Tìm giải pháp "hạ nhiệt" thị trường phân bón: Bài 3. Nỗ lực kìm đà tăng giá phân bón trong nước
Giá nguyên liệu tăng cao chưa từng thấy
Trong phiên chất vấn tại Quốc hội nhiều ngày qua, các đại biểu Quốc hộiđã bày tỏ trăn trở với vấn đề giá phân bón tăng cao như hiện nay. Xin ông cho biết một số nhận định về tình hình sản xuất và kinh doanh phân bón của các đơn vị trong Tập đoàn?
Giá phân bón tăng cao đến từ nguyên nhân chính là giá nguyên liệu cao. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá lưu huỳnh đã tăng hơn 85,3% (từ 286 USD/tấn lên 530 USD/tấn. Giá NH3 tăng 36,8% (từ 866 USD/tấn lên 1.185 USD/ tấn), tương đương với mức tăng 319 USD/tấn. Nếu tính từ cuối năm 2020, giá NH3 đã tăng gấp 3 lần.
Giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón như than, lưu huỳnh, kali, SA... đều tăng phi mã từ đầu năm 2020 đến nay là nguyên nhân tăng giá phân bón trong nước |
Bên cạnh đó, giá than cũng tăng 30,7%, tương đương 570.000 đồng/tấn. Tới đây khi nguồn than khan hiếm, dự kiến giá than còn tiếp tục tăng; giá dầu FO sấy nguyên liệu tăng 33,8%; giá cước vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng cao… Giá quặng apatit tuyển cũng tăng rất mạnh, từ 1.045.000 đồng/tấn (tháng 5/2021) lên 1.450.000 đồng/tấn (tháng 4/2022), tương ứng 38,8%.
Với một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam như Công ty CP DAP – VINACHEM, các chi phí đầu vào có tác động mạnh, đã đẩy giá thành sản phẩm phân bón DAP tăng rất cao.
Hay như Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng đang phải nhập các nguồn nguyên liệu với giá rất cao như kali, lưu huỳnh, SA, quặng apatit. Đặc biệt, phân kali do cả Nga và Belarus sản xuất chiếm gần 50% lượng phân kali cung cấp trên toàn thế giới đã đẩy giá kali lên rất cao (từ 11 triệu đồng lên gần 20 triệu đồng/tấn).
Cùng với việc Trung Quốc kiên định chính sách “zero-Covid”, và có thể điều chỉnh chính sách về phân bón khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung các loại phân bón đặc biệt là SA nghiêm trọng thêm, đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao… Thực tế hiện nay Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu các loại phân bón kali và SA này.
Ưu tiên cả về nguồn hàng và giá cho thị trường trong nước
Nhiều người vẫn “kêu” chuyện giá phân bón trong nước tăng quá cao và khó kiềm chế giá phân bón, thưa ông?
Hiện dù gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu khan hiếm và giá cả tăng cao, các đơn vị sản xuất phân bón đã nỗ lực để kiềm chế giá, không đẩy giá phân bón bị tăng nóng. Giá phân bón tăng chủ yếu là do yếu tố nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, việc tăng giá phân bón là do bất khả kháng.
Tuy nhiên, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam luôn giữ quan điểm ưu tiên nguồn hàng phân bón cho thị trường trong nước, cùng với đó là nỗ lực kiềm chế giá ở mức ổn định nhất có thể. Tôi lấy ví dụ: giá urê của các đơn vị trong Tập đoàn đang bán ra có thời điểm thấp hơn từ 2 đến 5 triệu/tấn so với giá urê cùng chủng loại. Vào thời điểm đầu năm 2022, urê nếu xuất khẩu sẽ được giá khoảng 910 USD/tấn (tương đương khoảng 21 triệu đồng/tấn). Nhưng bán trong nước chỉ được khoảng 16 triệu. Như vậy chênh nhau xấp xỉ 5 triệu đồng/tấn. Tương tự, với sản phẩm phân bón DAP cũng vậy, giá DAP của các đơn vị trong Tập đoàn lúc nào cũng thấp hơn giá xuất khẩu. Như thời điểm trong năm 2021, giá DAP lên rất cao. Nếu xuất khẩu, mỗi tấn DAP chênh 4-5 triệu so với bán trong nước, nhưng điển hình là Công ty CP DAP-VINACHEM đã luôn tuân thủ nguyên tắc bình ổn và ưu tiên thị trường trong nước.
Thực tế, sản lượng sản xuất phân bón của các nhà máy VINACHEM khoảng 3,5 triệu tấn, trong đó có tới 90% phục vụ thị trường nội địa.
Sở dĩ có được nguồn hàng cũng như mức giá ổn định, các đơn vị trong Tập đoàn đã triển khai một loạt các giải pháp tổng thể cả về dự báo và dự trữ nguồn nguyên liệu, tổ chức sản xuất…
Cụ thể, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, giảm số ngày phải dừng máy, nâng cao số ngày máy chạy. Thứ hai rà soát lại tất cả các chi phí để hệ thống máy móc chạy được ở tối ưu nhất. Thứ ba là cơ cấu lại bộ máy, con người. Lấy ví dụ như tại Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, trước đây Công ty có gần 2.100 lao động, sau tiết giảm chỉ con 1.275 người.
Bên cạnh đó, công tác dự báo và bám sát tình hình được các đơn vị triển khai rất tốt. Trong quý I/2022, chúng tôi vẫn giữ được giá phân bón ở mức chấp nhận được, vì rất nhiều các nguyên liệu như lưu huỳnh, kali, SA… đã được các đơn vị chuẩn bị từ quý IV/2021. Ví dụ, thời điểm đó giá lưu huỳnh chỉ khoảng 350 USD/tấn. Bây giờ giá lưu huỳnh đã lên tới 530 USD/tấn, thậm chí là 570 USD/tấn. Đó chính là phần đệm giúp cho các đơn vị sản xuất phân bón trong Tập đoàn hạn chế được yếu tố tăng giá sốc phân bón. Điều đó lý giải vì sao giá phân bón bán ra của Tập đoàn luôn tốt hơn 5-7% so với các loại phân bón cùng loại.
