Xuất khẩu tuần từ 8-14/7: Xuất khẩu cà phê sang thị trường ASEAN tăng trưởng cao
Nửa cuối năm, xuất khẩu sang EU có thể đạt hơn 50 tỷ USD
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tổng kim ngạch /chu-de/xuat-nhap-khau-hang-hoa.topic giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nửa đầu năm đạt 32 tỷ USD, xuất siêu 17 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ, ghi nhận mức tăng khả quan của 6 tháng đầu năm.
Nửa cuối năm, xuất khẩu sang EU có thể đạt hơn 50 tỷ USD |
Điểm khả quan nhất nhìn thấy được trong thống kê của Bộ Công Thương là xuất khẩu 6 tháng qua đã đạt 24,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường châu Âu tăng trưởng hai con số là nhờ sự phục hồi đáng kể của những nhóm hàng chủ lực như điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản.
Tăng mạnh nhất phải kể đến nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với mức tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức tăng khá cao. Tiếp sau đó lần lượt là máy móc thiết bị và phụ tùng tăng hơn 22%, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU tăng 12%.
Theo Bộ Công Thương, nếu tiếp tục duy trì được đà phục hồi như giai đoạn đầu năm, nửa cuối năm nay, xuất khẩu sang EU có thể đạt 50-52 tỷ USD.
Xuất khẩu sang thị trường Nga đạt 1,17 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2024, Việt Nam có 22 mặt hàng chính xuất khẩu sang thị trường Nga.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga đạt 1,17 tỷ USD, tăng 44% so với mức 812 triệu USD ghi nhận cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong số 22 mặt hàng chính xuất khẩu sang Nga, dệt may là mặt hàng có kim ngạch cao nhất với 398 triệu USD, chiếm 33,9% tổng giá trị xuất sang thị trường này. Tiếp đó là cà phê với 189 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 117 triệu USD.
Việt Nam có 22 mặt hàng chính xuất khẩu sang thị trường Nga |
Cũng theo Tổng cục Hải quan, các mặt hàng thuộc nhóm kim ngạch trên 100 triệu USD đều có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Nga tăng tới 86% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 102% so với cùng kỳ năm trước. Cà phê xuất khẩu sang thị trường này dù tăng nhẹ hơn so với hai mặt hàng trên nhưng cũng đạt mức +35% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, trong nhóm nông thủy sản, Việt Nam xuất khẩu hàng thủy sản sang Nga đạt 95 triệu USD, tăng tới 105% so với cùng kỳ năm trước; rau quả đạt 32 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; hạt điều đạt 32 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu cũng tăng 98% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 15 triệu USD; gạo tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,7 triệu USD. Hạt tiêu là mặt hàng duy nhất trong nhóm có đà giảm về kim ngạch với -3,3% so với cùng kỳ năm trước, còn 5,8 triệu USD.
Xuất khẩu cà phê sang thị trường ASEAN tăng trưởng cao
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê sang thị trường ASEAN tăng trưởng cao, nhất là một số nước như Campuchia, Singapore, Thái Lan, Indonesia...
Theo nhận định của các bộ ngành chức năng, thời gian qua, xuất khẩu cà phê của nước ta ghi nhận sự tăng trưởng khá cao tại thị trường ASEAN. Cà phê cũng là một trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN, bên cạnh gạo,thủy sản, rau quả...
Xuất khẩu cà phê sang thị trường ASEAN tăng trưởng cao |
Số của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 508,8 triệu USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước đó, khối lượng đạt 148,5 nghìn tấn, tăng 16,8%.
Đặc biệt, giá xuất khẩu cà phê sang các thị trường nội khối này năm 2023 cũng đạt mức cao, trong đó loại cà phê chưa rang, chưa khử cafein đạt đến 2.733 USD/tấn trong tháng cuối năm 2023, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2024 đến nay, tại một số thị trường ASEAN, xuất khẩu cà phê tăng trưởng bứt phá. Điển hình như Campuchia, xuất khẩu cà phê sang đây trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng tới 79% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Singapore, hiện Việt Nam là đối tác xuất khẩu cà phê thứ 9. Trong 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang thị trường này tăng trưởng tới 3 con số. Cụ thể, kim ngạch đạt 1,465 nghìn SGD, tăng 175,38% so cùng kỳ năm trước..
Được biết, trong cơ cấu các mặt hàng cà phê xuất khẩu sang Singapore, nhóm cà phê đã rang và xay có kim ngạch cao nhất, tiếp theo là nhóm cà phê Robusta chưa rang...
Xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh 30,5%
Thống kê của Hiệp hội Hạt tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, trong tháng 6/2024, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 28.162 tấn hạt tiêu các loại, giảm 10,2% về lượng nhưng tăng nhẹ 0,1% về kim ngạch.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 142.586 tấn hạt tiêu, giảm 6,8% về lượng nhưng tăng mạnh 30,5% về giá trị. Trong đó, lượng tiêu đen xuất khẩu đạt 125.959 tấn, tiêu trắng đạt 16.627 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 634,2 triệu USD.
Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân của hạt tiêu đã tăng 1.000 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, giá tiêu đen đạt hơn 4.300 USD/tấn, tiêu trắng đạt gần 6.000 USD/tấn.
Nửa đầu năm 2024, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 37.435 tấn, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 26,3% thị phần. Đứng sau là thị trường các nước như Đức với 9.526 tấn (tăng 106,7%); thị trường UAE đạt 8.388 tấn (tăng 15,2%); thị trường Ấn Độ đạt 8.173 tấn (tăng 45,7%) và thị trường Hà Lan đạt 6.019 tấn (tăng 52,1%).
2 quý đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 62 nghìn tấn chè
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu gần 14 nghìn tấn chè, trị giá 26,9 triệu USD, tăng 47,2% về lượng và tăng 74,4% về trị giá so với tháng trước; tăng 44% về lượng và tăng 57% về trị giá so với tháng 6/2023.
2 quý đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 62 nghìn tấn chè |
Tính chung 2 quý đầu năm 2024,xuất khẩu chè đạt 62 nghìn tấn, trị giá 106 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.710 USD/tấn, tăng 1,21% so với cùng kỳ năm 2023.
6 tháng đầu năm 2024, Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam nhưng lại nằm trong xu hướng giảm, đạt 16 nghìn tấn, trị giá 33,6 triệu USD, giảm 13,2% về lượng và giảm 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 là Đài Loan (Trung Quốc), đạt 6.762 tấn, tương đương 11,3 triệu USD, giá 1.683 USD/tấn, tăng 11% về lượng, tăng 15% về trị giá và tăng 3,8% về giá so với cùng kỳ.
Trung Quốc là thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất, nhập khẩu đạt 6.304 tấn, tương đương 9,3 triệu USD, tăng 198% về lượng và tăng 83% về trị giá. Giá xuất khẩu chè bình quân sang thị trường này chỉ đạt 1.476 USD/tấn, giảm sâu 38,6% so với cùng kỳ. Điều này đưa Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.
Riêng tháng 6, nước tỷ dân đã nhập khẩu 1.609 tấn chè từ Việt Nam, mức cao nhất kể từ đầu năm, tương đương 2,5 triệu USD, tăng mạnh 285% về lượng, tăng 173% về kim ngạch so với cùng kỳ.