Sở Công Thương Hà Nội: Sản xuất mây, tre đan theo hướng bền vững
Để giúp các cơ sở thủ công mỹ nghệ sản xuất bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thông qua nguồn kinh phí khuyến công, Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại theo hướng thân thiện môi trường, giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất.
Nhờ đổi mới công nghệ, sản phẩm Phú Tuấn đạt chất lượng cao, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước |
Là một trong những doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững của Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Phú Tuấn không ngừng đổi mới sản phẩm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước những sản phẩm thân thiện môi trường có nguồn gốc từ mây, tre, trúc… Nhằm giúp doanh nghiệp sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, năm 2021, Sở Công Thương Hà Nội thông qua nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ cho doanh nghiệp một phần kinh phí để doanh nghiệp đầu tư hệ thống máy sấy trong sản xuất hàng mây, tre đan.
Ông Nguyễn Văn May - Giám đốc Công ty Phú Tuấn - cho biết: Đặc thù các sản phẩm của công ty là nội thất gia dụng, trang trí phù hợp cho khách sạn, các khu, điểm du lịch…, đòi hỏi mẫu mã, tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao… Do vậy, đổi mới công nghệ, sử dụng các sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường là một trong những yêu cầu bức thiết của doanh nghiệp. Theo đó, Công ty Phú Tuấn đã đầu tư hệ thống máy sấy cho các sản phẩm mây, tre đan với tổng kinh phí lên đến 650 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công của Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp 300 triệu đồng.
Thủ công mỹ nghệ là một trong những ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang thị trường châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý mốc, ẩm của sản phẩm bởi khí hậu gió mùa, độ ẩm trong không khí cao là nguyên nhân khiến cho sản phẩm thủ công nghệ thường xuyên bị nấm, mốc. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Do vậy, việc đầu tư hệ thống máy sấy sẽ giúp sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững. Đặc biệt, hệ thống máy sấy của công ty đầu tư không dùng nguyên liệu chất đốt, nguyên liệu hóa thạch; không khói bụi ô nhiễm; không gây ồn; không làm cong vênh, nứt sản phẩm mây tre đan; không lo sợ cháy nổ. Hệ thống được điều khiển tự động thông minh bằng thiết bị cảm biến; lượng nhiệt và diện tích buồng sấy được tối ưu tối thiểu nhằm giảm không gian và nhiệt lượng thừa gây lãng phí năng lượng cũng như lãng phí tiền.
Với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thanh Hoa (Thường Tín, Hà Nội) đã đầu tư hệ thống máy ép in chuyển nhiệt tổng giá trị đầu tư 660 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa - chủ hộ kinh doanh - cho biết, với số tiền 300 triệu từ nguồn kinh phí khuyến công, gia đình tôi đã quyết tâm đầu tư hệ thống máy ép, in chuyển nhiệt trên vải. Nhờ đó, sản phẩm của gia đình làm ra đã đáp ứng được yêu cầu thị hiếu của khách hàng, thị trường được mở rộng. Sản phẩm đồng đều, chất lượng tốt, ít bị lỗi do sản xuất hoàn toàn tự động. Bên cạnh đó, còn giúp giảm thiểu tiếng ồn khi vận hành…
Việc đầu tư đổi mới công nghệ đã giúp các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh; tiết giảm chi phí nguyên, nhiên vật liệu sản xuất; giảm sản phẩm lỗi hỏng, từng bước hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững. |