Longform
04/04/2025 16:06
Thuật toán vô cảm, KOLs vô trách nhiệm và thế hệ bị dẫn lối sai

04/04/2025 16:06

PGS.TS Trần Thành Nam đã chỉ ra bản chất “bệnh lý văn hóa” của thời đại số, cảnh báo về sự xuống cấp thẩm mỹ, sự thao túng của thuật toán vô cảm.
PGS.TS Trần Thành Nam

Trong thời đại mà một cú click có thể biến một con người vô danh thành “ngôi sao mạng”, truyền thông xã hội đã không còn là công cụ kết nối mà trở thành một sân khấu ảo, nơi sự nổi tiếng được xây dựng bằng drama.

Khi nghệ sĩ không còn hát cho cái đẹp mà dùng âm nhạc để công kích, giễu nhại. Khi nghệ sĩ, KOLs không truyền cảm hứng sống mà dùng scandal để hút view… thì văn hóa đại chúng đang bị thao túng bởi lượt xem, bởi thuật toán, bởi sự thỏa hiệp với chuẩn mực lệch lạc.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra bản chất “bệnh lý văn hóa” của thời đại số, cảnh báo về sự xuống cấp thẩm mỹ, sự thao túng của thuật toán vô cảm và khoảng trống chính sách trong kiểm soát không gian mạng.

PGS.TS Trần Thành Nam

- Từ góc nhìn giáo dục, ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng các KOL và nghệ sĩ trẻ ngày càng chủ ý tạo ra "drama", sử dụng scandal cá nhân, đời tư như một chiêu thức đánh bóng tên tuổi?

PGS.TS Trần Thành Nam: Chúng ta đang sống trong một thế giới vận hành cực kỳ nhanh. Người trẻ sống trong một nền kinh tế sôi động, thực tế đến mức trở nên thực dụng. KOLs cũng như vậy. Họ xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội như một nền tảng để kiếm tiền và lan tỏa ảnh hưởng.

Có người chọn đi bằng tài năng thật sự nhưng con đường đó ngày càng khó, sự cạnh tranh ngày một khốc liệt. Những tác phẩm sống cùng năm tháng đang dần bị thay thế bởi các “hit”, các “trend” ngắn ngủi, xuất hiện liên tục. Vì vậy, nhiều người chọn cách thức khác - gây chú ý bằng sự độc, lạ, sốc. Và nếu lạm dụng, họ sẽ dễ rơi vào lệch chuẩn giá trị.

Ban đầu, có thể họ có ý định tốt, muốn lan tỏa giá trị tích cực. Nhưng khi ánh đèn sân khấu rọi vào người khác, họ sẽ làm mọi cách để kéo lại sự chú ý. Khi không đủ tài năng, họ bắt đầu nghĩ đến chiêu trò. Nhiều người cố tình đi ngược lại truyền thống, coi đó là “cá tính”. Họ tự bao biện rằng đó là tự do tư tưởng, là bản sắc cá nhân, tính nghệ sĩ.

Ví dụ như trào lưu “battle rap” - ngôn ngữ tục tĩu, công kích cá nhân đã được sử dụng như một "vũ khí nghệ thuật". Cá nhân tôi không đồng tình việc đưa cả những ca từ tục bậy như thế trong những chương trình biểu diễn nghệ thuật. Nhưng nhiều bạn trẻ lại coi đó là cá tính, là văn hóa đường phố, là sự gần gũi đời thường, thậm chí, còn ủng hộ vì thấy mới lạ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng những người càng có ảnh hưởng, càng cần hướng đến giá trị chung là “chân, thiện, mỹ”. Không thể chỉ vì sự chú ý ngắn hạn mà đánh đổi chuẩn mực nhân văn.

