Infographic | Những dấu ấn kinh tế Nam Định nổi bật năm 2024 Tăng trưởng kinh tế Nam Định đứng thứ 9 cả nước |
Lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh Nam Định cho biết, những tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, làm gia tăng rủi ro đối với an ninh hàng hải, chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu. Ở trong nước, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, tạo áp lực lên kiểm soát lạm phát...
Tuy nhiên, với sự điều hành quyết liệt, linh hoạt trên cơ sở các kế hoạch ngay từ đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2025 của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc
Công nghiệp tăng trưởng 2 con số
GRDP khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng I/2025 ước tăng 23,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 23,50%, đóng góp 22,98 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,11%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 28,78%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 50,41%, làm giảm 0,19 điểm phần trăm.
Một số ngành công nghiệp cấp II trọng điểm của tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,93%; dệt tăng 15,03%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 15,20%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 13,86%; sản xuất kim loại tăng 10,72%; sản xuất thiết bị điện tăng 8,72%; sản xuất trang phục tăng 8,26%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 4,16%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 3,02%. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất đồ uống giảm 34,35%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,41%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 2,09%.
Một số sản phẩm công nghiệp quý I/2025 tăng 2 con số so với cùng kỳ năm trước như vải các loại tăng 22,3%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 15,2%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 14,2%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 11,4%.
![]() |
Sản xuất công nghiệp của Nam Định tăng trưởng cao (Ảnh minh hoạ) |
Một yếu tố khác đóng góp vào tăng trưởng của Nam Định là các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát huy hiệu quả. Đơn cử như Cụm công nghiệp Mỹ Thắng, Mỹ Trung (Nam Trực); Yên Bằng (Ý Yên) hay Cổ Lễ (Trực Ninh) đã hoàn thành hạ tầng, thu hút hàng chục doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đầu tư, sản xuất.
Trong lĩnh vực xây dựng, mức tăng 12,29% phản ánh rõ sự phục hồi của thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội và các dự án hạ tầng chiến lược. Trong 3 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 1.051,3 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Nhiều công trình giao thông như đường trục phía Nam, tuyến đường ven biển... đang đẩy nhanh tiến độ, tạo sức bật cho kinh tế xã hội địa phương phát triển.
Tiêu dùng nội địa phục hồi mạnh
Cục Thống kê cho biết, trong quý I, khu vực dịch vụ tăng 8,57%, đặc biệt ngành lưu trú, ăn uống tăng tới 13,11%, vận tải tăng 11,87%, và tài chính ngân hàng tăng 8,83%.
Theo báo cáo, “Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 16.386,2 tỷ đồng, tăng 10,1%” cho thấy sức mua nội địa đã tăng mạnh sau Tết Nguyên đán. Lượng khách du lịch đổ về Nam Định trong dịp Lễ hội khai ấn Đền Trần và các lễ hội vùng ven biển cũng giúp nhiều ngành dịch vụ phục hồi mạnh.
Ngoài ra, doanh thu dịch vụ vận tải hành khách đạt 347 tỷ đồng, tăng 13,1%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 454,5 tỷ đồng, tăng 13,3%, cho thấy hoạt động logistics và tiêu dùng hàng hóa nội địa đều khởi sắc.
Môi trường đầu tư cải thiện, thu hút FDI khởi sắc
Theo báo cáo của Cục Thống kê Nam Định, trong quý I/2025, địa phương này đã cấp mới 15 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 7.000 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án FDI với tổng vốn bổ sung 32,9 triệu USD.
Cùng với đó, tỉnh tích cực rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính. Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh được khai thác hiệu quả, với hàng nghìn hồ sơ doanh nghiệp được xử lý mức độ 3 và 4.
Việc quy hoạch và mở rộng các khu công nghiệp mới như Rạng Đông (Nghĩa Hưng), Bảo Minh mở rộng (Vụ Bản) giúp giải quyết nhu cầu mặt bằng cho các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Với mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2025 đạt 9,5% – 10%, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. |