Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Ngành Công Thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tăng trưởng 2 con số Ngành Công Thương Hải Phòng: Dấu ấn tăng trưởng trong năm nhiều biến động |
Năm 2024 đi qua với nhiều thăng trầm, song, ngành Công Thương tiếp tục khẳng định vai trò của một Bộ quản lý nhà nước, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bằng sự điều hành linh hoạt và các chính sách đúng đắn, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên cả lĩnh vực xây dựng chính sách pháp luật cũng như hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ tiêu dùng.
Ngành Công Thương đạt nhiều thành tích năm 2024 (Ảnh: Cấn Dũng) |
Tính chung 11 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và trên diện rộng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, với 60/63 địa phương trên cả nước ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Đây là động lực quan trọng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, cho thấy nỗ lực của ngành trong việc thúc đẩy sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng và hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng điểm.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, một trong ba “chân kiềng” tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ngành Công Thương tiếp tục ghi dấu ấn khi kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 370 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh 20%, khu vực FDI tăng 12,4%. Nhập khẩu hàng hóa cũng tăng 16,4%, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 715,55 tỷ USD, tăng 15,4%. Đặc biệt, cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu với mức 24,31 tỷ USD, khẳng định năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Các lĩnh vực của Bộ Công Thương như điện lực nhận được sự quan tâm của báo chí (Ảnh: Cấn Dũng) |
Việc tận dụng hiệu quả 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu, tạo động lực cho tăng trưởng thương mại. Đáng chú ý, năm 2024 ghi dấu ấn quan trọng với việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Đây được xem là dấu mốc lịch sử, mở ra cánh cửa lớn vào thị trường Trung Đông và châu Phi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào những thị trường tiềm năng trong thời gian tới.
Nhìn lại một năm 2024, điểm nổi bật trong chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương phải kể đến công tác đảm bảo điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân - với mức tăng trưởng điện tính chung cả năm khoảng 12% - để đáp ứng cho sản xuất công nghiệp phục hồi ở mức cao, góp phần đưa tăng trưởng GDP 2024 đạt trên 7%. Mặc dù năm 2024 khu vực miền Bắc chưa có nguồn điện công suất lớn nào mới được đưa vào, nhưng đã không để xảy ra tình trạng căng thẳng nguồn cung điện như năm 2023.
Cùng với sự chủ động lên kế hoạch cung cấp điện cho cả năm, cho từng quý, từng tháng; ngành Công Thương đã tập trung cao độ cho việc triển khai xây dựng Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối cấp điện miền Bắc. Công trình được thi công xây dựng “thần tốc” trong rất nhiều khó khăn thách thức, nhưng chỉ sau hơn 6 tháng đã hoàn thành, trở thành biểu tượng của sức mạnh niềm tin, sự quyết tâm và đoàn kết của cả hệ thống chính trị.
Nhà báo Nguyên Long (bên phải) trong một chương trình phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam (Ảnh: FB nhân vật) |
Năm 2024 cũng là một năm ghi dấu ấn của ngành Công Thương trong vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo, xây dựng chính sách, pháp luật. Luật Điện lực (sửa đổi) - đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khoá XV (có hiệu lực từ tháng 2/2025). Một số Nghị định của Chính phủ, như: Nghị định số 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn; Nghị định số 135/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ v.v. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, những chính sách có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của đất nước cũng như an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, không thể phủ nhận rằng ngành Công Thương vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức. Áp lực cạnh tranh gay gắt từ các thị trường khu vực, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu hay tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trong một số ngành vẫn đang đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn…
Với tinh thần đổi mới và quyết tâm cao, Bộ Công Thương cũng đang tích cực triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức theo hướng tinh gọn bộ máy, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
Là một phóng viên theo dõi ngành, tôi ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm, không ngừng đổi mới của Bộ Công Thương trong năm 2024, và hi vọng một năm mới 2025 với những thành tích nổi bật hơn trong chỉ đạo, điều hành, góp phần đạt tăng trưởng GDP 8% như mục tiêu Chính phủ đã đề ra./.