PGS.TS Trần Thành Nam

PGS.TS Trần Thành Nam

- Có ý kiến cho rằng chúng ta đang chứng kiến một sự “xâm chiếm văn hóa” kiểu mới, khi truyền thông mạng xã hội trở thành sân khấu chính để những hình tượng méo mó chiếm sóng, đè bẹp nghệ thuật đích thực và chuẩn mực xã hội? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi cho rằng, đó là một thực tế đáng tiếc và đáng lo. Nhiều người có ảnh hưởng xã hội lớn thay vì lan tỏa những giá trị tích cực lại chủ động phát tán những thứ tiêu cực, nội dung lệch chuẩn. Đó là sự lựa chọn có chủ đích, không thể viện cớ là “ngẫu nhiên” hay “vô tình”.

Mối quan hệ giữa năng lực tiêu thụ nghệ thuật và trình độ nhận thức xã hội thể hiện rất rõ ở đây. Nếu một xã hội được giáo dục thẩm mỹ đầy đủ, công chúng sẽ biết cách thưởng thức nghệ thuật một cách sâu sắc. Ngược lại, thiếu nền tảng giáo dục văn hóa, người ta sẽ chỉ chăm chú vào những nội dung gây sốc, vô bổ, không tạo ra kỹ năng hay tri thức thực chất.

Cứ nằm dài, xem tin hot, tin sốc, chuyện chia tay, đánh ghen… Đó là biểu hiện của thế hệ “nằm dài” - không hành động, không mục tiêu.

Họ thiếu kỹ năng, không tự tin, chán nản, khi đó, họ lên mạng tìm kiếm drama, theo dõi scandal của người nổi tiếng để cảm thấy bản thân đỡ vô dụng hơn. Xem khoảnh khắc xấu hổ của người khác để tự so sánh: “Mình chưa làm được gì, nhưng ít nhất mình không tệ như mấy người nổi tiếng kia”. Đó là một kiểu an ủi đầy ảo tưởng, trong khi thời gian quý báu bị tiêu tán vào những thứ không mang lại giá trị nào.

Cứ như thế thông tin rác sẽ còn tiếp tục tràn lan bởi nó phục vụ đúng nguyên tắc vận hành của thuật toán: càng gây chú ý, càng được đề xuất. Đó là một hình thức xâm lăng văn hóa kiểu mới. Truyền thông xã hội trở thành sân khấu chính, nơi những giá trị lệch chuẩn chiếm sóng, còn những thông điệp nhân văn thì bị đẩy ra rìa, bị lãng quên.

Giới trẻ ngày nay đang “sống vội”, giải trí vội, tiêu thụ nội dung theo kiểu “vuốt một cái là xong” - không còn thói quen dừng lại để suy ngẫm, phân tích.

Ngay cả tình yêu cũng vậy. Ngày xưa, người ta yêu để tìm hiểu, để đồng hành, để gây dựng gia đình. Bây giờ là "tình yêu thời Tinder" - vuốt trái, quẹt phải, gặp là “hook up” với nhau, qua đêm rồi chia tay, không ai muốn cam kết.

Với bối cảnh ấy, không ngạc nhiên khi nhiều người nổi tiếng chỉ đưa ra những thông điệp gây sốc thay vì truyền cảm hứng. Mục tiêu không còn là giá trị nghệ thuật mà là thu hút lượt xem.

Tôi gọi đó là bệnh lý văn hóa của thời đại số.

Thuật toán vô cảm, KOLs vô trách nhiệm và một thế hệ

PGS.TS Trần Thành Nam

- Hiện nay, nhiều buổi livestream của người nổi tiếng lại có quy mô và sức ảnh hưởng xã hội lớn hơn rất nhiều nhưng gần như không chịu sự quản lý nội dung nào. Ông đánh giá thế nào về khoảng trống chính sách trong việc kiểm soát những livestream và nguy cơ thao túng văn hóa đại chúng khi các thuật toán tiếp tục ưu ái cho những nội dung giật gân, phản cảm?

