FTAs trợ lực cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến thị trường Nhật Bản: Tận dụng cơ hội từ các FTA |
Sáng 17/6, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức hội thảo "Thúc đẩy thực hành thương mại lâm sản bền vững".
Chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp cập nhật tiến trình thực thi VNTLAS, hướng dẫn quy trình phân nhóm doanh nghiệp cũng như tương tác trực tiếp để có thể lắng nghe các vướng mắc, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình theo đuổi các chứng chỉ bền vững, một trong những đòi hỏi thiết yếu của quá trình sản xuất, kinh doanh nội thất toàn cầu hiện nay.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định 2 con số và tạo được dấu ấn lớn trong năm 2021 nhưng bước sang năm 2022, ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn đối diện với khá nhiều thử thách.
Cùng với dịch bệnh, căng thẳng chính trị leo thang gây thách thức thêm cho chuỗi cung ứng vốn đã có nhiều trở ngại từ trước. Chi phí logistics cùng với giá nguyên vật liệu đều tăng cao khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp biến động mạnh. Quan trọng hơn, lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng đang khiến đơn hàng bắt đầu giảm. Mặt khác, những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành mối đe dọa cho sự phát triển toàn ngành.
Để ứng phó với các thách thức này, theo ông Bùi Chính Nghĩa, doanh nghiệp trong nước cần tuân thủ triệt để các quy định của thị trường quốc tế, vững vàng nội lực và củng cố thêm lợi thế cạnh tranh… giữ vững vị trí xuất khẩu nội thất thứ hai thế giới. “Đó chính là lý do, Tổng cục Lâm nghiệp liên tục triển khai các hoạt động tập huấn, tuyên truyền và kêu gọi doanh nghiệp hưởng ứng tiến trình Hiệp định VPA/FLEGT và VNTLAS ở Việt Nam liên tục suốt thời gian qua”, ông Bùi Chính Nghĩa chia sẻ.
Trong bối cảnh nguyên liệu nhập khẩu đang khan hiếm và giá cả leo thang hiện nay, một trong những lợi thế mà doanh nghiệp trong ngành có thể tận dụng, là trữ lượng rừng trồng trong nước đã bước vào giai đoạn có thể khai thác.
Số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, năm 2022, toàn ngành đang nỗ lực phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%; trồng rừng đạt 244.000ha, trồng cây phân tán 121,6 triệu cây. Tổng sản lượng khai thác gỗ đạt 31,5 triệu m3, trong đó, khai thác từ rừng trồng tập trung 21 triệu m3, khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà 5,5 triệu m3; diện tích rừng được cấp chứng chỉ 90 nghìn ha.
“Nếu việc ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, giải quyết được những vướng mắc của chuỗi cung ứng, đưa nguồn gỗ rừng trồng hợp pháp đến được với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh rất lớn cho nền công nghiệp nội thất nước nhà”, ông Bùi Chính Nghĩa nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch HAWA, Giám đốc Dự án HAWA DDS - cũng cho rằng, việc thực thi các quy định phát triển lâm sản bền vững là yêu cầu sống còn, không chỉ riêng ngành chế biến gỗ Việt Nam mà của cả thế giới.
Trong tinh thần và mục tiêu chuyển đổi số ngành chế biến gỗ, HAWA đang đồng hành cùng chính phủ lẫn doanh nghiệp đẩy mạnh số hoá tiến trình thực thi VPA/FLEGT, VNTLAS. Cụ thể là với nền tảng HAWA DDS. "HAWA DDS là dự án xoá bỏ vướng mắc trong quá trình chứng minh nguồn gốc hợp pháp gỗ rừng trồng, bước chuẩn bị hết sức cần thiết để có thể đưa gỗ, sản phẩm gỗ trong nước sang thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU", ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.
Vận hành nền tảng chứng minh và truy xuất nguồn gốc gỗ HAWA DDS, ngành chế biến gỗ Việt Nam đang tiến đến số hoá tiến trình tuân thủ Hiệp định VPA/FLEGT, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, đặc biệt là EU. |
Từ tháng 5/2018, FAO, EU, FLEGT đã tài trợ, đồng hành để HAWA triển khai dự án HAWA DDS, với mục tiêu xây dựng một nền tảng cung cấp các công cụ giúp doanh nghiệp truy xuất và giải trình nguồn gốc gỗ nguyên liệu hợp pháp phù hợp với các cam kết trong Hiệp định VPA/FLEGT.
Nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định đáp ứng các quy chuẩn quốc tế, FAO đã lựa chọn Nepcon, một tổ chức uy tín đã tham gia xây dựng bộ tiêu chuẩn FSC của thế giới để phát triển bộ tiêu chuẩn HAWA DDS.
Sau 3 năm với nhiều điểu chỉnh, cập nhật, tháng 5/2021, Bộ tiêu chuẩn HAWA DDS đã chính thức hoàn thành, đồng thời tương thích với nền tảng công nghệ thông tin về truy xuất và giải trình nguồn gốc gỗ HAWA DDS 1.0. HAWA DDS 1.0 tích hợp nhiều tính năng hữu ích hỗ trợ khai báo và lưu trữ hồ sơ rừng, hồ sơ mua bán cây đứng, hồ sơ đăng ký khai thác, lưu thông giúp cho việc tra xét, truy xuất và xác minh nguồn gốc gỗ trở nên dễ dàng, nhanh chóng và đơn giản.
Nhờ vậy, chỉ cần truy cập nền tảng HAWA DDS, người dùng, từ chủ rừng đến nhà khai thác, doanh nghiệp thương mại, nhà sản xuất, nhà mua hàng đều có thể tìm kiếm thông tin, quản lý lẫn chứng minh, nguồn gốc nguyên liệu một cách rõ ràng mà không phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống giấy tờ, thủ tục lưu trữ, tra xét thủ công như trước đây.
Theo ông Nguyễn Hoài Bảo - thành viên Ban chấp hành HAWA, tính năng RTE - Real time Evidence của nền tảng HAWA DDS còn giúp người dùng thiết lập bằng chứng thực ngay tại thời điểm khai thác. Từ dữ liệu này, hệ thống sẽ xuất ra Giấy chứng minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước với đầy đủ các thông tin chi tiết nhất về lịch sử, số lượng, địa điểm khai thác… dưới hình thức 1 mã QR code. Người mua chỉ cần quét mã để kiểm tra, đối chứng nguồn gốc gỗ trong nguyên liệu và sản phẩm trước khi quyết định mua hàng.
Tại hội thảo, đại diện dự án cũng đã tiến hành thực nghiệm quá trình thao tác sử dụng nền tảng công nghệ thông tin HAWA DDS, khách mời được quan sát các giao diện, cách vận hành trong hệ thống, đồng thời được trực tiếp trải nghiệm công cụ thiết lập bằng chứng thời gian thực RTE - Real time Evidence. Đồng thời, đưa ra những ý kiến đóng góp để nền tảng này trở thành công cụ hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc truy xuất và chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.