Tham dự hội nghị có ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), ông Dương Quốc Trịnh - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, cùng các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh và các đại biểu đến từ 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố là sự kiện thường niên được Bộ Công Thương tổ chức thường niên hàng năm ở 3 khu vực: Phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và phía Nam. Sự kiện là diễn đàn để các địa phương phản ánh những khó khăn vướng mắc, những bất cập về chính sách trong quá trình triển khai công tác khuyến công. Từ đó, bàn thảo và đề xuất các kiến nghị để các đơn vị có thẩm quyền giải quyết.
Các đại biểu dự Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVII, năm 2023. |
Chương trình năm nay được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức tại Quảng Ninh, từ ngày 27/7 - 1/8/2023. Đây là các hoạt động thường niên, nhằm đánh giá kết quả hoạt động của ngành Công Thương, công tác khuyến công của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc thời gian vừa qua và thảo luận giải pháp triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và tạo điều kiện liên kết thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, công nghiệp.
Đây cũng là những hoạt động thiết thực nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, thành tựu và tiềm năng của tỉnh Quảng Ninh về thương mại - đầu tư và du lịch; tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, hợp tác xã và làng nghề trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn, tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, thị trường; tạo môi trường thuận lợi để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các sáng kiến ứng dụng trong sản xuất.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) - cho biết, năm 2023, Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVII được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh - mảnh đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, giàu truyền thống cách mạng và có vị trí địa chính trị đắc địa. Những năm qua là địa phương trong nhóm đứng đầu cả nước ở cả 4 bộ chỉ số: PCI, PAR Index, PAPI và SIPAS, thể hiện những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của tỉnh trong việc xây dựng thương hiệu “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đang hướng tới sự phát triển đa ngành, đa lĩnh vực trong cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ và đã đạt được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội với tư duy luôn đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn xa. Nhiều cái “nhất” đã được ghi nhận tạo nên dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh như: Hiện là địa phương sở hữu hạ tầng giao thông đa loại hình tốt nhất miền Bắc; có số km cao tốc lớn nhất nước, là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước; có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
"Trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dựa trên nỗ lực khai thác thế mạnh, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, huy động mọi nguồn lực để bứt phá mạnh mẽ", ông Trung nhấn mạnh.
Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) |
Để tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung hoạt động khuyến công, góp phần tạo động lực cho phát triển công nghiệp nông thôn trong tình hình mới, ông Trung đề nghị các đại biểu tích cực đóng góp ý kiến, tập trung thảo luận, trao đổi vào bốn số nội dung cơ bản. Thứ nhất, đánh giá khách quan các kết quả đạt được về công tác khuyến công trong năm 2022 và 6 tháng năm 2023 của khu vực phía Bắc; đánh giá những hạn chế tồn tại trong quá trình thực hiện; xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan; trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan để từ đó xác định các giải pháp khắc phục.
Thứ hai, xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trước mắt, bám sát diễn biến tình hình của cơ sở công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả các đề án khuyến công và hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Thứ ba, trao đổi những kinh nghiệm, bài học có giá trị phổ biến từ thực tiễn tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.
Thứ tư, thảo luận, đề xuất Bộ Công Thương những giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.
Đặc biệt, đề xuất những vấn đề chung, quan điểm về đổi mới cơ chế chính sách để chuẩn bị cho việc xây dựng Nghị định mới quy định về hoạt động khuyến công hiện đã được Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương tại Nghị quyết số 26/2013/NQ-CP ngày 27/02/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCHTW Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, những năm vừa qua, trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương ngành Công Thương tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng việc khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp – công nghiệp nông thôn.
Trong đó, tập trung áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, lao động ở các địa phương. Thông qua triển khai hiệu quả chính sách khuyến công, cơ sở công nghiệp nông thôn đã có hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương một cách bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa CNNT, xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, trong số 334 sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh có 33 sản phầm, bộ sản phẩm đạt sản phảm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, được ưu tiên hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, nâng chất lượng của sản phẩm, bao bì, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh.
Năm 2022, Sở Công Thương Quảng Ninh được Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt thực hiện 20 đề án, nhiệm vụ khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ là 4.938 triệu đồng. Thu hút 5.556 triệu đồng vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn. Trong đó có: 3 đề án khuyến công quốc gia theo nhóm, kinh phí hỗ trợ 2.400 triệu đồng; 17 đề án, nhiệm vụ khuyến công địa phương, kinh phí hỗ trợ 2.538 triệu đồng.