PGS.TS Trần Thành Nam: Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam luôn đặt mục tiêu phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, trong không gian số, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, các doanh nghiệp nước ngoài lại theo đuổi mục tiêu khác là tối đa hóa lợi nhuận. Họ sẽ tìm mọi cách nhằm tối đa hóa lợi nhuận, ít quan tâm đến việc tuân thủ hay góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa bản địa.

Thuật toán của các nền tảng này được lập trình để lan tỏa những video clip có lượng người xem cao. Hệ quả là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, bất kể nội dung ra sao vẫn có "đất sống". Và đáng lo là những nội dung càng “sốc, sex, sến” lại càng dễ được lan truyền, vì phù hợp với tiêu chí của thuật toán là thu hút sự chú ý.

Cần phải nhấn mạnh thuật toán không có đạo đức. Nó chỉ là chuỗi số 0 và 1, nó không có khả năng nhận định về đạo đức, định hướng tư tưởng, hay bình xét xem nội dung có phù hợp với thuần phong mỹ tục hay không. Trong khi đó, các sự kiện livestream hiện nay có tính chất và sức ảnh hưởng không khác gì một buổi họp báo, thậm chí còn lớn hơn.

Một buổi họp báo trực tiếp phải xin phép, bị quản lý nội dung rất chặt chẽ. Trong khi đó, những người nổi tiếng livestream với hàng trăm nghìn người theo dõi lại không bị quản lý, muốn nói gì thì nói.

Và sau đó, nếu có bị phản ứng mạnh mẽ, họ tin rằng chỉ cần lên “đóng vai” thành khẩn xin lỗi. Thời gian trôi qua, một drama khác lên ngôi và họ sẽ được “tẩy trắng”.

Vì thế, có người nổi tiếng chỉ cần “có drama”, mỗi đêm gắn thêm một tình tiết mới là lại khiến hàng vạn người bàn tán, theo dõi. Có nhiều người trẻ thậm chí còn mơ ước được... dính líu đến những nhân vật có drama này chỉ để có cơ hội “nổi tiếng ké”, lọt vào tâm điểm chú ý của mạng xã hội, bất chấp sự lệch lạc về chuẩn mực.

Tôi cho rằng, các buổi livestream của người nổi tiếng hiện nay thực chất là một dạng “họp báo tự phát”, nhưng có sức ảnh hưởng xã hội lớn và đang hoàn toàn không được kiểm soát.

Thuật toán vô cảm, KOLs vô trách nhiệm và một thế hệ

- Gần đây, nhiều buổi livestream đời tư, gây tranh cãi đạo đức đang thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và mang về doanh thu khổng lồ. Có ý kiến cho rằng đây là biểu hiện của “nền kinh tế chú ý” - nơi giá trị được đo bằng mức độ gây xôn xao chứ không phải chiều sâu tư tưởng. Trong bối cảnh ấy, ông có cho rằng hệ sinh thái văn hóa Việt Nam đang dần bị thao túng bởi lượt xem, bởi thuật toán và thị hiếu đám đông?

PGS.TS Trần Thành Nam: Theo tôi, hệ sinh thái văn hóa Việt Nam đang bị thao túng bởi lượt xem, thay vì được dẫn dắt bởi các giá trị tư tưởng nền tảng. Đó là vấn đề rất đáng báo động.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, nếu không có năng lực tư duy phản biện, khả năng chọn lọc thông tin và tự định hướng bản thân, con người sẽ dễ dàng bị cuốn trôi bởi dòng chảy thông tin độc hại chẳng khác gì bông lục bình trôi theo dòng nước.

Thông tin giật gân, drama trên mạng xã hội có thể lấn át cả truyền thông chính thống. Nhưng vấn đề truyền thông mạng thường chỉ theo góc nhìn cá nhân, nó cổ súy một xu hướng chủ quan và tất cả mọi người sẽ lao theo. Những người có ảnh hưởng xã hội nếu không được kiểm soát sẽ vô tình hoặc cố ý dẫn dắt tư duy cộng đồng theo hướng lệch chuẩn.

