Cục Xuất nhập khẩu

Cục Xuất nhập khẩu, tin tức, thông tin về Cục Xuất nhập khẩu trên Báo Công Thương điện tử
Cục Xuất nhập khẩu

Vị trí và chức năng

1. Cục Xuất nhập khẩu là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, thương mại biên giới, xuất xứ hàng hóa, dịch vụ logistics trong hoạt động thương mại quốc tế (sau đây gọi là dịch vụ logistics), tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu (mua bán hàng hóa quốc tế), đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài, thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

2. Cục Xuất nhập khẩu có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp và từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Agency of Foreign Trade.

Tên viết tắt: AFT.

Trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội.

Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Bộ trưởng phê duyệt, ban hành hoặc để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chiến lược, cơ chế, chính sách xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới, xuất xứ hàng hóa, dịch vụ logistics, đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hàng hoá trong phạm vi cả nước và dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.

2. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, đề án, cơ chế, chính sách xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới, xuất xứ hàng hóa, dịch vụ logistics, đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá sau khi được phê duyệt hoặc ban hành.

3. Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, thương mại biên giới, xuất xứ hàng hóa, dịch vụ logistics, đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, các văn bản cá biệt và văn bản nội bộ theo quy định của pháp luật.

4. Quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới:

a) Trình Bộ trưởng phê duyệt, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đại lý mua, bán, gia công hàng hoá với nước ngoài, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hàng hoá, xuất xứ hàng hóa đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

b) Trình Bộ trưởng phê duyệt, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn cơ chế, chính sách về quản lý hoạt động thương mại biên giới, cơ chế điều hành hoạt động thương mại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới.

c) Tham mưu tổ chức triển khai, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, tổng kết, đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình, quy hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, quy định quản lý, điều hành và phát triển hoạt động thương mại biên giới.

d) Trình Bộ trưởng ban hành quy định và cấp các loại giấy chứng nhận xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá có điều kiện, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; giấy phép về chỉ tiêu, hạn mức, hạn ngạch, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh và các giấy phép khác theo quy định của pháp luật.

đ) Tham mưu điều hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; đề xuất các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý nhập khẩu, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.

e) Tham mưu quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của thương nhân Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.

g) Tham mưu trong đàm phán, ký kết các hiệp định song phương và đa phương về mở cửa thị trường, các thoả thuận công nhận tiêu chuẩn, quy chuẩn; tham gia xây dựng hàng rào kỹ thuật trong thương mại phù hợp với quy định và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; giúp Bộ trưởng tham gia, thực hiện đàm phán các vấn đề có liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, xuất xứ hàng hóa; về kiểm soát xuất khẩu theo các Nghị quyết của Liên hợp quốc, điều ước quốc tế và các thoả thuận mà Việt Nam là bên tham gia hoặc ký kết.

h) Hướng dẫn nghiệp vụ, thủ tục về thực hiện quy định hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới, đại lý mua, bán, gia công hàng hoá với nước ngoài, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hàng hoá, xuất xứ hàng hóa thực hiện cơ chế hoạt động xuất nhập khẩu của các khu thương mại tự do, khu bảo thuế, khu phi thuế quan trong các khu kinh tế theo quy định của pháp luật.

i) Tổ chức thực hiện cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, mua bán hàng hoá quốc tế theo ủy quyền của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.

k) Chủ trì cùng các đơn vị trong Bộ tham gia với các đơn vị của Bộ Tài chính về chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu; thủ tục hải quan, kho ngoại quan và những vấn đề khác liên quan đến quy định của pháp luật về hải quan; bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

l) Tham gia hoạt động hỗ trợ xuất nhập khẩu: Thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, đầu tư sản xuất phục vụ xuất khẩu hàng hoá, cân đối tiền hàng, cán cân thương mại, ghi nhãn hàng hoá, thương hiệu và quảng bá sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam, thuận lợi hóa thương mại.

m) Chủ trì hoặc tham gia với các Bộ, ngành liên quan về cửa khẩu, lối mở thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hàng hoá theo quy định của pháp luật.

5. Quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa:

a) Trực tiếp đàm phán, chuẩn bị phương án đàm phán, báo cáo sau đàm phán về xuất xứ hàng hoá trong các hiệp định, thoả thuận song phương và đa phương.

b) Thực hiện hợp tác quốc tế về xuất xứ hàng hóa, xác minh và chống gian lận thương mại; giúp Bộ trưởng ký kết các thỏa thuận về trao đổi thông tin, dữ liệu, xác minh xuất xứ hàng hóa với nước ngoài.

c) Chủ trì việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và quy định trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa; trình Bộ trưởng để:

- Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định dự án Luật, dự thảo Nghị định, dự thảo Quyết định về xuất xứ hàng hóa.

- Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền của Bộ Công Thương về xuất xứ hàng hóa và chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc theo quy định của nước nhập khẩu.

- Ban hành văn bản hướng dẫn, quy định, quy chế về ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đối với các cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền.

d) Hướng dẫn nghiệp vụ, quy trình, thủ tục về chứng nhận xuất xứ hàng hoá và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; tổ chức ban hành các biểu mẫu về xuất xứ hàng hoá.

đ) Cải cách thủ tục hành chính trong chứng nhận xuất xứ hàng hoá, hướng dẫn phân luồng thương nhân đề nghị cấp C/O nhằm tạo thuận lợi, nâng cao hiệu quả quản lý trong quy trình cấp C/O và tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

e) Xây dựng và triển khai thực hiện các đề tài, dự án, chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa.

g) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy tắc xuất xứ hàng hóa theo các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương để thúc đẩy khả năng tận dụng các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

h) Tổ chức cấp và kiểm tra thực hiện các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của pháp luật.

6. Quản lý nhà nước về dịch vụ logistics

a) Trình Bộ trưởng phê duyệt, ban hành hoặc để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình, quy hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, quy định về quản lý và phát triển dịch vụ logistics.

b) Tổ chức triển khai thực hiện chính sách pháp luật, quy định quản lý về phát triển dịch vụ logistics.

c) Điều phối, hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội phát triển dịch vụ logistics và nâng cao năng lực doanh nghiệp dịch vụ logistics.

d) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, phát triển thị trường, kết nối doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước và nước ngoài.

đ) Hợp tác quốc tế về dịch vụ logistics.

7. Chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Tài chính quản lý hoạt động kinh doanh của các cửa hàng miễn thuế theo quy định của pháp luật.

8. Thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật thương mại trong WTO (gọi tắt là Văn phòng TBT) của Bộ Công Thương.

9. Thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp về các biện pháp kiểm dịch động thực vật trong WTO (gọi tắt là Văn phòng SPS) của Bộ Công Thương.

10. Tham mưu quản lý nhà nước và theo dõi hoạt động của các Hội, Hiệp hội ngành nghề hoạt động trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

11. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật và nghiệp vụ, chuyên môn về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, thương mại biên giới, xuất xứ hàng hóa, dịch vụ logistics, đại lý mua, bán, gia công hàng hoá với nước ngoài, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, theo quy định của pháp luật.

12. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, thương mại biên giới, dịch vụ logistics theo phân công của Bộ.

13. Tổng hợp, lập báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất, đánh giá tình hình hoạt động về xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá, thương mại biên giới thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế, hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.

14. Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, thương mại biên giới, xuất xứ hàng hóa, dịch vụ logistics thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ.

15. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, thương mại biên giới, xuất xứ hàng hóa theo phân công của Bộ.

16. Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính của Cục theo mục tiêu và nội dung Chương trình cải cách hành chính của Bộ.

17. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ về thi đua, khen thưởng, kỷ luật, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức thuộc Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ.

18. Quản lý tài chính, tài sản được giao, tổ chức thực hiện ngân sách được cấp, các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

19. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Cơ cấu tổ chức

  1. Bộ máy giúp việc Cục trưởng:

a) Văn phòng;

b) Phòng Tổng hợp Chính sách;

c) Phòng Xuất xứ hàng hóa;

d) Phòng Xuất nhập khẩu hàng Công nghiệp;

đ) Phòng Xuất nhập khẩu hàng Nông - Lâm - Thủy sản;

e) Phòng Thương mại quốc tế;

g) Phòng Thuận lợi hóa thương mại.

2. Các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực thuộc Cục Xuất nhập khẩu:

a) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội;

b) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Thành phố Hồ Chí Minh;

c) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Đà Nẵng;

d) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Đồng Nai;

đ) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Bình Dương;

e) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Lạng Sơn;

g) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Quảng Ninh;

h) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Lào Cai;

i) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Thanh Hóa;

j) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Nghệ An;

k) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Thái Bình;

l) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Bình Trị Thiên;

m) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Khánh Hòa;

n) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hải Dương;

q) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Vũng Tàu;

r) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Cần Thơ;

s) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Tiền Giang.

t) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hà Tĩnh;

u) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Ninh Bình.

Các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực có chức năng, nhiệm vụ giúp Cục Xuất nhập khẩu cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho hàng hóa xuất khẩu, giấy chứng nhận gia công hàng hóa, giấy chứng nhận xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật, theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Nhiệm vụ cụ thể Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực do Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu quy định; được sử dụng con dấu và mở tài khoản riêng theo quy định của pháp luật để giao dịch.

Việc thành lập, tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị trực thuộc Cục do Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét quyết định theo đề nghị của Cục trưởng.

Lãnh đạo Cục

1. Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.

2. Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật.

3. Cục trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Cục, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục theo phân cấp quản lý của Bộ.

4. Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ cấp phòng hoặc tương đương thuộc Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Công Thương.

5. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục; Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Mobile VerionPhiên bản di động