Thanh long ruột đỏ: Hoa nở trên đất cằn
Bén duyên với cây thanh long ruột đỏ gần 10 năm, là người đi tiên phong đưa mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại Bãi Sở, ông Tống Văn Chiến đã tìm ra hướng đi mới cho mình và trở thành một trong những hộ trồng thanh long ruột đỏ sạch, chất lượng cao ở đây.
Tam Quang đã chọn thanh long ruột đỏ làm mô hình kinh tế trọng điểm |
Cả Bãi Sở hơn 20 năm trước chỉ là một vùng khô hạn. Đây cũng là khu vực cực kỳ khắc nghiệt mà người dân trước đây vẫn gọi là “vùng đất chết”. “Đất ở đây chỉ có một lớp mỏng phía trên, còn phía dưới phần lớn là lèn đá. Trồng cây ngô, chỉ cần hạn hán một thời gian ngắn thôi cũng chết khô vì không có nước” - ông Tống Văn Chiến cho biết.
Làm thế nào để thoát nghèo? Câu hỏi đó luôn thường trực, mong muốn trong ông. Trong suốt những năm 90, ông liên tục “đi Nam về Bắc” để tìm tòi cây giống phù hợp với mảnh đất khô cằn. Liên tiếp nhận thất bại nhưng ông Chiến không nản chí. Rồi ông được một người quen cho 15 giống cây thanh long trắng từ Bình Thuận và đưa về vườn trồng thử nghiệm. Nhận thấy thanh long thích hợp với vùng đất này, ông Chiến bắt đầu tìm tòi, vào Bình Thuận rồi ra Bắc học tập kinh nghiệm. Đến năm 2013, ông Chiến quyết định mua 30 giống cây này về trồng.
Thu hoạch đến đâu bán hết đến đó
Ngay năm đầu tiên thử nghiệm, gia đình ông bán được hơn 3 triệu đồng, gấp đôi thu nhập của cả vườn vải 70 cây. Năm thứ 2, ông Chiến bán được 30 triệu đồng tiền thanh long. Tiếp tục mở rộng đầu tư, năm thứ 3, gia đình thu nhập tới 90 triệu đồng. Từ đó đến nay, năm nào gia đình ông Chiến cũng có nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng từ thanh long.
Với 10 sào đất, ông Chiến là hộ có diện tích thanh long lớn nhất ở Tam Quang. Trung bình mỗi năm, gia đình ông bán được khoảng 7 tấn thanh long ruột đỏ từ 700 trụ thanh long. Chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh long, ông Chiến cho biết: “Gia đình dù có đến 700 cây nhưng chẳng phải thuê người làm, chỉ việc đến mùa hạn cung cấp đủ nước để tưới cho cây, rồi thường xuyên cắt tỉa cành. Khó khăn nhất vẫn là sâu bọ, đặc biệt là ốc sên. Có nhiều thời điểm, tôi phải thức trắng đêm ra vườn bật đèn pin lên soi để bắt ốc. Nhưng dù khó khăn chúng tôi vẫn quyết không dùng thuốc trừ sâu”.
Với lợi ích và hiệu quả cây thanh long ruột đỏ đem lại, nhiều hộ khác trong làng cũng trồng theo. Ông Chiến luôn giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều người dân. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã mở rộng diện tích cây trồng này. Theo bà Kha Thị Hiền – Chủ tịch UBND xã Tam Quang, đến nay toàn xã có khoảng 50 hộ trồng thanh long ruột đỏ có quy mô lớn với tổng diện tích khoảng 6 héc-ta. Xã Tam Quang cũng chọn loại cây ăn quả này làm mô hình kinh tế trọng điểm để phát triển với mục tiêu không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn hướng tới du lịch sinh thái từ những vườn thanh long rộng lớn.
Hiện nay, mỗi năm xã Tam Quang bán được hơn 120 tấn thanh long ruột đỏ, trong đó chủ yếu từ Bãi Sở - nơi từng được xem là “vùng đất chết”. Tam Quang cũng trở thành vựa thanh long lớn nhất tỉnh Nghệ An hiện nay. Lãnh đạo xã Tam Quang mới đây cũng quyết định hỗ trợ 200 triệu đồng cho người dân để phát triển các vườn cây thanh long ruột đỏ. Nhiều xã miền núi cũng đã đến Tam Quang học tập nhằm nhân rộng mô hình.
Đi dọc bên đường cảm nhận những vườn, đồi thanh long ruột đỏ tràn đầy nhựa sống. Ước mơ làm giàu trên đất cằn đá sỏi của ông Chiến và người dân Bãi Sở đã và đang thành hiện thực.