Năm nay, Sở Công Thương Quảng Ninh triển khai thực hiện 20 đề án, nhiệm vụ khuyến công theo sự đồng ý của UBND tỉnh và Bộ Công Thương với tổng kinh phí hỗ trợ là 6.599 triệu đồng. Thu hút trên 5.043 triệu đồng vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn để đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào phát triển sản xuất. Trong đó có: 04 đề án khuyến thực hiện 230 đề án/nhiệm vụ khuyến công công quốc gia, kinh phí hỗ trợ 3.900 triệu đồng; 16 đề án, nhiệm vụ khuyến công địa phương, kinh phí hỗ trợ 2.699 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh |
Vẫn theo bà Hiền, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhất là hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài; xung đột giữa Nga – Ukaine ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình thế giới, lạm phát ở mức cao, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ tăng dẫn đến suy giảm tăng trưởng, suy giảm nhu cầu tiêu dùng.
Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình doanh nghiệp, lao động việc làm tiếp tục gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng của El Nino, năng nóng gay gắt, hạn hán gây ảnh hưởng rất lớn đến cung ứng điện, nhất là khu vực phía Bắc.
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đan xen song nhờ vào sự chỉ đạo toàn diện, quyết tâm, quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cùng sự ủng hộ và phối hợp tích cực của Bộ Công Thương, các Cục, Vụ, Thương vụ,…và sự đoàn kết đồng lòng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở Công Thương và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngành Công Thương Quảng Ninh đã có sự đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
"Tỉnh Quảng Ninh luôn hoan nghênh và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tài sản cho nhà đầu tư", bà Hiền nhấn mạnh.
Báo cáo sơ bộ từ Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2022 bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao kéo theo những thách thức lớn cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước nói chung, doanh nghiệp nói riêng. Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của công tác khuyến công, nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp tại khu vực nông thôn đã đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, phát triển sản xuất để thích nghi với bối cảnh mới.
Các đề án triển khai trong năm 2022 phù hợp với mục tiêu Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025; tổ chức thực hiện sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, đúng chế độ và đạt hiệu quả cao, giúp các doanh nghiệp, cơ sở tháo gỡ khó khăn, bắt nhịp với sự phát triển trong tình hình mới, tiếp tục góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bước sang năm 2023, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, ngành Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống khuyến công từ trung ương đến địa phương bám sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, thực trạng và nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn để tập trung tổ chức thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công ngay sau khi được phê duyệt, giao kinh phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng giải quyết khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Với quyết tâm phục hồi và phát triển sản xuất công nghiệp tại khu vực nông thôn, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tổ chức hệ thống khuyến công 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã nỗ lực phấn đấu, phát huy kết quả đạt được của những năm trước, chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước hoặc tổ chức triển khai các nội dung hoạt động khuyến công kịp thời đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2022 của cả nước là 345,5 tỷ đồng, kết quả thực hiện giải ngân là 323 tỷ đồng, đạt 93,48% kế hoạch. Trong đó khuyến công quốc gia được phê duyệt là 140 tỷ đồng, chiếm 40,5% tổng kinh phí khuyến công cả nước (thực hiện 136 tỷ đồng, đạt 97,14% kế hoạch). Kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương là 205,5 tỷ đồng, chiếm 59,5% tổng kinh phí khuyến công cả nước, thực hiện 187 tỷ đồng, đạt 90,99% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2023, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2023 được phê duyệt (bao gồm cả kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương) của 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan là 345,7 tỷ đồng, tăng 7,02% so với thực hiện năm 2022 (323 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia được giao là 140 tỷ đồng, chiếm 40,5% tổng kinh phí khuyến công cả nước (không tăng so với kế hoạch và được phân bố kinh phi năm 2022 là 140 tỷ đồng). Đến tháng 6 năm 2023 đã ký hợp đồng triển khai thực hiện được 72/105 đề án khuyến công quốc gia, với kinh phí 86,7 tỷ đồng, đạt 61,9% so với kế hoạch đã được phân bổ. Các đề án còn lại hiện đang thực hiện triển khai đúng tiến độ, một số đề án đang được triển khai công tác đấu thầu theo quy định. Kinh phí khuyến công địa phương được giao là 205,7 tỷ đồng, chiếm 59,5% tổng kinh phí khuyến công cả nước (tăng 0,09% so với kế hoạch năm 2022 là 205,5 tỷ đồng). |