Tận dụng tấm lợp fibro xi măng nuôi hàu: Lợi trước mắt, hại lâu dài
Bà con đã tận dụng tấm lợp fibro xi măng nuôi hàu
- Chỉ tính đến lợi ích trước mắt
Theo khảo sát của Sở NN&PTNT tỉnh, hàng năm người dân tại các xã: Long Sơn (TP. Vũng Tàu), Tân Hải, Tân Hòa, Phước Hòa và Tân Phước (huyện Tân Thành) sử dụng khoảng 200.000 tấn tấm lợp fibrociment để nuôi hàu. Ước tính khoảng 50% tấm lợp sau khi sử dụng được thải loại trực tiếp ra sông Rạng, sông Chà Và, sông Dinh và các bến bãi nơi phân loại hàu thương phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bồi lắng đáy sông, tích tụ các cặn bã gây ô nhiễm môi trường và gây tác động trực tiếp đến nguồn nước nuôi trồng thủy sản của người nuôi.
Trước đây, người nuôi chủ yếu dùng cọc tre, gỗ cắm xuống sông cho hàu non bám vào và vào khoảng 7 - 10 tháng sau khi hàu lớn là thu hoạch. Tuy nhiên, cọc tre và gỗ thì khả năng trụ lại bền vững với sông nước không lớn. Nhiều cọc hàu khi hàu phát triển mạnh có thể bị gãy đổ hoặc bị sóng nước xô ngã, người dân thất thu. Sau này, khi phát hiện hàu thích bám vào tấm lợp fibro xi măng và tấm lợp này lại có khả năng chịu nước, chịu sóng tốt, bà con đã đổ xô nuôi theo phương pháp này mà không tính đến việc ô nhiễm nguồn nước hay ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Một ngư dân tại xã Long Sơn cho biết, những tấm lợp fibro xi măng được người nuôi cắt thành 6 hoặc 8 mảnh rồi treo thành từng ô và nhiều ô kết thành một bè. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm khi vào mùa sinh sản của hàu các cọc fibro xi măng được thả xuống sông để hàu non bám vào, đến 10 tháng sau mới thu hoạch. Thậm chí để đỡ tốn kém một số hộ còn tận dụng các loại lốp xe phế thải để nuôi. Sau khi thu hoạch, phần lớn những vật liệu dùng để hàu bám được người dân đổ thẳng xuống sông.
Tăng cường tuyên truyền, vận động bà con
Theo đánh giá của Trung tâm Công nghệ môi trường - Viện Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nuôi hàu bằng cách sử dụng tấm lợp fibro xi măng hay bằng lốp xe cũ ít tốn kém, nhưng gây hại cho môi trường nước và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe cho người tiêu dùng. Cụ thể, tấm lợp fibro xi măng và lốp xe cũ khi ở trong môi trường nước sẽ tạo ra lưu huỳnh và nhiều hóa chất độc hại. Hành động vô ý vứt bừa bãi tấm lợp, lốp xe sau khi đã sử dụng để nuôi hàu ngay tại khu vực nuôi và điểm phân loại hàu thương phẩm sẽ gây tác động đến dòng chảy của sông, khu vực nuôi hải sản của người dân xung quanh. Trước tình trạng này, Trung tâm Công nghệ môi trường cũng đã đưa ra cảnh báo, nếu không thay đổi phương pháp nuôi hàu bằng tấm fibro xi măng, về lâu dài nghề nuôi trồng hải sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, ngành nông nghiệp cũng chỉ đang từng bước vận động người nuôi hàu hạn chế việc sử dụng tấm lợp fibro xi măng cũng như sản phẩm có liên quan. Sở NN&PTNT tỉnh thì đang xúc tiến việc mời các nhà khoa học nghiên cứu những nguy cơ từ việc dùng tấm lợp fibro xi măng để đánh giá đầy đủ về tác hại, dư lượng của chúng trong sản phẩm thủy sản nuôi trồng. Trong khi đó, vấn đề cần phải làm ngay là nghiên cứu, chuyển giao phương pháp nuôi hàu mới thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng và người sản xuất vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Fibro xi măng là vật liệu xây dựng dùng để lợp mái nhà, mái hiên... và được sử dụng phổ biến ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng biển. Nhiều nước trên thế giới đã hạn chế và cấm sử dụng fibro xi măng vì trong đó có chứa amiăng - chất gây ung thư. Thông tin mới nhất từ Cục Quản lý môi trường Y tế cho biết, sau hơn 40 năm nghiên cứu (từ năm 1973), Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc tổ chức Y tế thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiăng vào nhóm chất gây ung thư ở người. Hơn 10 năm nay, Việt Nam là 1 trong 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới. Ước tính, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 65.000 tấn, sản xuất 106 triệu m2 tấm lợp fibro xi măng ở hơn 40 cơ sở sản xuất với hơn 5.000 lao động. |
Việt Hoàng