Thứ hai 25/11/2024 01:26

Nghệ An: Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm Thái

Từ nhiều năm nay, việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm đã được huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) hết sức quan tâm. Vậy nhưng, quá trình triển khai không dễ dàng khi mà người dân còn gặp nhiều khó khăn và việc nâng cao chất lượng sản phẩm chưa được chú trọng đầu tư.
Phụ nữ Thái luôn mong muốn được phát triển, giữ gìn nghề dệt truyền thống của dân tộc

Còn nhiều khó khăn

Chị Sầm Thị Hạnh, xóm Đồng Huống, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp được biết đến là một trong những phụ nữ có “bàn tay vàng” của xã vì có thời gian gắn bó với nghề dệt thổ cẩm khá lâu. Chia sẻ về công việc chị tâm sự: Nghề dệt thổ cẩm vốn có từ lâu đời nhưng trước đây do nhu cầu không nhiều nên một thời gian dài nghề thổ cẩm trong xã bị mai một nhiều. Đến cuối những năm 2000, được sự hỗ trợ của Tổ chức hòa bình và phát triển Tây Ban Nha, xã Châu Quang được chọn để triển khai dự án khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt thổ cẩm nên nghề mới bắt đầu được khôi phục lại. Nhờ sự hỗ trợ của dự án này, hàng trăm chị em trong xã có nguyện vọng đã được đào tạo nghề. Hơn thế, còn được khuyến khích tạo điều kiện để phát triển nghề theo hướng sản xuất hàng hóa.

Hiện toàn xã Châu Quang có 600/1.600 hội viên hội phụ nữ có nghề tay trái là nghề dệt thổ cẩm. Nhìn vào số lượng, đây là con số khá lớn, tuy nhiên nói về hiệu quả, chị Võ Thị Xuân, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) xã vẫn chưa vui vì hiệu quả kinh tế còn thấp và sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ. Sở dĩ nhận định như vậy bởi theo như chị Xuân phân tích: Làng có rất nhiều người làm nghề, nhưng chỉ sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chưa có hợp tác xã hoặc một tổ chức đứng ra quản lý, bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm chưa cao, chị em nói là làm nghề nhiều năm nhưng cũng chỉ sản xuất được những mẫu cũ, hoa văn đơn điệu và kỹ thuật đơn giản. Một điều đáng buồn nữa, đó là việc gìn giữ thương hiệu cho thổ cẩm cho đồng bào Thái ngày càng khó khăn. Lý do chính là do giá thành cao, kỳ công nên chị em ngày nay không dệt theo truyền thống cũ (tơ tằm tự nhiên) mà chủ yếu chỉ mua chỉ công nghiệp ở ngoài chợ về.

Tại bản Nhang, xã Châu Cường, dù là bản đã được Trung tâm khuyến công tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ khung dệt thổ cẩm và là bản đầu tiên của huyện đang làm hồ sơ để xét công nhận là làng có nghề nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự khả quan. Theo chị Vi Thị Quang, Chủ tịch Hội LHPN xã, toàn xã có 50 hộ làm nghề dệt thổ cẩm nhưng vẫn chỉ dừng lại ở hộ gia đình. Sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ trong vùng, chưa có ai đứng ra bao tiêu sản phẩm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc mở rộng sản xuất trong toàn huyện gặp nhiều khó khăn và chưa thể phát triển được theo đúng như tiềm năng sẵn có.

Cần những giải pháp đồng bộ

Trước thực tế đó, mong muốn lớn nhất của chị em phụ nữ Quỳ Hợp chính là có nguồn tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm ổn định để từ đó chị em có cơ sở để phát triển, mở rộng ngành nghề. Muốn vậy, về phía người dân cần phải chủ động nâng cao tay nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Về phía các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm và tạo điều kiện để nghề dệt thổ cẩm phát triển, coi đây vừa là một giải pháp để phát triển kinh tế, vừa là một hình thức để giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc. Ngoài ra cũng cần có thêm các chính sách đồng bộ về đào tạo nghề, hỗ trợ vốn để chị em phát triển sản xuất, mở rộng tiêu thụ sản phẩm thông qua ký gửi, trưng bày tại các khách sạn, đại lý, các kỳ hội chợ triển lãm ở các thành phố, điểm du lịch…

Quỳ Hợp cũng là một trong những huyện được chọn xây dựng huyện văn hóa của cả nước, vì vậy trong chiến lược phát triển nên chăng huyện cũng cần có kế hoạch xây dựng sản phẩm văn hóa, du lịch của địa phương, trong đó chú trọng ưu tiên những ngành nghề gắn với bản sắc, văn hóa của vùng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của chị em trong huyện thông qua các lễ hội đầu xuân, ngày hội văn hóa các dân tộc do huyện và các đơn vị kết nghĩa cùng tổ chức để giới thiệu sản phẩm đến với đông đảo nhân dân trong khu vực.

Hoàng Trinh

Tin cùng chuyên mục

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng công tác kiện toàn nhân sự Chương trình 1719

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'