Phân bón hạ giá hay không phần lớn do giá đầu vào của nguyên liệu, chi phí sản xuất chứ không nằm ở chỗ hạn chế xuất khẩu
Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón. Bộ Tài chính cho rằng phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần hạ giá phân bón. Ông có cho rằng đề xuất áp thuế xuất khẩu 5% này có thực sự làm giá phân bón hạ nhiệt như kỳ vọng hay không?
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất Việt Nam |
Chúng tôi cho rằng, yếu tố hạ giá hay không là do giá đầu vào của nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất chứ không nằm ở chỗ hạn chế xuất khẩu. Thực tế, với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao phi mã trong gần hai năm qua, kéo theo giá thành phân bón sẽ tăng lên. Hiện các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không có bất cứ một ưu đãi gì từ giá than, giá điện, các chính sách về thuế phí… Nếu lập luận việc áp thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón thì sẽ hạ nhiệt được giá bán trong nước thì không hợp lý.
Thực tế, nguyên nhân giá phân bón tăng thời gian qua là do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chi phí đầu vào rất lớn chiếm tỉ trọng cao. Các nguyên liệu của các nhóm phân bón khác như kali trong vòng một năm qua tăng 2,5 lần; lưu huỳnh, amoniac tăng hơn gấp đôi. Nhất là khi Việt Nam không thể sản xuất được kali, lưu huỳnh vì rất khó sản xuất, việc nhập khẩu mặt hàng này là 100%. Khi nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ dẫn đến các chi phí khác đều tăng cao. Vì vậy, giá bán cũng phải đẩy lên để bù lại chi phí.
Bên cạnh đó là chi phí logistics, vận chuyển tăng cao đột biến. Ngoài ra, một yếu tố khác tưởng như nhỏ nhưng thực ra không nhỏ đó là tác động của Covid-19 đối với lực lượng lao động.
Như vậy, có thể thấy, căn nguyên của việc giá phân bón tăng cao chủ yếu đến từ chi phí đầu vào. Nếu áp thuế xuất khẩu 5% đối với một số mặt hàng phân bón thì không những không giải quyết được căn nguyên của vấn đề, mà còn bị tác dụng ngược, đó là giảm tính cạnh tranh của phân bón Việt Nam đối với các nước trong khu vực.
Tôi lấy ví dụ, hiện phân bón NPK sản xuất trong nước đang dư thừa công suất. Nếu áp thuế xuất khẩu 5%, mỗi tấn phân bón NPK của Công ty CP Phân bón Bình Điền sẽ tăng giá từ 30-60 đô la Mỹ/tấn tùy theo sản phẩm. Làm giảm sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan khi xuất khẩu vào các nước trong khu vực.
Hiện nguồn cung phân bón trong nước không thiếu. Với riêng phân bón NPK, Việt Nam mới sản xuất được khoảng 40% so với công suất thiết kế. Như vậy, cần khuyến khích xuất khẩu thay vì áp thuế 5% như hiện nay.
Thay vì áp thuế xuất khẩu, đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế để giảm giá thành
Vậy căn nguyên nào để giải quyết bài toán hạ giá thành phân bón, thưa ông?
Tôi cho rằng việc áp thuế 5% đối với các mặt hàng phân bón không giải quyết được vấn đề căn nguyên của việc “hạ nhiệt” giá phân bón. Mà vấn đề có tính chất cơ bản và lâu dài cần được “gỡ” từ năm 2015 đến nay đó chính là kiến nghị Bộ Tài chính trình Quốc hội sửa đổiLuật thuế số 71/2014/QH13 (Luật thuế số 71) theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) sang đối tượng chịu thuế GTGT.
Theo Luật số 71, do phân bón là mặt hàng không chịu thuế nên không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng từ 5-10% của nguyên vật liệu, chi phí đầu vào (nguyên liệu như lưu huỳnh, quặng apatit cho sản xuất phân bón chứa lân, phân bón đơn cho sản xuất phân NPK thuế giá trị gia tăng 5%; các nguyên vật liệu, năng lượng, chi phí khác như than, điện, cước vận chuyển, bao bì… có thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%).
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam đang phải hạch toán toàn bộ chi phí này vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5 - 8%. Điều này gây thiệt hại cả cho doanh nghiệp sản xuất lẫn người nông dân.
Giá thành tăng lên làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước với các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón.
Mỗi năm, số tiền các đơn vị sản xuất phân bón của Tập đoàn không được hoàn thuế xấp xỉ 900 tỷ đồng. Con số này đã lên tới khoảng 4.500 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay.
Lấy ví dụ tại Công ty CP DAP-VINACHEM, hàng năm chi phí sản xuất của Công ty phải chịu tăng thêm khoảng 200 - 220 tỷ đồng, tương đương khoảng 7,5% giá thành sản xuất; Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mỗi năm cũng trên 100 tỷ đồng; Đạm Ninh Bình cũng xấp xỉ 200 tỷ đồng…
Con số 4.500 tỷ đồng không được khấu trừ đầu vào chính là “gánh nặng” đánh thẳng vào giá thành phân bón. Chính vì thế, theo tôi, trong thời gian tới điểm mấu chốt là sửa được Luật thuế số 71 này, từ đó các doanh nghiệp sản xuất phân bón mới có thể tính đến bài toán giảm giá thành, nhất là trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào vẫn tăng phi mã như hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn ông!