Thứ sáu 15/11/2024 20:21

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

10 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may tăng trưởng ở hầu hết các thị trường, đặc biệt FED mới đây giảm lãi suất kỳ vọng mang lại tác động tích cực hơn cho ngành.

Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tháng 10/2024 ước đạt 3,86 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng trước và tăng 24,26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 36,11 tỷ USD, tăng 9,86% so cùng kỳ 2023. Về nhập khẩu, 10 tháng, Việt Nam bỏ ra khoảng 20,61 tỷ USD nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, tăng 15% so cùng kỳ 2023.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tiếp tục được cải thiện thể hiện ở tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm. Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; thị trường ASEAN, Nga, Canada... đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may.

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới. Ảnh: Băng Tâm

Ngoài ra, giá cước vận tải tiếp tục có xu hướng giảm cũng đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành.

Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho hay, tính tới hết quý III/2024, nhiều doanh nghiệp thuộc tập đoàn đã tiệm cận kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2024. Trong đó, 9 tháng năm 2024, Tổng công ty CP May Việt Tiến đạt 92% kế hoạch doanh thu năm, Công ty CP May Nam Định đạt 117% kế hoạch doanh thu năm, Tổng công ty May Hưng Yên - CTCP đạt 99% kế hoạch doanh thu năm.

Đáng nói, một số doanh nghiệp lớn như Công ty CP May Tiền Tiến đã có đơn hàng hết quý I/2025 và đang tiếp tục đàm phán cho cả năm 2025. Từ nay tới hết năm là cao điểm sản xuất cho dịp Noel và năm mới, do đó các doanh nghiệp may được khuyến cáo có thể lựa chọn các đơn hàng phù hợp với năng lực sản xuất.

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết hạ lãi suất 25 điểm cơ bản xuống 4,5-4,75%/năm. Trước đó, ngày 18/9 FED cũng đã hạ lãi suất với mức 50 điểm cơ bản - đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2020.

Khi lãi suất thấp, chi phí đi vay rẻ hơn, doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án mới hoặc tuyển thêm nhân viên. Cùng đó, người tiêu dùng có thể chi tiêu nhiều hơn do gửi tiết kiệm kém hấp dẫn. Đây cũng có thể là cú huých tốt cho tiêu dùng hàng hóa nói chung, hàng dệt may tăng cao, đồng nghĩa cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hơn. FED còn một cuộc họp nữa vào tháng tới trong năm nay, thị trường hiện vẫn kỳ vọng cơ quan này tiếp tục giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.

Với diễn biến khả quan cả trong và ngoài nước, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho rằng, năm 2024, khả năng ngành dệt may Việt Nam về đích với 44 tỷ USD.

Đơn hàng dồi dào, đa dạng khách hàng nhưng các doanh nghiệp dệt may, nhất là các doanh nghiệp ngành may gặp nhiều áp lực về biến động lao động. Với May Tiền Tiến, tính đến hết tháng 10/2024, lao động biến động xấp xỉ 11,7%, mặc dù các chính sách cho người lao động, thu nhập bình quân cho người lao động được cải thiện. Biến động lao động là thách thức lớn khiến doanh nghiệp dệt may phải xoay xở tăng năng lực sản xuất nhất là trong thời điểm cuối năm đơn hàng nhiều, thời gian giao hàng gấp.

Năm 2024 xuất khẩu dệt may “đỡ khó” hơn rất nhiều so với năm 2023, trong báo cáo mới đây, SSI Research kỳ vọng, trong dài hạn, các nhà bán lẻ lớn tiếp tục đa dạng hóa đơn hàng từ nhiều nước xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro.

Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc dịch chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc, nhờ: Chi phí lao động thấp và mức thuế với Mỹ thấp hơn so với Trung Quốc, lao động có tay nghề cao hơn Ấn Độ và Bangladesh.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng lưu ý Mỹ sẽ cần thời gian để đưa ra “thuế suất toàn diện”, dự kiến sẽ áp dụng vào nửa cuối năm 2025 hoặc năm 2026. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ dự kiến sẽ đẩy mạnh các đơn hàng trước khi mức thuế quan mới được áp dụng, không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên toàn cầu. Vì thế, SSI Research kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của các công ty dệt may sẽ tăng mạnh trong những quý tới.

Hải Linh
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu dệt may

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ

Khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tại Cà Mau

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Nhiều nhà nhập khẩu quốc tế đến Cà Mau tìm kiếm đối tác

Hà Nội: Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thạch Thất

Ngành dệt may Việt Nam đang trên đà bứt phá

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Mô hình 'con tôm ôm cây lúa' đưa đặc sản An Giang lên sàn thương mại điện tử

Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần chính sách ưu đãi vượt khung, vượt trội

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính

Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024: Kết nối giao thương, mở ra cơ hội

Bộ Công Thương tìm giải pháp tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Hội chợ kinh tế, thương mại và du lịch biên giới Trung - Việt diễn ra từ ngày 26/11 đến 1/12

Chuyên gia nêu 4 đề xuất quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Xuất khẩu hàng hóa: Dồn lực trong chặng đường về đích

Xuất khẩu mây, tre, cói, thảm mang về cho Việt Nam 594,8 triệu USD

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội ứng phó điều tra phòng vệ thương mại

Đẩy mạnh kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và châu Mỹ

Khai mạc Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2024