![]() |
|
- Ông nhìn nhận như thế nào về sự ra đời của bộ chỉ số FTA Index trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều FTA thế hệ mới, đặc biệt đối với một ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may? Ông Vũ Đức Giang: Tôi cho rằng FTA Index là một bộ chỉ số có tính bứt phá và có tính chiến lược. Thứ nhất, nếu chúng ta vẫn làm như trước đây mà không xây dựng các chỉ số như FTA Index hoặc trong trường hợp các nước nhập khẩu đưa ra yêu cầu bắt buộc về chỉ số này mà chúng ta không có, không đáp ứng được, thì doanh nghiệp Việt Nam coi như đứng ngoài cuộc chơi mang tính toàn cầu. Đây là vấn đề thứ nhất tôi muốn khẳng định. Thứ hai, chính các chỉ số này đã và đang thúc đẩy khả năng doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng. Chỉ khi thích ứng được thì chúng ta mới có một sân chơi bình đẳng, ổn định và có vị thế trên thị trường toàn cầu. Thứ ba, xuất phát từ chính những giải pháp đã và đang tiếp tục triển khai. Hiện tại, chúng ta đã ký 17 FTA, tới đây có thể ký thêm một số FTA nữa và có thể sẽ đạt con số 22 FTA. Tất cả các FTA này, các nước nhập khẩu họ đều đưa ra yêu cầu cụ thể về chỉ số đối với nhà sản xuất, đối với các quốc gia xuất khẩu muốn tham gia thị trường toàn cầu của họ. Mỗi quốc gia nhập khẩu sẽ có một bộ tiêu chuẩn khác nhau. |
Chính vì vậy, FTA Index sẽ tiếp tục thúc đẩy năng lực thích ứng của doanh nghiệp - doanh nghiệp phải đầu tư vào con người, đầu tư vào thiết bị công nghệ, đầu tư vào hạ tầng cơ sở và quan trọng nhất là đầu tư để đạt được các chỉ số về tính minh bạch. Sự minh bạch sẽ tạo ra động lực thực sự để chúng ta có thể tiếp cận thị trường toàn cầu nói chung, và thị trường EU nói riêng - vốn là thị trường có yêu cầu cao và chuẩn mực khắt khe. Đó là mục tiêu mà tôi cho rằng ngành dệt may Việt Nam nói riêng và các ngành sản xuất công nghiệp nói chung của đất nước chúng ta phải tuân thủ. Chúng ta phải tạo ra được một hệ giải pháp để từ đó thúc đẩy năng lực thích ứng. Có thích ứng được, thì doanh nghiệp mới có thể phát triển thị trường ổn định, tiến tới phát triển bền vững trong dài hạn. |
|
- Với một ngành trải dài nhiều địa phương như dệt may, chỉ số FTA Index có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn địa bàn đầu tư và mở rộng sản xuất phù hợp với lợi thế hội nhập? Ông Vũ Đức Giang: Tôi cho rằng chỉ số này có 3 yếu tố tác động đến cộng đồng doanh nghiệp. Thứ nhất, nó thúc đẩy tính công bằng và đặc biệt là tính lan tỏa toàn diện giữa các doanh nghiệp, các địa phương khác nhau. Bởi vì chỉ số này không phải dành riêng cho một doanh nghiệp, cho riêng một vùng miền nào đó, mà chỉ số này yêu cầu tất cả các vùng miền phải tuân thủ theo chỉ số này thì mới có được một sự phát triển thị trường có tính ổn định toàn cầu. Thứ hai, nó tạo ra được một giải pháp đào tạo nguồn lực để chúng ta tuân thủ, vận hành chỉ số này. Nếu chúng ta không có nguồn lực, không có truyền thông, không có đào tạo, không có giải pháp hướng dẫn cho con người của chúng ta, cho bộ máy của chúng ta và cho người quản trị doanh nghiệp hiểu được chỉ số này, thì chúng ta lại đứng ngoài cuộc chơi có tính toàn cầu. Như vậy, con người là một yếu tố then chốt. Thứ ba, đối với cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bài học ở đây là chúng ta phải thích ứng, quét các chỉ số này. Vậy thì chỉ số này không phải chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, mà kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải phù hợp. |
