đến các quy định trong Luật Hải quan 2014 và Luật Quản lý ngoại thương 2017 để tránh mâu thuẫn.
Ví dụ, cần xác định rõ phạm vi "vũ khí hủy diệt hàng loạt" có bao gồm các công nghệ AI hoặc robot quân sự hay không? Bên cạnh đó, cần phân định thẩm quyền rõ ràng (Phụ lục I) để tránh chồng chéo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Quốc phòng trong việc ban hành Danh mục hàng hóa lưỡng dụng.
Thứ hai, cần đảm bảo hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, cần tham khảo Thỏa thuận Wassenaar và các công ước kiểm soát xuất khẩu. Việt Nam nên áp dụng các tiêu chí phân loại hàng hóa lưỡng dụng từ các hiệp định quốc tế để đảm bảo tính tương thích, giúp doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ khi giao dịch với đối tác nước ngoài.
Tuân thủ cam kết trong FTA, ví dụ, cần xem xét các điều khoản về chuyển giao công nghệ trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) hoặc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA) để tránh xung đột.
Thứ ba, cần minh bạch hóa thủ tục và hỗ trợ doanh nghiệp. Cần quy định thời hạn cụ thể cho cơ quan quản lý (điểm a Khoản 4 Điều 7) nên bổ sung chế tài nếu cơ quan chậm trễ.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cổng thông tin tích hợp thay vì chỉ dừng lại ở Cổng Thông tin một cửa (www.vnsw.gov.vn), cần phát triển nền tảng số để doanh nghiệp dễ dàng tra cứu Danh mục hàng hóa lưỡng dụng, cập nhật quy định mới, và nộp hồ sơ trực tuyến. Ngoài ra, cần tổ chức các khóa đào tạo miễn phí về xây dựng Chương trình tuân thủ nội bộ, đồng thời giảm phí thẩm định cho doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Thứ tư, cần bổ sung cơ chế giám sát và khiếu nại. Thành lập Ủy ban giám sát liên ngành, gồm đại diện từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, và Hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời giải quyết tranh chấp và điều chỉnh chính sách. Cho phép doanh nghiệp khiếu nại quyết định từ chối phê duyệt. Ngoài ra, Điều 15 về Thu hồi Quyết định phê duyệt Chương trình tuân thủ nội bộ cần quy định rõ thủ tục khiếu nại, thời hạn giải quyết và cơ quan tiếp nhận để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp.
“Chìa khóa" xây dựng nền kinh tế hiện đại
-Trong bối cảnh Việt Nam tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế, ông kỳ vọng như thế nào đối với Nghị định?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Kỳ vọng rằng Nghị định sẽ là "chìa khóa" giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao thông qua các tác động, Như, thúc đẩy chuyển đổi số và công nghiệp công nghệ cao.
Bằng cách kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu công nghệ, Việt Nam có thể ưu tiên tiếp nhận các công nghệ tiên tiến (AI, IoT, vật liệu mới...) để phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn. Ví dụ: Quy định về "đặc điểm kỹ thuật, công nghệ" (Khoản 6 Điều 3) sẽ giúp sàng lọc công nghệ lạc hậu, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào R&D.
Bên cạnh đó, bảo vệ an ninh kinh tế và quốc phòng. Việc xây dựng các quy định sẽ giúp ngăn chặn việc hàng hóa lưỡng dụng (như thiết bị viễn thông, vật liệu hạt nhân) rơi vào tay các tổ chức hoặc quốc gia có mục đích xấu, đảm bảo an ninh quốc gia. Giảm thiểu rủi ro bị các nước áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại do vi phạm quy định chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp Việt Nam trở thành đối tác đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ. Ví dụ: Khi EU công nhận Việt Nam có hệ thống kiểm soát xuất khẩu hiệu quả, hàng hóa "Made in Vietnam" sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường châu Âu hơn.
Ngoài ra, tạo động lực cho nền kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, Nghị định sẽ kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưỡng dụng, thúc đẩy doanh nghiệp tái chế, tái sử dụng nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Xin cảm ơn ông!
Nghị định không chỉ là công cụ pháp lý để kiểm soát thương mại mà còn là "bệ phóng" giúp Việt Nam chuyển mình từ nền kinh tế gia công sang nền kinh tế sáng tạo, dựa trên công nghệ và tri thức. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả, Chính phủ cần lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ và đảm bảo tính khả thi trong thực thi. |