Xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc: Bài 1 - Khi tiêu chuẩn thị trường thay đổi Xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc: Bài 2 - Áp lực buộc doanh nghiệp chuyển đổi thích ứng |
Theo lộ trình, dự kiến đến 1/1/2028, các cửa khẩu, lối mở chỉ được làm thủ tục thông quan cho hàng đã được cấp phép, xuất chính ngạch sang Trung Quốc để thương mại biên giới giữa hai nước được trả về đúng bản chất. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xung quanh nội dung này.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu |
Hiện nay Bộ Công Thương đang xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Trong đó một trong những nội dung được quan tâm là siết lại xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nguyên nhân của việc sửa đổi này là gì, thưa ông?
Bộ Công Thương đang xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 14/2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Trong đó có một nội dung là hướng đến việc đẩy mạnh chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch. Đây là một chủ trương đã nêu ra từ lâu và hiện nay, thông qua việc sửa đổi Nghị định 14, chúng ta thể chế hóa, đưa vào quy định của Nghị định.
Bản chất của việc này chính trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã có rất nhiều thay đổi về kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong đó họ yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đóng gói bao bì. Đây cũng là những các yêu cầu rất phổ biến, thông thường của hoạt động xuất khẩu chính ngạch.
Vì vậy, doanh nghiệp cần phải có động lực, sức ép để thực hiện việc chuyển đổi.
Việc chúng ta khuyến khích chuyển sang xuất khẩu chính ngạch cũng là chủ trương chung, vừa giúp cho doanh nghiệp có thể làm ăn một cách chính quy, vừa để đáp ứng được yêu cầu của phía thị trường Trung Quốc. Đây là lý do chính mà Bộ Công Thương đưa ra để thu hẹp hình thức xuất khẩu tiểu ngạch trong Nghị định sửa đổi Nghị định 14.
Hiện nay Trung Quốc càng ngày càng siết chặt lại hoạt động trao đổi cư dân biên giới và việc dần chuyển đổi xuất khẩu sang chính ngạch cũng được Bộ Công Thương thông tin, khuyến cáo doanh nghiệp rất nhiều lần. Tuy nhiên doanh nghiệp cho rằng vẫn cần lộ trình cho hoạt động chuyển đổi. Vậy cùng với việc đề xuất siết lại hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch, xin ông cho biết về những giải pháp mà Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi?
Cùng với việc giảm dần các hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các bộ, ngành trong việc làm sao giúp cho doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi.
Việc chuyển đổi này có hai khâu. Thứ nhất là ngay từ khâu sản xuất, chúng ta phải có được những hàng hóa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Cụ thể trong trường hợp này là thị trường Trung Quốc. Họ yêu cầu về chất lượng rất cao và đặc biệt yêu cầu hàng hóa nông sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, những yêu cầu về mã số vùng trồng, mã số đóng gói hay yêu cầu về dán nhãn bao bì… đều là vấn đề hiện nay Trung Quốc yêu cầu cao và kiểm soát chặt.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những chương trình tập huấn cho các địa phương, các hiệp hội để qua đó phổ biến đến các hợp tác xã, người nông dân về các yêu cầu này. Tuy nhiên, quá trình này phải tiến hành lâu dài. Bởi, trong một thời gian ngắn như vừa qua thì chưa đủ và các thông tin, quy định của Trung Quốc cũng cần phải được cập nhật thêm, cập nhật thường xuyên. Đó là việc mà Bộ Công Thương đã hỗ trợ.
Thứ hai, các bộ ngành cùng với các địa phương cần tiến hành mở rộng, nâng cấp hạ tầng về logistics, hạ tầng khu vực cửa khẩu để giúp cho hoạt động thông quan xuất khẩu chính ngạch được thuận lợi hơn. Qua đó, các doanh nghiệp cũng thấy được lợi ích của việc xuất khẩu chính ngạch.
Hiện nay chúng ta cũng thấy tại khu vực Lạng Sơn, năng lực thông qua đã được cải thiện tương đối tốt. Ví dụ như trước đây, một ngày có thể thông quan được 300 - 400 xe qua cửa khẩu Hữu Nghị, thì hiện nay đã lên đến 800 - 900 xe. Việc này cũng giúp cho các doanh nghiệp của chúng ta có thể chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch.
Bên cạnh đó là việc tạo thuận lợi thông quan thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kiểm tra hải quan. Đồng thời, phối hợp với phía bạn trong những thời điểm cao điểm để có thể kéo dài thời gian làm việc của các cơ quan chức năng, như vậy cũng giúp cho việc chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch của các doanh nghiệp được thuận lợi hơn.
Để chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch thì chúng ta rất cần phải thay đổi trong tư duy về làm ăn với cả Trung Quốc |
Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất của nông sản Việt. Vậy ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp để nhanh chóng chuyển đổi thành công sang hoạt động xuất khẩu chính ngạch và có vị thế tốt ở thị trường Trung Quốc?
Trung Quốc vẫn đang là thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam. Để có thể xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản, cũng như để có thể duy trì và bám rễ tốt ở thị trường này thì các doanh nghiệp của chúng ta cần phải có các lưu ý:
Trước hết là tìm hiểu kỹ và đáp ứng được các nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
Thứ hai, chúng ta phải xác lập một chiến lược làm ăn bài bản với thị trường Trung Quốc. Hiện nay, thị trường Trung Quốc không phải chỉ có ở khu vực giáp biên là tỉnh Quảng Tây hay tỉnh Vân Nam mà phải xác định là tiến vào những địa phương sâu hơn nữa trong lục địa. Ví dụ như là tiến đến các tỉnh, các khu vực như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiên Tân hoặc các tỉnh ở phía Tây như Tứ Xuyên, Trùng Khánh…
Muốn như vậy chúng ta phải hiểu rõ thị trường và phải làm việc được với các mạng lưới phân phối ở thị trường Trung Quốc. Đây là điều mà một số doanh nghiệp Việt Nam đã làm được. Tuy nhiên, chưa phải là nhận thức chung của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Do đó, để chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch thì chúng ta rất cần phải thay đổi trong tư duy về làm ăn với Trung Quốc. Thay vì tư duy nhỏ lẻ, bán hàng tại chợ biên giới, thì phải làm ăn với các thương nhân lớn và các chuỗi phân phối của Trung Quốc. Để làm được điều đó thì chúng ta phải tìm hiểu và đáp ứng được những yêu cầu của thị trường mà phía Trung Quốc đưa ra.
Xin cảm ơn ông!