Do đó, chúng ta phải tạo ra một liên kết chuỗi, chính từ chuỗi này, doanh nghiệp lớn sẽ chia sẻ cho doanh nghiệp nhỏ và chính các doanh nghiệp lớn cũng tạo ra nguồn lực, điều kiện để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ thích ứng - đặc biệt là các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa. Bởi nếu một lĩnh vực, một ngành mà chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp lớn, hoặc vừa và nhỏ mà không có sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ hơn nữa, thì ngành đó chưa thể gọi là có tính hoàn thiện, chưa có tính toàn diện cho một ngành công nghiệp. Một chỉ số ra đời đã tạo ra động lực và động lực đó lan tỏa có tính toàn diện cho toàn xã hội. Ở đây, không phải là nhận thức của một doanh nghiệp mà là nhận thức của toàn xã hội. Bởi vì mỗi một mắt xích ghép lại xây dựng cho một dòng sản phẩm khác nhau, cho một chuỗi sản xuất nguyên phụ liệu khác nhau, một chuỗi cung ứng khác nhau. Một ngành dệt may Việt Nam không thể làm được tất cả, mà ngành dệt may Việt Nam có sự liên kết với rất nhiều ngành: ngành sản xuất nguyên liệu, ngành sản xuất bao bì, ngành sản xuất phụ liệu, ngành sản xuất điện và ngành sản xuất nước… Tất cả các ngành đó đều phải có mắt xích liên kết với nhau. Vậy chúng ta phải truyền thông lan tỏa một cách đầy đủ nhất nhận thức của xã hội, nhận thức của doanh nghiệp, nhận thức của người dân, nhận thức của bộ máy quản lý, chính quyền địa phương và quản lý nhà nước phải có tính đồng bộ. Chỉ như vậy thì một nước đang phát triển như Việt Nam mới có một vị thế mang tính toàn cầu, trong tầm nhìn hội nhập mang tính toàn cầu. Như vậy chúng ta mới thành công được trong tất cả các lĩnh vực. |
|
- Theo ông, để FTA Index thực sự trở thành một chỉ số sống gắn với thực tiễn thì vai trò của các bên liên quan cần được định hình như thế nào để không rơi vào tình trạng "có chỉ số nhưng không có hành động"? Ông Vũ Đức Giang: FTA Index là một công cụ chiến lược, thúc đẩy tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp trong hành trình hội nhập toàn cầu. Thông qua FTA Index, doanh nghiệp có thể cải thiện các hạn chế và khó khăn trong quá trình tận dụng FTA. Họ cũng có thể nhận diện rõ hơn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc thực thi FTA. Song để vận hành hiệu quả, tôi cho rằng doanh nghiệp cần triển khai những trụ cột hành động sau. Trước hết, phải hiểu rõ FTA Index là gì. Để làm được điều này, cần có sự đồng hành của truyền thông và cơ quan quản lý trong việc phổ biến, giải thích rõ ràng để doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội cùng nhận thức đúng. Ngoài ra, phải có cơ sở hạ tầng phù hợp để vận hành chỉ số. Không thể chỉ nghe rồi để đó. Cần đầu tư vào hạ tầng số, hệ thống quản trị, nền tảng công nghệ để hiểu đúng, ứng dụng đúng và tháo gỡ các nút thắt nội tại của doanh nghiệp mình. Cuối cùng, doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi hành động mang tính xã hội hóa. Không thể trông chờ mãi vào cơ quan nhà nước "cầm tay chỉ việc". Người đứng đầu doanh nghiệp phải chủ động, phải coi FTA Index là công cụ chiến lược, là tiêu chuẩn vận hành bắt buộc. Muốn hội nhập thực chất, doanh nghiệp phải tự bước bằng đôi chân của mình. |
Chúng ta cũng cần có cơ chế khen thưởng và khích lệ xứng đáng trong quá trình triển khai FTA Index. Việc đánh giá cần đi kèm hệ thống điểm cộng minh bạch. Địa phương nào tuân thủ tốt, triển khai hiệu quả chỉ số phải được ghi nhận vì đó không chỉ là thành tích của một tỉnh, mà là bệ phóng cho sự phát triển đồng bộ các địa phương khác. Khi FTA Index đi vào thực tiễn và mang lại giá trị rõ ràng, cả doanh nghiệp lẫn địa phương sẽ cảm thấy tự hào vì góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều đó không thể thiếu vai trò của truyền thông. Truyền thông phải đồng hành liên tục, không chỉ trong lễ công bố, mà cần bám sát hành trình thực thi, góp phần lan tỏa nhận thức, thúc đẩy hành động. Chỉ như vậy, FTA Index mới trở thành một chỉ số sống, gắn liền với sự chuyển động thực chất của doanh nghiệp, địa phương và đất nước. Xin cảm ơn ông! |
Thực hiện: Nguyên Thảo - Thanh Thảo Đồ họa: Ngọc Lan |