Từ tuyến lửa Trường Sơn đến 'xa lộ' logistics - Bài 1: 'Mạch máu' huyền thoại Từ tuyến lửa Trường Sơn đến 'xa lộ' logistics - Bài 2: Hòa nhịp cùng đất nước |
Trên các cung đường Trường Sơn từng hằn vết bánh xe thồ, vết chân bộ đội, lằn xích xe vận tải, ngày nay là cao tốc xuyên vùng, quốc lộ nối liền cửa khẩu, cảng nước sâu vươn ra đại dương.
Đó không chỉ là sự thay đổi về hạ tầng mà còn là một sự chuyển hóa về tư duy chiến lược: Từ hậu cần thời chiến sang logistics thời bình, từ phân phối vật tư cho chiến trường sang điều phối chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam, từ một quốc gia vận hành hậu cần thời chiến đầy gian khổ đã vươn mình trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vận tải đường bộ, đường biển, hàng không và logistics điện tử đang dệt nên một mạng lưới liên kết rộng khắp.
Nền móng cho tư duy logistics hiện đại
“Không có đường thì mở đường mà đi, không có xe thì dùng vai gùi gánh” - câu nói đã trở thành phương châm sống, phương thức hành động và thước đo bản lĩnh của lực lượng hậu cần Trường Sơn.
Trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, giữa rừng sâu, núi cao và lửa đạn, một hệ thống vận tải được xây dựng không bằng bản vẽ kỹ thuật, mà bằng ý chí sắt đá, sự linh hoạt thực địa và một nghệ thuật tổ chức mang tầm chiến lược.
![]() |
Đường Trường Sơn là nền móng cho tư duy logistics hiện đại. Ảnh: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh |
Những đoàn xe thồ không chạy trên quốc lộ, mà len lỏi qua đường mòn, qua suối sâu, qua trọng điểm bị rải thảm bom mỗi ngày. Những binh trạm dã chiến không chỉ là nơi tiếp tế, mà là những “hub logistics” tiền thân - thực hiện phân loại hàng hóa, điều phối lực lượng, tối ưu tải trọng, bảo dưỡng kỹ thuật và xử lý tình huống khẩn cấp. Hệ thống đó vận hành trong điều kiện thiếu điện, thiếu thông tin liên lạc, nhưng đạt hiệu quả vận chuyển khiến bất kỳ chuyên gia quân sự hiện đại nào cũng phải kinh ngạc.
Theo Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền, đó không phải là hậu cần đơn thuần, mà là nghệ thuật vận chuyển. Mỗi lộ trình là một phương án tối ưu trong điều kiện không tối ưu.
Thực chất, những gì được hun đúc trong cuộc chiến không chỉ là kỹ năng sinh tồn hay lòng quả cảm, mà còn là nền tảng đầu tiên của tư duy logistics hiện đại. Đó là khả năng tổ chức các tuyến vận chuyển theo hướng đa tầng, đa hướng, với mỗi lộ trình đều được tính toán linh hoạt để thích ứng với địa hình, thời tiết và nguy cơ bị tấn công. Mỗi kế hoạch không bao giờ là duy nhất, mà luôn đi kèm với những phương án dự phòng nhằm phân tán rủi ro đến mức thấp nhất.
Cùng với đó là mô hình phân quyền thực địa - nơi các binh trạm không chỉ là điểm dừng chân, mà đóng vai trò như các trung tâm điều phối có tính tự chủ cao. Việc giao quyền chủ động cho từng đơn vị không chỉ giúp nâng cao tốc độ ra quyết định, mà còn tạo điều kiện cho sự linh hoạt cần thiết trong điều kiện tác chiến phi tập trung.
Quan trọng hơn cả là khả năng thích ứng với mọi biến động, từ bom đạn, thời tiết cho đến sự thay đổi liên tục của địa bàn chiến trường. Trong hoàn cảnh ấy, mỗi cán bộ hậu cần buộc phải trở thành một nhà tổ chức chiến lược, biết biến nguy cơ thành cơ hội, biến bất lợi thành lợi thế và biến giới hạn thành động lực để sáng tạo không ngừng.
Ba yếu tố ấy, tổ chức linh hoạt, phân quyền hiệu quả và thích ứng cao độ - chính là trụ cột của bất kỳ hệ thống logistics hiện đại nào, dù trong thời chiến hay thời bình.
Những yếu tố ấy, đến nay, chính là ba trụ cột của logistics hiện đại: Tính linh hoạt, tính thích ứng, và khả năng tích hợp thời gian thực.
