PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đề cương về văn hoá Việt Nam tạo ra sức mạnh tổng hợp cho quốc gia
Năm 1943, Đảng ta đưa ra bản Đề cương văn hoá Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên - nay thuộc Hà Nội) vào tháng 2/1943.
Đề cương văn hoá Việt Nam là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hoá, văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hoá dưới ách Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hoá cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hoá dân tộc, nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về văn kiện này.
Tròn 80 năm ra đời, đến nay các giá trị và sức sống của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn vẹn nguyên, ông có chia sẻ gì về nhận định này?
Chúng ta đã trải qua 80 năm kể từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời. Nhìn lại chặng đường lịch sử ấy, chúng ta nhận thấy rằng, những tư tưởng sâu sắc, mang tính dẫn đường về xây dựng một nền văn hóa cách mạng với những nguyên tắc như dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã thực sự “soi đường cho quốc dân đi”, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho quốc gia, để dẫn dắt đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Rõ ràng, trong mỗi một thời kỳ lịch sử của cách mạng Việt Nam, ba nguyên tắc quan trọng này đã có những nội hàm cụ thể để thể hiện được tính thời đại, định hướng cho sự phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu của bối cảnh xã hội lúc đó.
Nếu như văn hóa kháng chiến là sự kết tinh của tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm giải phóng dân tộc, diệt giặc ngoại xâm, diệt giặc đói, giặc dốt, thì trong thời bình, hội nhập quốc tế, đó lại là khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, văn hóa làm nên sức mạnh mềm, bản lĩnh và sự tự tin Việt Nam.
Kết tinh thành các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, dẫn dắt sự phát triển của mỗi con người và toàn dân tộc, lan tỏa niềm tin và sự tự hào Việt Nam, đó là những gì được bắt đầu từ cương lĩnh đầu tiên của Đảng: Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |
Thưa ông, Đề cương văn hóa về Việt Nam được ví như tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về văn hóa, và luôn đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế. 80 năm qua, quá trình vận động và phát triển nội dung về văn hóa theo ông đã được thể hiện rõ nét như thế nào?
Chúng ta cần đặt bản Đề cương về văn hoá Việt Nam trong bối cảnh lịch sử để hiểu hết được tầm quan trọng và ý nghĩa của nó. Như vậy, trước khi chúng ta tiến hành khởi nghĩa, giành độc lập cho dân tộc, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời trở thành một bản cương lĩnh về văn hóa, bổ sung cho cương lĩnh chính trị của Đảng.
Lần đầu tiên, Đảng ta công bố quan niệm của mình về văn hóa theo quan điểm Mác xít, văn hóa được xác định là một trong ba mặt trận (cùng với mặt trận chính trị và kinh tế) trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tạo nên thay đổi mang tính cách mạng trong nhận thức về văn hóa trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Ý nghĩa này đã đi cùng với bản Đề cương theo suốt chiều dài lịch sử đất nước đến tận hôm nay.
Trong cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc, văn hóa là một lực lượng quan trọng để hình thành nên sức mạnh tinh thần cho đất nước, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, san bằng mọi cách biệt về kinh tế, quân sự. Từ việc tạo nên tinh thần yêu nước, xác định “văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”, dẫn đến “tiếng hát át tiếng bom”, đến xác định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” để hình thành quyết tâm diệt giặc dốt, đã hình thành nên một nền văn hóa cách mạng đáng tự hào, trở thành tấm gương tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giành độc lập cho toàn thế giới.
Trong bối cảnh đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, những quan điểm, nguyên tắc xây dựng văn hóa của Đề cương đã mang nội hàm và sức sống mới. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là sự kế thừa gần gũi nhất của Đề cương, khi mà tiên tiến thể hiện nguyên tắc khoa học, đậm đà bản sắc dân tộc bổ sung giá trị cho nguyên tắc dân tộc trong Đề cương.
Đồng thời, bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong vǎn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ.
Cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản vǎn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa vǎn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng vǎn hóa để thực hiện "diễn biến hòa bình".
Thêm vào đó, giờ đây văn hóa có vị trí rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một chủ trương mang tính đột phá để văn hóa lan toản sức mạnh của mình sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh tế.
Quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành trung ương Khóa XI) một lần nữa khẳng định tinh thần của bản Đề cương “văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa)”, để sức sống mới của văn hóa tạo nên mục tiêu và động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.
Từ đường lối, định hướng của Đề cương văn hóa về Việt Nam, chúng ta cần làm gì để nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa? Đồng thời để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hội nhập phù hợp với những giá trị chuẩn mực?
Để Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 có sức sống mới trong bối cảnh ngày hôm nay, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của Đề cương nói riêng, sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, nhất thiết chúng ta cần cập nhập những nội dung mới, phù hợp với bối cảnh xã hội đương đại.
Trên thực tế, kể từ sau năm 1943, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận nhằm phát triển văn hóa, đáng lưu ý nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII), Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương Khóa XI), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Các văn kiện này đã cụ thể hóa 3 nguyên tắc phát triển văn hóa Việt Nam của Đề cương.
Qua các lần bổ sung ấy, những nội dung mới như nguyên tắc dân tộc hóa đã được bổ sung những giá trị của thế giới để trở thành nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đó là: Cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản vǎn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa vǎn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng vǎn hóa để thực hiện "diễn biến hòa bình.
Đối với nguyên tắc khoa học hoá, chúng ta cần hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập trở thành nhiệm vụ xuyên suốt qua các Nghị quyết của Đảng về văn hóa.
Bên cạnh đó, quan điểm xây dựng và phát triển vǎn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng là sự bổ sung cho nguyên tắc đại chúng hoá trong phát triển văn hóa của Đảng, trong đó nhấn mạnh: “Mọi người Việt Nam phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh đều tham gia sự nghiệp xây dựng và phát triển nền vǎn hóa nước nhà. Công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân, cũng là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển vǎn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển vǎn hóa”.
Vì văn hóa liên quan đến toàn bộ xã hội, nên những nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa cần phải được thẩm thấu vào trong toàn bộ hệ thống luật pháp, trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước và từng địa phương. Điều đó giúp lan tỏa sức sống lâu bền của Đề cương văn hoá Việt Nam 1943 với sự phát triển đất nước trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Trân trọng cảm ơn ông!