Thứ bảy 28/12/2024 17:31

Số hóa logistics để thích nghi với bối cảnh thị trường

Được ví như “mạch máu” của nền kinh tế, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh số hóa để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường

Đây là nội dung được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo ‘‘Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững’’ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 27/4, tại Hà Nội.

Việt Nam - thị trường đầy tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14 - 16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. “Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu”, ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

Ông Phan Văn Chinh – Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, theo ông Phan Văn Chinh, ngành logistics cũng còn những hạn chế, yếu kém, tồn tại nổi lên như: chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển... Một trong những nguyên nhân của những hạn chế nêu trên đó là ứng dụng công nghệ số chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

“Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác”, ông Phan Văn Chinh yêu cầu.

Công nghệ và tự động hóa trong logistics để phát triển bền vững

Tại Hội thảo, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội, Hội ngành hàng và doanh nghiệp cùng với các chuyên gia, viện nghiên cứu đã trao đổi, rà soát, đánh giá và đưa ra những nhận định về tình hình chuyển đổi số ngành logistics hiện nay. Từ hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp và những kinh nghiệm được rút ra, các đại biểu đã tích cực trao đổi, chia sẻ về công nghệ và tự động hoá trong logistics, gắn logistics với thương mại điện tử trong thời đại số.

Toàn cảnh Hội thảo

Nói về triển vọng của ngành logistics từ “sức nóng” của thương mại điện tử, ông Nguyễn Triều Quang - Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc - Lazada logistics Việt Nam - nhấn mạnh, thị trường logistics ở Việt Nam mạnh mẽ và giàu tiềm năng.

Ông Quang đưa dẫn chứng, năm 2023, Việt Nam lọt Top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới; đứng thứ 4 Đông Nam Á và thứ 10, theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023. logistisc là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, với quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan. Do đó, Việt Nam sớm trở thành “ngôi sao logistics” của châu Á trong thời gian tới, ông Nguyễn Triều Quang chia sẻ.

Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp logistics cũng cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của thương mại điện tử. Để kiến tạo hệ sinh thái logistics bền vững cho thương mại điện tử, theo ông Nguyễn Triều Quang, doanh nghiệp có thể tập trung đầu tư vào 3 điểm chính gồm: Nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành; phát triển logistics xanh bền vững.

Còn theo ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc phát triển Kinh doanh - Công ty SLP Việt Nam, nổi lên như một trung tâm sản xuất với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), xuất nhập khẩu Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng. Việt Nam là nền kinh tế lấy sản xuất xuất khẩu làm trung tâm, với tốc độ tăng trưởng của khu vực sản xuất được duy trì ở mức khoảng 9%/năm. Ngay cả trong thời kỳ Covid-19, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn tăng trưởng từ 3% - 5% mỗi năm.

Khối lượng xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng, bất chấp sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 336 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Trong đó 90% khối lượng hàng hóa được chuyên chở bằng đường biển.

Việt Nam cũng là điểm đến mới cho các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, chi phí logistics còn cao so với thế giới, năm 2022 còn số này tại Việt Nam vào khoảng 16,8%, còn trung bình thế giới khoảng 10%. Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp/phát triển dịch vụ logistics lớn của Việt Nam và thế giới.

Thị trường nhà kho và xưởng phát triển lên cùng với dòng vốn FDI, song phần lớn nguồn cung là nhà kho và xưởng truyền thống, không đảm bảo yêu cầu của các nhà đầu tư. “Trong 5 năm trở lại đây, với sự tham gia của các nhà phát triển hạ tầng logistics hàng đầu thế giới tại Việt Nam, tỷ lệ kho truyền thống vẫn chiếm trên 50% tổng nguồn cung. Trong khi đó, trong năm 2021 tại thị trường Mỹ, kho hiện đại chiếm đến 65% nguồn cung của thị trường”, ông Đinh Hoài Nam chia sẻ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Theo khảo sát của Bộ Công Thương và xuất bản trong Báo cáo Logistics Việt Nam 2022, hơn 66% doanh nghiệp được khảo sát có chiến lược phát triển logistics xanh, nhưng chỉ có khoảng 31% doanh nghiệp có sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động kho bãi. Như vậy, mặc dù ý thức của doanh nghiệp trong phát triển bền vững đang ngày được nhận thức rõ, việc thực hành các hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững vẫn chưa có được hiệu quả lan tỏa rộng lớn.

