Thứ ba 29/04/2025 15:27

Thúc đẩy kinh tế tập thể phi nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững

Kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung và trong lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng được Đảng và Nhà nước khẳng định đóng vai trò quan trọng đối với phát triển bền vững của nền kinh tế. Đến nay, khu vực kinh tế này đã đạt được những thành tựu quan trọng, phát triển cả về số lượng và chất lưọng; quy mô hiệu quả hoạt động vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây.

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thi hành Luật HTX 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Tại Hội nghị, KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp tiếp tục được khẳng định đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội đất nước

Khẳng định vai trò quan trọng

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh - cho biết, thể chế về KTTT, HTX không ngừng được cải thiện; bộ máy quản lý về khu vực kinh tế này từng bước được kiện toàn, nhờ đó KTTT, HTX phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động.

Cụ thể, đến cuối năm 2021, cả nước có 9.316 HTX, 16 Liên hiệp HTX, 44.226 tổ hợp tác, thu hút gần 3 triệu thành viên; KTTT, HTX phát triển đa dạng ngành nghề; chú trọng kinh doanh khép kín theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài ngoài nước. Qua đó, khu vực kinh tế này không ngừng đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Năm 2012, Luật HTX được ban hành, thực thi được coi là dấu mốc quan trọng nhằm thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển. Trong đó, đại diện Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh, Luật HTX đã thể chế hóa rõ hơn về bản chất, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các HTX; Chính phủ, Bộ ngành, địa phương đã tích cực ban hành, sửa đổi bổ sung các chính sách hỗ trợ HTX theo Luật HTX 2012.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, sau 10 năm thực hiện Luật HTX đã có 1.618 lượt HTX phi nông nghiệp được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; có 725 lượt HTX được hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Khả năng tiếp cận vốn và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thuận lợi hơn, qua đó đưa tỷ lệ tín dụng đối với HTX sau chuyển đổi, tổ chức lại có xu hướng tăng; từ năm 2013 - 2020 có 2.315 HTX được vay Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và địa phương với doanh số 1.281,9 tỷ đồng.

Đánh giá tác động của Luật HTX 2021 trong lĩnh vực phi nông nghiệp, Liên minh HTX Việt Nam cho biết, việc thành lập, đăng ký HTX, liên hiệp HTX các quy định về thủ tục hành chính từng bước được hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế này phát triển; cơ cấu bộ máy HTX không ngừng được củng cố, kiện toàn; có khoảng 55-80% số HTX phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả, doanh thu của các HTX ước đạt 74.669 tỷ đồng (tăng 16.173 tỷ đồng so với năm 2013); giai đoạn 2013-2021 tốc độ tăng thu nhập bình quân hàng năm của một lao động đạt 6,41%; cung ứng dịch vụ cho thành viên với chi phí đầu vào giảm khoảng 20%-25%, giá bán sản phẩm tăng từ 10%-15%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Thịnh nhìn nhận, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật HTX 2012 còn một số hạn chế, tồn tại, bất cập đối với sự phát triển của khu vực KTTT, HTX, như: Số lượng HTX còn thấp so với nhu cầu và tiềm năng liên kết, hợp tác, phát triển trong lĩnh vực phi nông nghiệp; phần lớn HTX có qui mô nhỏ, siêu nhỏ; nhiều HTX yếu về năng lực tài chính; ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ hận cán bộ, thành viên HTX, liên hiệp HTX còn hạn chế; một số HTX có biểu hiện vi phạm pháp luật HTX và pháp luật liên quan; mức độ tiếp cận thị trường của HTX, liên hiệp HTX thấp; một số quy định của Luật HTX năm 2012 còn chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luât khác; một số quy định làm hạn chế khả năng huy động vốn, thu hút thành viên, gây khó khăn trong quản lý, điều hành của HTX, liên hiệp HTX.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị

Cần những đột phá mới

Ghi nhận những chuyển biến tích cực của KTTT, HTX nói chung và KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng trong thời gian qua, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến - khẳng định, khu vực kinh tế này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm xã hội, phát triển chưa đều khắp giữa các địa phương, một bộ phận HTX tổ chức hoạt động chưa phù hợp với qui định của Luật HTX hoạt động chưa hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước và triển khai thi hành Luật HTX năm 2012 còn nhiều bất cập…

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta giai đoạn 2021 - 2030 và yêu cầu phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới phù hợp xu thế chung của nền sản xuất hàng hóa, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX cần tổng hợp, phân tích kỹ thông tin, có đủ căn cứ lý luận và thực tiễn để kiến nghị xác đáng với Chính phủ, Trung ương nghiên cứu ban hành nghị quyết mới; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012; tháo gỡ những nút thắt về vấn đề đất đai, vốn, đào tạo, quản lý, chuyển giao khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường… để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Đồng thời, phát triển KTTT, HTX phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tuân theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường; phấn đấu đến năm 2030, ít nhất 80% hộ cá thể ở địa bàn nông thôn là thành viên HTX, tổ hợp tác (THT); tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 85%, hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn hoạt động theo mô hình HTX và liên hiệp HTX…

Nhằm tận dụng các cơ hội và tháo gỡ các rào cản để phát huy vai trò của KTTT, HTX đối với nền kinh tế, Liên minh HTX Việt Nam cũng đề xuất, cần có chính sách đồng bộ, phù hợp đối với KTTT, HTX ở mỗi vùng miền; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, liên kết chuỗi giá trị, tham gia mô hình KTTT, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp; củng cố nâng cao hiệu quả các HTX đang hoạt động để tăng quy mô về vốn, thành viên, sản phẩm, nâng cao năng lực cảnh tranh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài được dự báo sẽ có những tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất, kinh doanh của khu vực KTTT, HTX phi nông nghiệp, giải pháp đặt ra đó là sớm hoàn thiện khung khổ pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đối với khu vực này; tăng cường năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, phương án sản xuất kinh doanh đối với KTTT, HTX phi nông nghiệp.

Đề cập đến sửa đổi Luật HTX 2021, Liên minh HTX Việt Nam khẳng định đây là vấn đề hết sức cần thiết. Theo đó, sửa đổi Luật HTX 2021 là nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển KTTT, HTX ở nước ta; tạo khung khổ pháp luật nhằm khuyễn khích các hộ cá thể, tổ chức và người dân tham gia HTX; là bước “đột phá”, tập trung khắc phục hạn chế, bất cập đối với sự phát triển của KTTT, HTX; hướng tới xóa bỏ “tiền kiểm” và tăng cường “hậu kiểm” HTX, liên hiệp HTX. Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để HTX phát triển nhanh, bền vững và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế bao trùm.

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đến năm 2030: Số lượng các loại hình KTTT, HTX tăng trưởng từ 1-16%/năm; cả nước có khoảng 250.000 tổ hợp tác, 26.000 HTX; thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 5 triệu lao động thường xuyên…
Hoa Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: hợp tác xã