Điều đáng nói là, những nguyên lý ấy không biến mất khi tiếng súng ngừng vang. Chúng không nằm trong sách giáo khoa mà thấm vào thực tiễn tổ chức, trở thành “trí tuệ bản địa” được tiếp biến trong thời bình.
Khi đất nước bước vào công cuộc tái thiết sau năm 1975, nền kinh tế kế hoạch hóa yêu cầu phân phối lương thực, hàng hóa tới từng hợp tác xã, từng điểm tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa.
Trong hoàn cảnh vật chất còn vô cùng thiếu thốn, chính những cán bộ từng làm công tác hậu cần đã mang theo tư duy chiến lược, tổ chức lại mạng lưới cung ứng theo phương thức tập trung - phân tán - kết nối.
Mạng lưới “cửa hàng lương thực - trạm cấp phát - kho tổng hợp” ở các tỉnh thành thời kỳ bao cấp chính là sự chuyển hóa dân sự của hậu cần thời chiến. Đến đổi mới, hệ thống ấy tiếp tục được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, hình thành các doanh nghiệp dịch vụ phân phối, đầu mối logistics sơ khai - đặt nền móng cho hệ sinh thái logistics hiện đại ngày nay.
Thiếu tướng Hoàng Kiền khẳng định: “Những nguyên tắc cốt lõi như khả năng thích ứng cao, tổ chức phân tán linh hoạt và tối ưu hóa tuyến đường vẫn là nền tảng của bất kỳ hệ thống logistics nào, dù trong chiến tranh hay thời bình. Đó là giá trị không đổi”.
![]() |
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền. |
Giá trị ấy không chỉ giúp đất nước vượt qua chiến tranh, mà còn giúp nền kinh tế đứng vững trước khủng hoảng, từ những năm tháng bao cấp đến đại dịch COVID-19 và những biến động chuỗi cung ứng toàn cầu ngày nay.
Đó là giá trị Việt Nam, vừa là di sản, vừa là nền tảng cho tương lai.
Bức tranh logistic trong thời đại số
Hơn bốn thập kỷ sau “đổi mới”, ngành logistics Việt Nam đã đi một chặng đường dài từ vai gùi, xe đạp thồ trên dốc Khe Sanh đến những đoàn tàu liên vận quốc tế băng qua biên giới, từ binh trạm dã chiến đến những trung tâm logistics tích hợp công nghệ số.
Sự chuyển mình ấy không chỉ là bước tiến về hạ tầng, mà còn là sự trưởng thành trong tư duy tổ chức, từ kinh nghiệm hậu cần chiến tranh sang mô hình logistics thông minh trong thời bình.
Ngày nay, Việt Nam sở hữu hệ thống cảng biển có khả năng xử lý hàng trăm triệu tấn hàng mỗi năm, mạng lưới đường cao tốc Bắc - Nam dần hoàn thiện, cùng các tuyến đường sắt quốc tế nối liền Trung Quốc, Lào, châu Âu. Những trung tâm logistics quy mô tại Hải Phòng, Long An, Bình Dương không chỉ phục vụ sản xuất nội địa, mà còn kết nối Việt Nam với mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.
![]() |
TS Bùi Bá Nghiêm - Chuyên viên cao cấp thuộc Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ tại Hội thảo 'Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0'. |
Theo TS Bùi Bá Nghiêm - Chuyên viên cao cấp thuộc Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ tại Hội thảo 'Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0' diễn ra mới đây, Bộ Công Thương và ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững.
“Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng mở rộng, logistics không chỉ là một mắt xích trong chuỗi cung ứng mà còn là động lực tăng trưởng và nhân tố cốt lõi thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia. Với vai trò đầu mối điều phối và quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp từ hoàn thiện chính sách pháp luật đến đầu tư hạ tầng, góp phần định hình nền tảng cho một hệ sinh thái logistics hiện đại, hiệu quả”, TS. Bùi Bá Nghiêm nhận định.
Quả thực, tốc độ tăng trưởng ngành logistics hiện đạt 14 - 16% mỗi năm, quy mô thị trường lên đến 60 tỷ USD - con số cho thấy sức sống mạnh mẽ của một lĩnh vực từng âm thầm đứng sau sân khấu kinh tế. Dự báo đến năm 2030, logistics có thể chiếm tới 8 - 10% GDP - một bước nhảy vượt bậc so với các thập kỷ trước.
Tuy nhiên, ẩn sau những con số ấn tượng, giữa bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang biến chuyển sâu sắc theo hướng tối ưu, linh hoạt và kết nối toàn trình, ngành logistics Việt Nam vẫn phải đối mặt với những nút thắt về chi phí và tính liên kết.