Để phát triển ngành logistics hiện đại, bền vững, ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - cho rằng, với các doanh nghiệp logistics, cần có sự chung tay giữa các doanh nghiệp trong ngành, hợp tác đồng hành cùng phát triển, tăng cường liên kết gia tăng tính cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam.

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy cũ sang lối tư duy mới, thay đổi cách làm cũ và cần sự đồng hành, sự ủng hộ, hợp tác của doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro và đơn giản hóa quy trình trong xây dựng và phát triển giải pháp mới cho hệ thống logistics tại địa phương cũng như kết nối liên vùng nhằm tạo ra mạng lưới kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ, thông suốt góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp cảng biển tại Việt Nam, việc xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho hệ thống cảng biển Việt Nam, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới sẽ góp phần tăng hiệu suất khai thác, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam với các cụm cảng lân cận như Singapore hay Thái Lan, Hồng Kồng.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) điều phối phiên thảo luận 1

Với cơ quan Nhà nước, trước những yêu cầu phát triển xanh, bền vững, đặc biệt trong ngành logistics, Nhà nước và các địa phương cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức tạo thuận lợi phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics, tháo gỡ các “nút thắt” về giao thông để việc kết nối, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, đẩy mạnh liên kết vùng, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục, xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, tiến tới số hóa và giải quyết các thủ tục trực tuyến. Hệ thống cơ sở pháp lý cũng cần được cập nhật theo kịp các xu hướng công nghệ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các dịch vụ, công nghệ mới.

Với yêu cầu về sự chính xác, minh bạch trong hệ thống cũng như nhu cầu về sự nhanh chóng hơn, các doanh nghiệp cần hướng tới một bộ máy quản lý tinh gọn và linh hoạt, cốt lõi là phát triển nguồn nhân lực có trình độ, có thể đáp ứng các yêu cầu công việc và quá trình hội nhập toàn cầu. Các doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo và phát triển nhân sự chất lượng cao, có mô hình hợp tác với nhà trường, trung tâm đào tạo nhằm phối hợp xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn, mang tính ứng dụng cao.

Toàn cảnh phiên thảo luận 1

Cùng với nhà kho hiện đại, nhà kho thông minh được đánh giá là xu hướng tất yếu của logistics hiện đại. Động lực thúc đẩy cho sự thay đổi trong phát triển nhà kho thông minh trong tương lai đến từ 5 yếu tố gồm: Nhu cầu thị trường gia tăng; tài nguyên đất khan hiếm; chi phí nhân công gia tăng; sự phát triển của công nghệ; cam kết COP26.

Đánh giá cao về các về những ý tưởng, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong việc chuyển đổi số logistics từ các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế; các kiến nghị với cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng về các chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi số trong logistics, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhóm phóng viên
Bài viết cùng chủ đề: Ngành dịch vụ logistics

Tin cùng chuyên mục

Rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá đối với thép cán nguội

Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Công tác phát triển thị trường châu Á - châu Phi phải trọng tâm, trọng điểm

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024

Mật ong Cẩm Tú - Tinh hoa từ vườn nhãn lên sàn thương mại điện tử

Châu Á - châu Phi tiếp tục là thị trường chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu

Năm 2025, cần đưa ra mục tiêu, giải pháp trong cả hoạt động nhập khẩu

Xuất khẩu nông sản: Đừng để “vết ố” làm hỏng bức tranh sáng màu!

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng từ 10-12%

Khai mạc Chương trình Phố rượu vang, trà, cà phê và đặc sản Đà Lạt

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ áp dụng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với đường mía

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

EU khởi xướng điều tra tự vệ đối với một số hợp kim gốc mangan và silicon

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong xúc tiến thương mại và đầu tư tại Hoa Kỳ

Nấm Mối Đen Uyên Khang: Khẳng định thương hiệu nhờ sàn thương mại điện tử

Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ dự kiến vượt mức 15 tỷ USD