Chủ nhật 22/12/2024 15:02

Người trẻ Ba Na chung tay lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Những người trẻ dân tộc Ba Na tại Kon Tum vẫn luôn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm bản sắc văn hóa, như minh chứng cho cái đẹp, sự khéo léo của người con gái Ba Na.

Thổ cẩm là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Từng đường nét của thổ cẩm trên trang phục tượng trưng cho vẻ đẹp độc đáo và thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Với sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp chính quyền và sự nỗ lực bảo tồn của người phụ nữ Ba Na trên mảnh đất Kon Tum mà nghề dệt vẫn được giữ gìn và phát triển mạnh trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chị Y Thưm với niềm đam mê những họa tiết thổ Cẩm nên đã tự mình thiết kế thành trang phục mang dáng dấp hiện đại

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ của làng Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất), dù là giữa trưa nắng nóng, tiệm nhỏ mang tên “Thổ cẩm KaThy” của chị Y Thưm (30 tuổi) lúc nào cũng nhộn nhịp người ra vào giữa không gian phòng chỉ rộng 30m2. Y Thưm không xuất thân từ gia đình truyền thống may mặc. Điều duy nhất chị có là tình yêu với bản sắc dân tộc, là niềm đam mê với những họa tiết thổ cẩm của người Ba Na.

Chị Y Thưm cho biết, tình cờ lên trên mạng tìm việc làm và thấy nhiều người mặc đồ thổ cẩm. Từ đó chị đã bắt đầu có suy nghĩ sẽ lưu giữ và biến thổ cẩm thành trang phục hợp thời. Nói là làm, chị Thưm khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh để học may và thiết kế thời trang trong một năm rồi về quê mở tiệm.

“Trên chất liệu vải thổ cẩm truyền thống, tôi có thể sáng tạo thành nhiều kiểu váy, áo có dáng dấp hiện đại từ áo khoác, áo kiểu nữ, áo dài, váy liền thân... Song, đa phần khách hàng vẫn ưa chuộng kiểu váy quấn truyền thống. Chân váy công sở, váy cưới cũng ưa chuộng với đường hoa văn màu sắc tạo điểm nhấn đẹp mắt”, chị Thưm chia sẻ.

Theo chị Thưm, dệt thổ cẩm rất khó, mất nhiều thời gian và công sức mới cho ra một tác phẩm đẹp. Cứ một tấm vải 1m thì mất 3 - 4 ngày nếu dệt liên tục. Dệt vải cũng yêu cầu người phụ nữ phải tỉ mỉ, khéo léo. Sản phẩm từ thổ cẩm rất phong phú, họa tiết trên thổ cẩm thì chủ yếu là do khách hàng đặt. Mỗi họa tiết sẽ có công thức riêng, đó là đếm số lượng sợi chỉ cho phù hợp, sau đó phối màu và dệt cho ra sản phẩm. Chính vì vậy, một bộ đồ thổ cẩm ở tiệm của chị Thưm có giá từ 500.000 đồng trở lên.

Ngoài vải dệt từ sợi công nghiệp may số lượng lớn như đồng phục, chị còn bỏ không ít công sức để sưu tầm vải dệt thủ công chất lượng, hoa văn đẹp từ các dân tộc khác như Jrai, Ê Đê,… Sau nhiều năm làm nghề, chị được nhiều người trong các làng đồng bào Ba Na biết tiếng và tin tưởng đặt may trang phục truyền thống.

Vốn là người con Tây Nguyên, các trang phục cách tân của Y Dương luôn mang vẻ đẹp của người phụ nữ Ba Na và gắn với bản sắc riêng biệt của núi rừng

Cũng có đam mê biến thổ cẩm thành những trang phục hiện đại, chị Y Dương (33 tuổi, thôn Plei Don, phường Quang Trung) cho hay, có mẹ là nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng trong làng nên cũng được thừa hưởng. Ngoài ra, từ nhỏ chị thường thích vẽ, thiết kế trang phục và luôn đau đáu suy nghĩ hướng gìn giữ và làm giàu từ chính thổ cẩm của gia đình.

