Thaco tham gia chuỗi giá trị công nghiệp ôtô thế giới
Xây dựng, phát triển trung tâm sản xuất tại Chu Lai
Năm 2003, tỉnh Quảng Nam quyết định thành lập Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai và Thaco khởi công xây dựng nhà máy xe tải, bus có công suất 25.000 xe/năm, diện tích 38 ha, tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng. Đây là nhà máy đầu tiên tại Khu KTM Chu Lai. Song song đó, để giải quyết 2 điểm nghẽn lớn của Quảng Nam, miền Trung là nhân lực và logistics, Thaco đã thành lập trung tâm đào tạo, công ty vận tải biển với tàu container có trọng tải phù hợp. Tiếp đó, với sự chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Hyundai - Kia Motors (Hàn quốc), Thaco đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy xe du lịch Thaco - Kia có công suất 30.000 xe/năm, với diện tích 20ha, có tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng.
Như vậy, từ chương trình xúc tiến đầu tư vào Khu KTM Chu Lai và Chiến lược phát triển ngành ôtô Việt Nam năm 2002 đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Thaco là nhà đầu tư tiên phong và nhà máy tại Khu KTM Chu Lai có quy mô lớn nhất Việt Nam; sản xuất, lắp ráp đầy đủ các chủng loại xe tải, xe bus, xe du lịch thời bấy giờ.
Từ năm 2010, với sự tin dùng của thị trường, Thaco bước vào chu kỳ đầu tư lớn thứ 2 tại Chu Lai với mục tiêu mở rộng quy mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển logistics có quy mô phù hợp hướng đến giảm giá thành sản phẩm. Các dự án chủ lực bao gồm:
Đầu tư Nhà máy xe bus chuyên biệt với công suất 5.000 xe/năm diện tích 14,3 ha, tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, sản xuất xe bus mang thương hiệu Thaco, được tin dùng với thị phần xấp xỉ 70%. Đặc biệt xe giường nằm Thaco Mobihome, đã trở thành phương tiện phổ biến phục vụ đường dài ở Việt Nam.
Nhà máy xe du lịch Mazda có công suất 10.000 xe/năm với diện tích 7,5 ha, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng được chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Mazda Nhật Bản. Các sản phẩm của nhà máy có chất lượng tương đương với sản phẩm của Mazda Nhật.
Tổ hợp Cơ khí có công suất 300.000 sản phẩm/năm, có diện tích 19 ha, tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng, với sản phẩm là các chi tiết phụ tùng kim loại thép theo chu trình khép kín từ sản xuất vật liệu thép, chế tạo khuôn mẫu đến gia công và nhiệt luyện.
Cụm các nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô có diện tích 85 ha, với tổng vốn đầu tư 24.350 tỷ đồng bao gồm: Nhà máy sản xuất nhíp, kính, ghế, dây điện, nhựa, composite, máy lạnh và linh kiện nội thất các loại.
Qua đó, Thaco đã làm chủ công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các dòng xe như: Xe bus trên 60%, xe tải từ 35%, xe du lịch đạt 17% và tăng dần.
Trường Cao đẳng nghề Thaco được xem là trường đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất thành lập, với chương trình đào tạo về lý thuyết và thực hành luôn theo sát yêu cầu thực tế sản xuất. Học viên được miễn 100% học phí cùng các hỗ trợ khác như xe đưa đón, đồng phục, ăn trưa trong suốt thời gian học và 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường đều được bố trí làm việc...
Cảng Chu Lai có công suất 3 triệu tấn/năm, cầu cảng dài 500m tiếp nhận cùng lúc 3 tàu có trọng tải đến 30.000 tấn. Thaco đang đầu tư cho dự án bến cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu 50.000 tấn, với chiều dài bến cảng sau mở rộng là 790m. Dự án sẽ góp phần khai thác đa dạng các nguồn hàng, cỡ tàu, tăng năng suất xếp dỡ, nâng cao sản lượng hàng hóa qua cảng, tạo nguồn hàng đối lưu cho các tuyến hàng hải quốc tế và nội địa, giảm chi phí cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics và thu hút đầu tư vào Khu KTM Chu Lai.
Khu công nghiệp Thaco Chu Lai có tổng diện tích quy hoạch hơn 1.200 ha. Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích đã được đầu tư 300 ha với tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 80.500 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD), bao gồm: Khu công nghiệp Cơ khí & Ôtô, Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp, Khu Cảng và Hậu cần cảng, Khu đô thị Chu Lai. Tại Thaco Chu Lai có 7 nhà máy sản xuất lắp ráp ôtô, 12 nhà máy công nghiệp hỗ trợ, 1 Tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí (gồm 4 nhà máy), Trung tâm nghiên cứu & phát triển, trường đào tạo nghề, cảng biển và hệ thống dịch vụ logistics, Khu nhà ở chuyên gia và công nhân, Trung tâm Thương mại và Khu đô thị có chức năng phục vụ hạ tầng xã hội của Khu KTM Chu Lai.
Đa dạng sản phẩm xuất khẩu, mở rộng thị trường
Để tiếp tục tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Thaco lựa chọn hình thức sản xuất và cung ứng linh kiện, thiết bị gốc (OEM) cho các đối tác lớn theo tiêu chuẩn toàn cầu, để tham gia vào chuỗi sản xuất ôtô thế giới, thông qua các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng. Thaco cũng đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các nhà sản xuất, phân phối ôtô và doanh nghiệp ở lĩnh vực khác để hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ, gia tăng năng lực sản xuất; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển, để phát triển nhanh và đa dạng các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng.
Dây chuyền hàn body - Nhà máy Thaco Mazda |
Trong vai trò là OEM, công ty đã đầu tư sản xuất và cung cấp các linh kiện nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam của các hãng như Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật), Peugeot (Pháp) và Mitsubishi Fuso.
Ngoài ra, Thaco đã trở thành nhà cung cấp OEM (cấp 1 và cấp 2) và xuất khẩu các sản phẩm như linh kiện composite, nhíp, cản xe, áo ghế, bọc cần số, khung ghế bằng vật liệu composite, thùng xe, bồn nhiên liệu, khuôn công nghiệp, xe đẩy hành lý sân bay, linh kiện cơ khí nông nghiệp... cho các đối tác Independence, Daewon, Shin Myung, Cellmech, SMT, JMK, Fori (Hàn Quốc); NAZA, C.N.A (Malaysia); Youngsan (Nga); TIP Composite, Hanaoka (Nhật Bản)... Doanh thu xuất khẩu linh kiện phụ tùng năm 2019 đạt 15 triệu USD và dự kiến năm 2020 là 21 triệu USD.
Hiện nay, Thaco đang đàm phán về hợp tác sản xuất và cung ứng linh kiện OEM cho các nhà máy ôtô, xe máy, xe đạp điện tại Việt Nam và các doanh nghiệp FDI; đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu sang Ecuador, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Đức, Úc, Mỹ, Ba Lan…
Thaco đã có tên trên bản đồ sản xuất lắp ráp ôtô của các thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật), Peugeot (Pháp) và Mitsubishi Fuso (Nhật). |