Theo bà Trương Thị Mùi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang, chi phí logistics của Việt Nam hiện vẫn dao động quanh mức 18% GDP - con số cao so với nhiều nước trong khu vực.
“Chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển hạ tầng logistics một cách bài bản, hiện đại hơn, nếu muốn giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng giá trị cho chuỗi cung ứng quốc gia”, bà Mùi nhấn mạnh.
![]() |
Bà Trương Thị Mùi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang. |
Tư duy ấy - tư duy logistics thông minh, tự chủ và có khả năng thích ứng cao đang trở thành năng lực cốt lõi trong bối cảnh thị trường toàn cầu đầy biến động. Nó là di sản chiến tranh được “số hóa”, là bản lĩnh Trường Sơn trong thời đại công nghệ.
Nếu muốn bứt phá, Việt Nam không thể chỉ trông vào mở rộng hạ tầng, mà phải kiến tạo một hệ sinh thái logistics bền vững, nơi mà công nghệ, chính sách và con người cùng vận hành như một mạng lưới thống nhất.
Khi đó, hành trình từ “vai gùi” đến “AI logistics” sẽ không chỉ là niềm tự hào, mà còn là lợi thế chiến lược để Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu với tư thế chủ động, bản lĩnh và sáng tạo.
Không chỉ là vận tải
Đại lộ hội nhập mà Việt Nam đang bước đi ngày hôm nay không đơn thuần là việc nâng cấp cảng biển, mở rộng cửa khẩu hay ký kết thêm các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ẩn sau các dự án hạ tầng là một quá trình chuyển hóa sâu sắc trong nền tảng tổ chức kinh tế - một cuộc tái cấu trúc toàn diện theo hướng tinh gọn, số hóa và kết nối xuyên biên giới. Trong đó, logistics chính là hệ tuần hoàn, giữ vai trò huyết mạch cho mọi dòng chảy thương mại, đầu tư, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Điểm sáng trong hành trình này là sự hình thành của các trung tâm logistics xuyên biên giới trên các hành lang kinh tế chiến lược: Từ Hà Nội - Nam Ninh - Trùng Khánh, Hà Nội - Viêng Chăn - Bangkok đến TP. Hồ Chí Minh - Phnom Penh - Yangon. Những hành lang không chỉ chuyên chở hàng hóa, mà còn kết nối chuỗi giá trị, chia sẻ công nghệ, chuyển giao mô hình phát triển bền vững giữa các quốc gia ASEAN - Trung Quốc.
Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045 không dừng lại ở khát vọng nội địa hóa chuỗi cung ứng, mà đặt mục tiêu đưa logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực, gắn chặt với chuyển đổi số và tăng trưởng xanh. Tầm nhìn này thể hiện sự nhất quán trong định hướng quốc gia: Logistics không còn là phần phụ, mà là nền tảng vận hành nền kinh tế số và kinh tế xanh trong tương lai.
![]() |
Cảng xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. Ảnh: Báo Giao thông |
Để hiện thực hóa mục tiêu đưa logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, Việt Nam cần xây dựng một nền tảng vững chắc dựa trên ba trụ cột chiến lược. Trước hết, việc hoàn thiện thể chế theo hướng minh bạch, thống nhất và xuyên suốt giữa các cấp, các ngành và các địa phương là yêu cầu tiên quyết.
Chỉ khi tháo gỡ được các nút thắt thủ tục và tạo dựng được một hành lang pháp lý thông thoáng, Việt Nam mới có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu quả liên kết vùng trong phát triển logistics.
Song song với đó, đầu tư đồng bộ vào hệ thống hạ tầng logistics là điều không thể thiếu. Đây không chỉ là câu chuyện về xây thêm cảng biển, nâng cấp đường bộ hay mở rộng kho bãi, mà còn là bài toán phát triển nền tảng dữ liệu quốc gia và xây dựng mạng lưới công nghệ số có khả năng kết nối thời gian thực giữa các khâu trong chuỗi cung ứng. Sự tích hợp giữa hạ tầng vật lý và hạ tầng số sẽ là yếu tố then chốt tạo nên sức bật cho ngành.
Yếu tố con người là điểm mấu chốt. Việt Nam cần chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực logistics chất lượng cao - những người không chỉ am hiểu chuyên môn mà còn có khả năng sử dụng công nghệ, quản trị dòng chảy hàng hóa và dữ liệu trong môi trường xuyên quốc gia.
Nếu không chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi nguy cơ bị "đứt mạch" khi bước vào hệ sinh thái logistics toàn cầu đang vận hành với tốc độ và độ phức tạp ngày càng cao.
