'Anh trai vượt ngàn chông gai' và 'Anh trai say hi' trở thành tâm điểm tìm kiếm Từ ‘cơn sốt’ vé ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’: Âm nhạc chất lượng sẽ thắng trên ‘sân nhà’ |
Hai concert “phá băng” ngành công nghiệp văn hoá
Năm 2024, hai concert “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” là hiện tượng tiêu biểu của thị trường âm nhạc, là một bất ngờ lớn nhất với những người đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp biểu diễn và âm nhạc. Đến mức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc đến việc cần nhân rộng mô hình này tại Hội nghị tổng kết năm 2024 của ngành văn hoá, thể thao và du lịch vừa diễn ra ngày 18/12.
Chương trình "Anh trai say hi" trở thành hiện tượng giải trí năm 2024. Ảnh: Nhà sản xuất |
Nói về thành công của hai concert “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, nhạc sĩ Huy Tuấn từng cho rằng những nhà sản xuất hai chương trình tỏ ra rất nhanh nhạy, du nhập những công nghệ, sản phẩm tiên tiến và uy tín hàng đầu trên thế giới về âm thanh, màn hình, ánh sáng. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cũng đánh giá, “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” gây sốt nhờ chất lượng âm nhạc ngày càng được nâng cao.
Đặc biệt, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, các nghệ sĩ Việt Nam đã đầu tư nghiêm túc vào sản phẩm của mình, từ việc sáng tác, sản xuất đến biểu diễn. Những ca khúc chạm tới cảm xúc của khán giả, kết hợp với phong cách biểu diễn chuyên nghiệp và sáng tạo, chính là yếu tố thu hút đông đảo người hâm mộ. “Tôi cũng nghĩ rằng sự đổi mới trong việc tổ chức concert đã góp phần quan trọng vào thành công này. Những chương trình được đầu tư công phu từ khâu sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến cách xây dựng kịch bản biểu diễn đã tạo ra những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ cho khán giả” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá.
Có thể nói, conrert “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã “phá băng” ngành công nghiệp biểu diễn Việt Nam, đặc biệt ghi một dấu ấn quan trọng khi văn hoá, ngành công nghiệp văn hoá đã được nhìn nhận như một động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, năm 2024 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Từ chỗ được xem như lĩnh vực phi lợi nhuận, văn hóa giờ đây được nhìn nhận như một động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế. Những ngành như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, và du lịch văn hóa không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống mà còn tạo ra giá trị kinh tế lớn.
Có được sự thay đổi này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay là từ các chính sách như: Nghị quyết 33 về phát triển văn hóa, con người Việt Nam và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hoá đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định công nghiệp văn hóa là trụ cột kinh tế quốc gia, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sáng tạo, và xây dựng cơ chế pháp lý thuận lợi. Các lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, và thiết kế đã được ưu tiên đầu tư, mở rộng thị trường quốc tế, góp phần tạo việc làm và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh, công nghiệp văn hóa từ sau Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào tháng 12/2023 đã có những dấu ấn đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn. Trong lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn đã có nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc sắc, như Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Liên hoan quốc tế nhạc Jazz lần thứ I - Nha Trang 2024. “Các đêm diễn “cháy vé” của chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai", "Anh trai say hi" là những minh chứng sống động trong việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”- ông Hùng nhấn mạnh.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá trong kỷ nguyên mới
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau quãng thời gian triển khai thực hiện chiến lược, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành động. Đảng, Nhà nước tiếp tục nhìn nhận, đánh giá cao vai trò của các ngành công nghiệp văn hoá trong phát triển kinh tế - xã hội; nhận thức của xã hội về công nghiệp văn hoá cũng được nâng lên.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, yêu cầu về xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đòi hỏi phải ở tầm cao hơn; khẳng định được vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam; thúc đẩy sự phát triển những ngành này với quy mô và tầm cao hơn. Chiến lược mới phải có sự kế thừa những kết quả đạt được của chiến lược cũ và thể hiện tầm nhìn sâu rộng hơn nữa; đáp ứng thực tế phát triển phong phú.
Tại Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 20/12, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nêu rõ, để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phải có sự đồng bộ về chủ trương, thể chế, nguồn lực và tranh thủ thời cơ. Đồng thời, cần phải xác định được một số lĩnh vực trọng điểm để có những chủ trương, chính sách, nguồn lực cụ thể để phát triển theo trọng tâm, thế mạnh; đảm bảo tính liên kết.
“Concert "Anh trai say hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã thu hút hàng trăm nghìn khán giả tham dự cho thấy nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển thông qua các sản phẩm cụ thể, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá và kinh tế, xã hội”- ông Phong lấy ví dụ.
Nêu ý kiến nhằm đạt được các mục tiêu trong thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trần Hoàng cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, phát triển các nền tảng truyền thông số về các ngành công nghiệp văn hoá. Đặc biệt, một trong những vấn đề cần đặc biệt chú trọng là tăng cường bảo hộ nội dung sáng tạo đối với các sản phẩm công nghiệp văn hoá khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với chủ sở hữu quyền.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, các chương trình văn hóa lớn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của du lịch và thương mại, trở thành một trong những động lực chính để kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững. Do vậy, theo ông Sơn, để các chương trình văn hóa phát huy tối đa vai trò trong việc thúc đẩy du lịch và thương mại, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành văn hóa, du lịch và kinh tế. Những chiến lược quảng bá hiệu quả, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cùng sự hỗ trợ từ chính sách sẽ tạo nền tảng vững chắc để các sự kiện văn hóa lớn trở thành đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.