Tiếng vỗ tay cho drama đang nhấn chìm tiếng nói của tri thức. Rất nhiều người trẻ bây giờ chỉ chăm chăm vào xây dựng thương hiệu cá nhân, làm dịch vụ, chạy theo hiệu ứng tức thời. Trong khi chúng ta cần những người dấn thân cho khoa học, cho tri thức - điều cần thiết để xây dựng một Việt Nam hùng cường.

Nếu đã coi làm truyền thông mạng như một nghề, thì phải học nghề. Nhà báo, biên tập viên có trách nhiệm đạo đức rất cao. Còn người làm nội dung mạng xã hội thì sao? Ai kiểm soát họ?

Hiện tại, mức xử phạt hành chính quá nhẹ. Có người livestream thu tiền tỷ, nộp phạt vài chục triệu chẳng đáng gì. Có người còn livestream cả quá trình… đi nộp phạt để câu view tiếp! Xã hội giờ rất tò mò, rất thích những khoảnh khắc “xấu hổ”, rất dễ bị dẫn dắt.

Thuật toán vô cảm, KOLs vô trách nhiệm và một thế hệ

- Để gửi một thông điệp thẳng thắn và mạnh mẽ tới nghệ sĩ, người làm nội dung, ông sẽ nói điều gì để cùng nhau kiến tạo lại một không gian truyền thông, văn hóa lành mạnh, tử tế?

PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi nghĩ rằng, những người nghệ sĩ sống mãi trong lòng công chúng là bởi tài năng thực sự của họ. Hãy để tài năng ấy được tỏa sáng qua những tác phẩm nghệ thuật đích thực, những tác phẩm biết khơi dậy cảm xúc, truyền cảm hứng, gieo hy vọng và lan tỏa những giá trị nhân văn tích cực cho cộng đồng.

Thay vì chiêu trò, mâu thuẫn, tranh cãi đời tư, nghệ sĩ nên tập trung vào cốt lõi: tài năng và trách nhiệm xã hội.

Sự nổi tiếng có thể đến từ một khoảnh khắc. Nhưng sự nghiệp bền vững và hơn thế nữa là sự kính trọng đến từ đạo đức, từ cách hành xử, từ những giá trị bạn để lại.

Bạn muốn trở thành một “nghệ sĩ One-hit wonder”, chỉ vụt sáng nhờ một drama? Hay bạn muốn trở thành một nghệ sĩ chân chính, có tác phẩm để đời và sống mãi nhờ giá trị trường tồn?

Lựa chọn ấy là của các bạn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Thực hiện: Nguyên Thảo

Đồ họa: Hương Giang

Hoàng Nguyên Thảo

Có thể bạn quan tâm

Xử lý nghiêm sai phạm quảng cáo sữa trên mọi nền tảng

Xử lý nghiêm sai phạm quảng cáo sữa trên mọi nền tảng

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu tăng cường xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo sữa, thực phẩm trên mọi nền tảng truyền thông, mạng xã hội.
Sữa giả tung hoành nhờ ‘chợ trời quảng cáo’ mạng xã hội

Sữa giả tung hoành nhờ ‘chợ trời quảng cáo’ mạng xã hội

Việc các “thương hiệu” sữa giả, sữa kém chất lượng tiếp tục "sống khỏe", ngoài lỗ hổng quản lý, không thể không nhắc đến sự tiếp tay từ quảng cáo mạng xã hội.
Mạng xã hội

Mạng xã hội 'lột mặt nạ' hàng giả như thế nào?

Chỉ với một cú click, mạng xã hội không còn là nơi giải trí đơn thuần mà trở thành “vũ khí” giúp người tiêu dùng truy vết, tố giác và lột mặt hàng giả.