Nhưng Nhà nước không thể hành động một mình. Cộng đồng doanh nghiệp cần trở thành chủ thể trung tâm của cuộc chuyển đổi, dám thay đổi mô hình kinh doanh, chủ động đầu tư công nghệ, và vươn ra thị trường khu vực với tâm thế đối tác chiến lược, không phải chỉ là nhà thầu vận tải.
TS. Bùi Bá Nghiêm cho biết: “Ở cấp độ doanh nghiệp, thị trường logistics hiện nay đang chứng kiến sự tham gia của hơn 5.000 công ty, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Dù chiếm đa số, các doanh nghiệp nội địa chỉ nắm giữ khoảng 30% thị phần, phần lớn còn hạn chế về vốn, công nghệ và năng lực quản trị chuỗi”.
Hiện nay, Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang đang tích cực triển khai các giải pháp công nghệ cao nhằm tối ưu hóa hoạt động quản lý và vận hành kho bãi. Trước hết, trung tâm đã đưa vào sử dụng hệ thống quản lý kho hiện đại (WMS) kết hợp cùng công nghệ Internet vạn vật (IoT), cho phép theo dõi tồn kho theo thời gian thực với độ chính xác cao. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể kiểm soát dòng hàng hóa một cách hiệu quả, giảm thiểu rủi ro thiếu hụt hoặc tồn đọng hàng.
“Trong vai trò là một trung tâm logistics cấp vùng, Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang đã và đang từng bước đóng vai trò “mắt xích chiến lược” giữa vận tải, kho bãi và dịch vụ logistics thông minh, hướng tới hệ sinh thái kết nối toàn trình, tối ưu chi phí, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu suất”, bà Trương Thị Mùi - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang cho biết.
Trong bối cảnh thế giới bước vào thời kỳ hậu đại dịch, khi chuỗi cung ứng toàn cầu được tái định hình bởi trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán biên (Edge Computing), logistics không còn là phép cộng giản đơn giữa vận tải và kho bãi.
Đó là bài toán năng lực tổ chức, là khả năng nắm bắt dữ liệu theo thời gian thực, ra quyết định tức thì và giữ cho dòng chảy thương mại không gián đoạn trong mọi tình huống.
Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) trong việc dự báo nhu cầu tiêu dùng, lập kế hoạch phân bổ vận chuyển hợp lý. Qua đó, góp phần rút ngắn thời gian lưu kho, đẩy nhanh vòng quay container, giảm thiểu chi phí vận hành và tăng cường khả năng đáp ứng trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh.
![]() |
Dự án hạ tầng, kho bãi Trung tâm Logistics quốc tế TP Bắc Giang nhìn từ trên cao. Ảnh: Trung tâm Xúc tiến và Phát triển doanh nghiệp Bắc Giang |
“Không chỉ dừng ở công nghệ, đơn vị còn hướng đến logistics xanh với nhiều sáng kiến giảm phát thải CO2: tối ưu hóa tuyến đường, giảm phương tiện chạy rỗng thông qua nền tảng số hóa, đầu tư xe điện và nhà kho tiêu chuẩn LEED (Mỹ). Với tầm nhìn phát triển hệ thống logistics hiện đại, Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang đặt ra những mục tiêu cụ thể, mang tính khả thi và thiết thực trong giai đoạn tới”, bà Trương Thị Mùi cho biết.
Từ những ngày tháng Trường Sơn đầy khói lửa - nơi người lính hậu cần phải “tự xử lý mọi tình huống” giữa rừng núi bom đạn, đến hôm nay, khi Việt Nam sở hữu cụm cảng container hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, là một hành trình xuyên suốt.
Không chỉ là sự trưởng thành của một ngành, mà là biểu hiện cụ thể của năng lực quốc gia: biết kế thừa quá khứ, chuyển hóa thách thức thành cơ hội và chủ động kiến tạo tương lai.
Hành trình phía trước sẽ không có điểm dừng. Bởi hội nhập không phải đích đến, mà là tiến trình liên tục tái tạo năng lực cạnh tranh của quốc gia trong một thế giới đầy biến động. Và trong tiến trình ấy, logistics không chỉ là phương tiện vận tải, mà là bản lĩnh hội nhập.
Trong giai đoạn 2001 - 2020, Việt Nam triển khai hai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện. Nhờ tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức, kinh tế - xã hội Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng. Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo giúp giảm tỷ lệ nghèo từ 28,9% (2002) xuống 6,7% (2018). Mới nhất, trong quý I năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,8%, phản ánh sức mua nội địa tiếp tục được cải thiện. |