Quản lý thị trường kiểm soát chặt kinh doanh, nhập khẩu cá tầm |
Trước những vướng mắc trong việc giám định cá tầm nhập khẩu, cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã tạm dừng xử lý hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép CITES nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc “tạm dừng” này đã bị cả cơ quan quản lý và Tòa án cho là sai luật nên yêu cầu cơ quan quản lý CITES Việt Nam triển khai cấp Giấy phép theo đúng quy định.
Khó khăn trong giám định mẫu vật cá tầm
Liên quan việc kiểm soát cá tầm nhập khẩu, vào đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng cho biết, từ tháng 1/2021, Hiệp hội Cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng (Hiệp hội) đã phản ánh việc cá tầm Trung Quốc nhập khẩu không kiểm soát được số lượng, chủng loại đang có mặt tràn lan tại thị trường Việt Nam và có hiện tượng bán phá giá, đe dọa ngành chăn nuôi cá tầm trong nước. Tháng 10/2021, Hiệp hội tiếp tục phản ánh doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam vi phạm pháp luật mà vẫn được cấp phép nhập khẩu với số lượng hàng ngàn tấn, đồng thời kiến nghị siết chặt kiểm tra việc nhập khẩu với các lô hàng cá tầm tại các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, đảm bảo thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định hiện hành.
Cũng theo báo cáo trên thì từ tháng 1/2021, các lô cá tầm nhập khẩu của doanh nghiệp đều phải lấy mẫu giám định xác định chủng loại. Tuy nhiên, do kết quả giám định không rõ ràng nên đã có gần 100 tờ khai nhập khẩu cá tầm không đủ cơ sở pháp lý nên chưa được thông quan.
Điều này có nghĩa doanh nghiệp nhập khẩu không thể đưa số cá tầm vào sản xuất, tiêu thụ dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế do khi bảo quản, cá tầm bị chết hoặc tồn đọng vốn, phạt hợp đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm phải chịu thêm chi phí giám định xác định chủng loại cá tầm (trung bình gần 20 triệu/lô).
Do vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm kiến nghị các cơ quan chuyên môn khẩn trương trả lời kết quả giám định cá tầm nhập khẩu. Đồng thời kiến nghị các cơ quan ban ngành loại bỏ các quy định chồng chéo, chưa thống nhất, đưa ra các quy định hợp lý để tạo điều kiện thuận lớn nhất cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất…
Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, giảm thiểu thiệt hại cho các bên liên quan, minh bạch chính sách quản lý với hàng hóa nhập khẩu… Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng về giống, loài, con lại, con thuần chủng có đúng với Giấy phép CITES với hàng hóa (cá tầm) nhập khẩu thuộc gần 100 tờ khai hải quan chưa được thông quan; Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ trực thuộc phối hợp cơ quan hải quan trong việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu có phù hợp với Giấy phép CITES do cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam (CITES Việt Nam) và có thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hay không? Sớm ban hành hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ trực thuộc phối hợp hải quan trong kiểm tra hàng hóa nhập khẩu có phù hợp giấy phép và có thuộc Danh mục hay không?
Liên quan việc kiểm tra cá tầm nhập khẩu trên, trong văn bản trả lời Báo Pháp luật Việt Nam vào tháng 3/2022, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, mấu chốt của vấn đề hiện nay là khâu giám định mẫu vật cá tầm. Các cơ quan khoa học CITES và/hoặc các cơ quan giám định (do các cơ quan hải quan trưng cầu) chưa đưa ra kết luận rõ ràng về loài cá tầm cụ thể khi thực hiện giám định. Việc giám định loài thuẩn chủng là khó khăn của Ban Thư ký CITES cũng như các cơ quan khoa học CITES tại các nước có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại cá tầm... Để góp phần giải quyết vấn đề này, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề nghị cơ quan khoa học CITES khẩn trương hoàn thành việc giám định cá tầm nhập khẩu.
Cả tòa án lẫn cơ quan quản lý đều “tuýt còi” CITES Việt Nam
Gặp vướng mắc trong giám định cá tầm như trên, từ giữa tháng 2/2022, CITES Việt Nam đã tạm dừng xử lý hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép CITES nhập khẩu cá tầm sống từ Trung Quốc cho đến khi nhận được thông tin phản hồi chính thức đầy đủ từ cơ quan thẩm quyền quản lý của CITES Trung Quốc. Về lý do phải “chờ đợi”, CITES Việt Nam cho rằng, căn cứ vào quy định của CITES và tránh rủi ro trong doanh nghiệp Việt Nam vi phạm pháp luật về nhập khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, chính một số doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm lại không đồng ý với biện pháp “tránh rủi ro” mà CITES Việt Nam áp dụng như trên và cho rằng CITES Việt Nam “tạm dừng” xử lý hồ sơ là sai luật. Trong số các doanh nghiệp này, Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Gia Bảo (Công ty Gia Bảo) đã khiếu nại đến Tổng cục Lâm nghiệp.
Trong Quyết định giải quyết khiếu nại mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, căn cứ pháp luật lâm nghiệp (Luật Lâm nghiệp, Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Nghị định 84/2021/NĐ-CP) “không có quy định về tạm dừng cấp Giấy phép CITES”. Căn cứ Điều 6 Luật Điều ước quốc tế, nội dung Công ước, các khuyến nghị tại các Nghị quyết hội nghị các các nước thành viên Công ước CITES phải được nội luật hóa hoặc xin ý kiến cấp có thẩm quyền (Chính phủ) mới được triển khai thực hiện.
Trong khi đó, Cơ quan CITES tự ý áp dụng Nghị quyết 11.3 của CITES làm căn cứ ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của Công ty Gia Bảo. Căn cứ Luật Công chức, cơ quan CITES Việt Nam không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên (Tổng cục) mà tự ý tạm dừng xem xét xử lý các hồ sơ xin cấp Giấy phép nhập khẩu cá tầm sống là trái quy định.
Từ những nhận định trên, Tổng cục Lâm nghiệp đã yêu cầu CITES Việt Nam “chấm dứt hành vi tạm dừng xem xét xử lý các hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép CITES nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc” đối với Công ty Gia Bảo.
Trong một vụ việc tương tự, do bị CITES Việt Nam ra văn bản về việc thu hồi giấy phép nhập khẩu cá tầm và từ chối cấp giấy phép cho công ty, Công ty TNHH XNK Thủy hải sản Thanh Tú (Công ty Thanh Tú) đã khởi kiện CITES Việt Nam tại TAND TP Hà Nội.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15/6/2022, TAND TP Hà Nội chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thanh Tú, buộc Cơ quan CITES Việt Nam phải cấp Giấy phép nhập khẩu mẫu vật, động vật, thực vật,... hoang dã thuộc phụ lục của CITES cho Công ty Thanh Tú theo đúng quy định.