Nội dung được ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – nhấn mạnh tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực khu vực phía Bắc năm 2023.
Ông Huy cho biết: Ngành công nghiệp Quảng Ninh giai đoạn tới được định hướng phát triển công nghiệp xanh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế.
Phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường. Tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than mà đầu tư nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại theo hướng bảo vệ môi trường.
Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch.
Trong khi đó, ngành thương mại sẽ được phát triển hiện đại với hệ thống hạ tầng thương mại đa dạng, tập trung thu hút đầu tư trung tâm thương mại đa năng, phức hợp, tổng hợp mang tầm khu vực Đông Nam Á, các đại siêu thị đáp ứng nhu cầu mua sắm kết hợp vui chơi, giải trí.
Quảng Ninh cũng phấn đấu trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN.
“Tỉnh Quảng Ninh xác định ngành Công Thương trong giai đoạn tới vẫn giữ vai trò chủ lực, động lực phát triển kinh tế toàn tỉnh”, ông Cao Tường Huy khẳng định.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định những kết quả ấn tượng về kinh tế, xã hội thời gian qua tại Quảng Ninh có sự đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương |
Nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại (địa phương duy nhất trong cả nước có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc).
Đây cũng là trung tâm năng lượng của cả nước với trữ lượng than 3,6 tỷ tấn (mỗi năm cho khai thác trên 45 triệu tấn), 7 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 5640 MW chiếm 16% tổng sản lượng điện cả nước, là nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên và cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống cách mạng “kỷ luật và đồng tâm”.
Quảng Ninh cũng là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng; nơi hội tụ bản sắc văn hoá con người Quảng Ninh với ý chí tự lực, tự cường được chuyển hoá thành ý chí, quyết tâm, khát vọng mãnh liệt về phát triển.
Trên cơ sở các lợi thế này, tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển "Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực" với mục tiêu tối ưu hóa tiềm năng và lợi thế so sánh của từng địa phương trong khu vực. Mô hình này tập trung vào kiến tạo các hành lang giao thông kết hợp với hành lang kinh tế và đô thị, nhằm đẩy mạnh sự liên kết nội vùng và liên kết với các vùng khác, cùng phát triển bền vững.
Qua đó tận dụng và phát huy tối đa ba vùng động lực, bao gồm tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng đồng bằng sông Hồng. Mô hình này được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của chuỗi các khu kinh tế cửa khẩu như Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu; khu kinh tế ven biển như Quảng Yên, Vân Đồn; cùng với 15 khu công nghiệp hiện hữu và 8 khu công nghiệp dự kiến trong tương lai; và 9 Cụm Công nghiệp đã hoạt động cùng 36 cụm công nghiệp được quy hoạch trong giai đoạn 2021-2023.
Theo ông Cao Tường Huy, phát huy hiệu quả các tiềm năng lợi thế, tỉnh Quảng Ninh trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022) duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số (trong đó có 3 năm 2020, 2021 2022 bị ảnh hướng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19) lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững dự kiến năm 2023: Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 49,1%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 44,3%; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 6,6% trong cơ cấu kinh tế.
Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt 270.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng ở khu vực phía Bắc); môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được nâng, Quảng Ninh vịnh dự đón nhận những thành tựu nổi bật khi lần thứ 2 (2020 và 2022) chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước cả 4 chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS).
Trong đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ ngôi vị Quán quân; chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) 5 năm dẫn đầu; Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) 4 năm (2019-2022) dẫn đầu bảng xếp hạng và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2 lần dẫn đầu vị trí xếp hạng.
Đóng góp quan trọng của ngành Công Thương
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết những thành tích ấn tượng và thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số, phát triển cơ cấu kinh tế, và nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh đều có đóng góp quan trọng từ ngành Công Thương.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 9,46%, cao hơn 0,24 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, đứng thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 4 cả nước.
Trong đó, ngành Công Thương đã đóng góp trên 5,35 điểm % GRDP. Thu ngân sách ngành Công Thương đạt 14.546 tỷ đồng/ 28.836 tỷ đồng, bằng 51% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Chỉ số Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng 6,42% so với CK, chiếm tỷ trọng 50,2% trong GRDP.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 73.865 tỷ đồng tăng 16,64%, cao hơn 0,17 điểm % so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 1,439 tỷ USD tăng 12,7% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 41.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1.300 triệu USD, giải quyết việc làm cho 15.686 lao động.
Lãnh đạo Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ninh tham dự Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực khu vực phía Bắc năm 2023 |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV đặt mục tiêu đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu kể trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng, sự quan tâm của Bộ Công Thương với sự phát triển công nghiệp và thương mại của tỉnh là rất cần thiết. Sự hỗ trợ và đồng hành từ Bộ Công Thương sẽ giúp Quảng Ninh đạt được những mục tiêu quan trọng trong quá trình đổi mới và phát triển, từ đó đưa tỉnh ngày càng gần hơn với mục tiêu trở thành địa phương phát triển mạnh mẽ, tiến bộ và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của cả nước.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng mong muốn được tăng cường sự hợp tác và ngày càng có hiệu quả với các tỉnh, thành bạn để cùng phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.
“Hy vọng sự hợp tác hiệu quả của chúng ta là động lực để ngành Công Thương ngày càng phát triển, đóng góp hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của từng tỉnh, thành phố trong khu vực”, ông Cao Tường Huy bày tỏ.