Theo Bộ Y tế, Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” được xây dựng với mục tiêu: Đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.
Nhận thức của người dân về thuốc Việt đã có sự thay đổi |
Sau 7 năm triển khai, đề án đã hoàn thành tốt, thậm chí vượt mục tiêu đề ra. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%. Trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dược cũng được ngành Y tế hoàn thiện theo hướng ưu tiên thuốc sản xuất trong nước như: Luật Dược sửa đổi 2016, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Đấu thầu, Chiến lược Quốc gia về phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030...
Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp ngành dược trong nước đã không ngừng nỗ lực áp dụng kỹ thuật công nghệ cao sản xuất dược phẩm, đưa ra thị trường các sản phẩm thuốc có hiệu quả điều trị cao; liên tục cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm thuốc, bảo đảm chất lượng và thẩm mỹ.
Tuy nhiên theo đại diện Bộ Y tế, kết quả tốt nhất đề án đã đạt được sau 7 năm triển khai là nhận thức của người dân về thuốc Việt đã có sự thay đổi. Khái niệm “sử dụng thuốc sản xuất trong nước” đã hình thành trong tiềm thức của người dân đối với việc dùng thuốc phòng và chữa bệnh.
Có thể thấy, bằng những giải pháp đồng bộ và hoạt động thiết thực trong triển khai, Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đã hoàn thành tốt mục tiêu đề ra. Nhận thức của cán bộ y tế và các tầng lớp nhân dân đã tin tưởng hơn vào thuốc do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Trong thời gian tới, để tiếp tục hưởng ứng CVĐ, Bộ Y tế xác định tập trung triển khai có hiệu quả Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Cụ thể, thông qua công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, qua đó góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo người đứng đầu cơ sở y tế xây dựng kế hoạch và tiêu chí phấn đấu để chỉ đạo hội đồng thuốc và điều trị đơn vị tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát các bác sĩ, thầy thuốc trong công tác tư vấn, kê đơn thuốc cho người bệnh, từ đó hạn chế lạm dụng kê đơn thuốc nhập khẩu đắt tiền, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu của đề án. Bộ đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất thuốc theo các tiêu chuẩn về “Thực hành tốt - GPs” bảo đảm chất lượng tốt, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; sắp xếp, đổi mới hệ thống phân phối, lưu thông, bảo quản thuốc sản xuất tại Việt Nam nhằm bảo đảm việc cung ứng thuốc kịp thời, hiệu quả, giảm chi phí trung gian và tăng sức cạnh tranh với thuốc nhập khẩu.Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” là hành động thiết thực của ngành Y tế hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. |