Quản lý thị trường kiểm soát chặt kinh doanh, nhập khẩu cá tầm Siết chặt quản lý các lô hàng cá tầm nhập khẩu |
Liên quan đến việc cấp phép nhập khẩu cá tầm, mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, việc xem xét, quyết định cấp, quản lý Giấy phép CITES nhập khẩu cá tầm thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Còn có “khoảng trống” về pháp luật
Trước đó, theo Văn bản 929/BTC-TCHQ gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính, từ tháng 1/2021 đến nay, các lô cá tầm nhập khẩu của DN đều phải lấy mẫu giám định xác định chủng loại. Tuy nhiên, kết quả của các cơ quan giám định đều không rõ ràng, gần 100 tờ khai nhập khẩu cá tầm chưa được thông quan…
Liên quan vấn đề, Tổng cục Hải quan tại Văn bản 471/TCHQ-GSQL cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tạm dừng cấp Giấy phép CITES với cá tầm nhập khẩu cho đến khi cơ quan xác nhận giống loài, con lai, con thuần chủng đúng với giấy phép CITES của cá tầm nhập khẩu.
Trong khi đó, từ 18/2/2022, Cơ quan thẩm quyền Cites Việt Nam đã căn cứ vào khuyến nghị, quy định trong Nghị quyết 11.3 được ban hành tại cuộc họp các nước thành viên Công ước CITES (tuy nhiên chưa được nội luật hóa); đã dừng giải quyết hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép CITES nhập khẩu cá tầm sống từ Trung Quốc. Động thái này thực hiện sau khi có Văn bản 929/BTC-TCHQ Bộ Tài chính gửi Thủ tướng.
Tuy nhiên, theo Nghị định 06/2019/NĐ- CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP) quy định về cấp phép CITES nhập khẩu (Điều 25); thu hồi, hoàn trả, từ chối cấp Giấy phép CITES (Điều 36); cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép là Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam nhưng không có quy định tạm ngừng cấp Giấy phép CITES nhập khẩu.
Còn theo Nghị quyết 11.3 tại Hội nghị toàn thể của CITES (COP18, họp năm 2019 tại Geneve, Thụy Sĩ) đưa ra khuyến nghị: Nếu cơ quan thẩm quyền quản lý của nước nhập khẩu hoặc tái xuất khẩu có lý do cho rằng mẫu vật của loài thuộc Phụ lục CITES được buôn bán trái với pháp luật của bất kỳ quốc gia liên quan đến giao dịch, hoặc có lý do cho rằng mẫu vật đi kèm bởi một giấy phép có thể không được buôn bán tuân theo các quy định của Công ước (ví dụ mẫu vật không được khai thác hợp pháp, không thực hiện đánh giá không tổn hại (NDF) hoặc không thực hiện đầy đủ bất kỳ quy định của CITES), Cơ quan thẩm quyền quản lý không nên cho phép nhập khẩu hoặc tái xuất khẩu mẫu vật đó và không nên ban hành một giấy phép nhập khẩu hoặc tái xuất khẩu.
Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam đã tham vấn Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Trung Quốc theo quy định, đến nay chưa nhận được phản hồi.
Căn cứ ý kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp tại các Văn bản 3236/BNG-LPQT ngày 5/8/2022 và 3097/BTP-LPQT ngày 22/8/2022, việc áp dụng trực tiếp quy định của Công ước CITES cần căn cứ vào các điều kiện đã được quy định tại Luật Điều ước quốc tế để trình cơ quan thẩm quyền xem xét quyết định theo trình tự, thủ tục được quy định trong Luật. Không một cơ quan hành chính nào dưới Chính phủ được phép áp dụng trực tiếp Điều ước quốc tế khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền (Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ).
Trách nhiệm, thẩm quyền là của Bộ NN&PTNT
Trong báo cáo gửi Thủ tướng vào ngày 27/9/2022, Bộ NN&PTNT thông tin: Thời gian qua, Bộ này tiếp nhận rất nhiều đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của các DN liên quan đến việc dừng cấp phép nhập khẩu cá tầm.
Mặc dù các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT đã xem xét, giải quyết, đã ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại nhưng các DN nhập khẩu cá tầm vẫn tiếp tục đề nghị cơ quan thẩm quyền CITES Việt Nam tiếp tục cấp phép nhập khẩu với lý do theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Nghị định 84/2021/NĐ-CP chỉ quy định cấp, thu hồi, hoàn trả Giấy phép CITES, không có quy định về tạm dừng cấp phép; nên đã viết đơn thư gửi nhiều nơi và khởi kiện ra tòa án với việc tạm dừng không cấp phép của Cơ quan thẩm quyền CITES Việt Nam.
Trong báo cáo, Bộ NN&PTNT đề xuất, với việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan; giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoàn thiện các quy định pháp luật về thực thi công ước CITES.
Với việc cấp, quản lý giấy phép CITES nhập khẩu cá tầm, Bộ NN&PTNT kiến nghị: Với các lô hàng đang treo thông quan khi chưa có kết quả phân tích xác định loài của mẫu vật nhập khẩu của gần 100 tờ khai với hơn 1000 tấn cá tầm đang lưu giữ tại cơ sở cách ly kiểm dịch của 16 DN, Bộ NN&PTNT đề xuất chưa cấp mới giấy phép CITES nhập khẩu cá tầm đến khi có kết quả kiểm tra.
Với hoạt động quản lý cá tầm, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tăng cường giám sát và phối hợp Cơ quan khoa học CITES và Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam để đảm bảo cá tầm nhập khẩu đúng loài được cấp giấy phép. Bộ Công Thương và Bộ Công an tăng cường quản lý việc vận chuyển, buôn lậu, nhập khẩu cá tầm trái pháp luật.
Trong Văn bản 7607/VPCP-KTTH ngày 10/11/2022, Văn phòng Chính phủ cho biết, về kiến nghị của Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có ý kiến như sau: Việc xem xét, quyết định cấp, quản lý giấy phép Cites nhập khẩu cá tầm thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Bộ NN&PTNT theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP) về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và quy định pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.