Chính vì thế, khi lớn lên chị đã xây dựng tiệm “thổ cẩm Y Dương” để gìn giữ và “thổi” vào đó sự khéo léo, biến tấm thổ cẩm thành những bộ trang phục đậm nét truyền thống nhưng vẫn mang dáng dấp hiện đại.

Ngay từ những buổi đầu, Y Dương đã đặt trọn tâm trí cho mỗi một chiếc váy liền thân, chị đầu tư kỹ lưỡng từ việc chọn chất liệu thích hợp theo mùa, độ dài, rộng của tà áo sao cho tôn lên chiều cao của người mặc, đến sự kết hợp màu sắc giữa áo và quần cũng được chị nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần.

Vốn là người con Tây Nguyên nên Dương luôn muốn lưu giữ vẻ đẹp, độc đáo, nghệ thuật gắn với bản sắc riêng biệt của núi rừng. Dương ngày đêm mày mò, thiết kế, thử nghiệm cho ra bộ sưu tập trang phục kết hợp với họa tiết thổ cẩm dựa trên tiêu chí chất liệu mềm, bay tà, co giãn tốt, tạo cảm giác thoải mái cho người mặc. Kết hợp phụ kiện theo phong cách hiện đại, cách tân nhưng vẫn gắn với yếu tố truyền thống, dân tộc Ba Na.

Hiện nay, cơ sở kinh doanh của chị Dương xuất bán mỗi tháng trên dưới 100 bộ thổ cẩm truyền thống và cách tân. Với giá bán từ 800.000 đồng/bộ trở lên tùy vào trang phục thiết kế. Ngoài thị trường trong nước thì sản phẩm của chị còn được xuất khẩu sang nước Mỹ. Với chất liệu thổ cẩm dệt thủ công và may công nghiệp nên sản phẩm rất đa dạng, đông đảo khách hàng yêu thích, tin tưởng mua và thuê mặc.

“Tiệm của tôi có hơn 10 thợ may cộng tác thường xuyên, có thợ chính tuổi nghề hơn 20 năm nên rất yên tâm. Đặc biệt, tôi và mẹ còn mở Tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm, vì thế chất liệu vải được đảm bảo. Thu nhập bình quân của mỗi thợ từ 9-10 triệu đồng/tháng, tùy vào sản phẩm làm ra”, chị Dương nói.

Cũng theo chị Dương, trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục tìm tòi, thiết kế ra nhiều bộ trang phục và sản phẩm được làm từ thổ cẩm hơn nữa, qua đó đáp ứng nhu cầu ăn mặc của bà con và góp phần quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: dệt thổ cẩm

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Kon Tum: Người Xơ Đăng bảo tồn nghề đan lát truyền thống

Những nghệ nhân nhí 'giữ hồn' cho văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Xây dựng mô hình sản xuất giỏi tại huyện miền núi A Lưới

Kon Tum: Nét đẹp văn hóa đặc trưng trong trang phục truyền thống của người Gié - Triêng

Thể lệ Cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024

Gia Lai: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thách thức

Độc lạ với 'báu vật' quần áo làm từ vỏ cây của người Xơ Đăng ở Kon Tum

Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm 2024: Thu hút đầu tư du lịch khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ

Bố Trạch - Quảng Bình: Tính dụng chính sách “chủ công” hỗ trợ hộ nghèo

Thừa Thiên Huế: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ IV

Trình diễn “Nghệ thuật trang trí trên vải của người Lô Lô”

Du khách sẽ được tham dự Tết Chôl Chnăm Thmây tại Làng Văn hoá các dân tộc

Lễ hội Hết Chá răn dạy con người biết sống có tình, có nghĩa

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Cor gần gũi với thiên nhiên

Nét duyên trong trang phục phụ nữ dân tộc Lào vùng Tây Bắc

Kế hoạch tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4