Xuất khẩu gạo sang Senegal tăng mạnh trong 5 tháng đầu 2020
Nguyên nhân tăng trưởng là do Senegal tăng cường mua gạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 9,7 triệu USD, tăng hơn 18 lần so với cùng kỳ năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu khác gồm hạt tiêu, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, hàng dệt, may, hàng thủy sản, gạo… đa số có kim ngạch giảm.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2020/2021, Senegal có thể phải nhập khẩu đến 1,25 triệu tấn gạo do sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 30%. Hơn 90% gạo nhập khẩu vào Senegal là gạo tấm. Người dân Senegal chuộng gạo tấm vì ngoài yếu tố giá rẻ, thì đây còn là thói quen có từ thời thuộc Pháp.
Sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ gạo tại Senegal
Senegal là thành viên Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) thành lập năm 1975 (gồm 15 quốc gia Bénin, Burkina Faso, Cap vert, Côte- d’Ivoire, Gambia, Ghana, Guinée Bissau, Libéria, Mali, Niger, Nigéria, Cộng hòa Guinée, Sénégal, Sierra Léone và Togo).
ECOWAS có Biểu thuế quan đối ngoại chung (TEC) áp dụng kể từ ngày 1/1/2015 đối với các nước không phải là thành viên.
Các loại thuế nhập khẩu thóc gạo trong khuôn khổ TEC bao gồm: Thuế hải quan (10% với gạo và 5% với thóc); Phí thống kê (1%); Thuế hội nhập cộng đồng (0,5%). Ngoài ra còn có loại thuế VAT áp dụng tùy theo quốc gia.
Tại Senegal, ngoài các loại thuế kể trên còn có Thuế cho Hội đồng các chủ hàng (COSEC) là 0,2%. Thuế VAT được áp dụng ở một mức duy nhất là 18%. Nếu gộp các loại thuế, có thể tính như sau:
- Đối với thóc, thóc giống: Thuế nhập khẩu là 7,7%, thuế VAT là 18%.
- Đối với gạo trắng, gạo lức: Thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%.
- Đối với gạo tấm: Thuế nhập khẩu là 12,7% đối, thuế VAT là 18%.
- Các loại gạo khác: Thuế nhập khẩu là 12,7% đối, thuế VAT là 18%.