Thứ năm 21/11/2024 23:45

Sắc màu đa dạng, độc đáo từ văn hoá truyền thống tỉnh Gia Lai

Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ 2 mục đích bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nếu bạn đến Pleiku vào những ngày giữa tháng 4 năm 2023, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng rực rỡ, sôi động của Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ 2. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Ngày hội có sự góp mặt của hơn 700 nghệ nhân đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Mỗi đơn vị được bố trí một khu vực riêng để tái hiện không gian sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc thông qua hoạt động phục dựng các nghi lễ truyền thống (Mừng lúa mới, cúng cầu mưa, bỏ mả, mừng nhà rông mới…); trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; giao lưu với khách tham quan.

Các nghệ nhân Bahnar tái hiện lại nghi lễ mừng nhà rông mới.

Ông Ngô Đức Mạo – Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, cho biết: Huyện tham gia ngày hội năm nay với 26 nghệ nhân, các nghệ nhân sẽ cùng nhau trình diễn các tiết mục cồng chiêng; tái hiện lại nguyên mẫu nghi lễ cúng mừng lúa mới của người Jrai, qua đó giúp cho du khách hiểu rõ hơn đời sống cộng đồng của người địa phương. Ở không gian văn hoá này, các nghệ nhân và du khách cũng có dịp được giao lưu gần gũi với nhau. Bên cạnh các tiết mục trình diễn, đơn vị còn đem đến với ngày hội nhiều sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương như: đồ thổ cẩm người Jrai, gạo, thịt bò một nắng, muối kiến vàng… để giới thiệu đến du khách gần xa.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS Bahnar, Jrai thu hút người dân và du khách tham quan và trải nghiệm.

Một trong những điểm nhấn của ngày hội là phần trình diễn cồng chiêng của các đoàn nghệ nhân. Các nghệ nhân đã thể hiện sự khéo léo, uyển chuyển và đam mê trong việc gõ cồng, vang chiêng. Tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên trong không khí rộn ràng, mang đến cho người xem cảm giác sôi động, phấn khởi và gần gũi trong không gian đầy màu sắc huyền bí của núi rừng Tây Nguyên.

Ông Phạm Văn Duy (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: Khi nghe thông tin có ngày hội diễn ra, tôi ấn tượng với sắc màu đa dạng, độc đáo của ngày hội. Ngày hội đã giúp biết thêm về lịch sử, văn hóa mà còn mang đến cái nhìn toàn diện và sâu sắc về bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số trên mảnh đất Gia Lai.Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn khi có cơ hội trải nghiệm ngày hội này.

Nét đẹp của những cô gái người Bahnar và Jrai.

Tham gia ngày hội văn hoá các dân tộc tỉnh Gia Lai, người dân và du khách còn được chiêm ngưỡng và thưởng thức các sản phẩm văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số như: tượng nhà mồ Gia Lai, thổ cẩm Bahnar, Jrai; đan lát; đặc sản, ẩm thực địa phương; trò chơi dân gian (kéo co, nhảy bao bố)… Các hoạt động này không chỉ giúp du khách hiểu biết và yêu quý hơn về nền văn hóa Tây Nguyên mà còn tạo điều kiện cho các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm.

Đến từ làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang), anh Đỗ Mạnh Cường cho biết: Anh cùng bà con trong tổ đan lát của địa phương mang đến ngày hội văn hoá dân tộc nhiều sản phẩm đan lát truyền thống và các sản phẩm đan lát mang hơi hướng đương đại như: trâm cài tóc, túi xách, hộp đựng trang sức…với mong muốn giới thiệu đến công chúng, cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm giúp bà con tại địa phương có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Trang phục và hình tượng hoá trang độc đáo mang đậm dấu ấn văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Tại ngày hội, giữa sắc màu văn hóa Tây Nguyên làm chủ đạo, lần đầu tiên những tinh hoa văn hóa của dân tộc Tây Bắc hòa quyện cùng văn hóa bản địa. Hình ảnh các cô gái dân tộc Tày cùng hoà chung điệu xoang Bahnar, Jrai thêm gắn kết tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Chị Ngân Thị Thanh (dân tộc Tày, trú tại xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) vui mừng: Ngày hội này rất ý nghĩa, giữa nền văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên. Chúng tôi đại diện cho nền văn hóa phía Bắc trình diễn cảm thấy rất tự hào. Không chỉ được học hỏi, giao lưu với nền văn hóa của người Bahnar, Jrai, qua ngày hội còn tìm thấy được nhiều đồng bào của dân tộc mình, từ đó gắn kết và phát triển thêm thành viên cùng lưu giữ văn hóa.

Nghi lễ cúng mừng lúa mới của người đồng bào DTTS Jrai do Đoàn nghệ nhân huyện Krông Pa tái hiện lại một cách chân thực và nguyên bản.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng phòng Quản lý văn hoá, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, thành viên Ban tổ chức ngày hội, cho biết: Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ 2 là một trong những hoạt động quan trọng của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch trong năm. Mục tiêu của ngày hội là bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và du lịch bền vững; tạo điều kiện cho các nghệ nhân giao lưu, học tập và phát triển kỹ năng; thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và khám phá Gia Lai. Ngày hội đã thu được nhiều kết quả tích cực về mặt văn hóa, du lịch và kinh tế. Chúng tôi mong muốn ngày hội sẽ trở thành một thương hiệu văn hóa đặc trưng của Gia Lai và Tây Nguyên.

Bà con làng Đê Kjiêng, xã Ayun (huyện Mang Yang) bên các sản phẩm đan lát truyền thống và đương đại của mình

Theo Ban tổ chức đánh giá, ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ II - năm 2023 không chỉ là một sự kiện văn hóa đặc biệt mà còn là một minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó của các dân tộc anh em trên mảnh đất Gia Lai. Đồng thời, góp phần giáo dục lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu văn hoá cho thế hệ trẻ. Đây cũng là cơ hội để quảng bá và giới thiệu cho bạn bè trong và ngoài nước về những nét đẹp văn hóa đa dạng, độc đáo và sâu sắc của tỉnh Gia Lai.

Phúc Lâm
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Gia Lai

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng công tác kiện toàn nhân sự Chương trình 1719

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống