Thứ hai 21/04/2025 04:44

Lạng Sơn: Gỡ khó cho doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại

Ngày 3/7, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và đại diện 60 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, với vai trò là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công thương, trong đó gồm các ngành và lĩnh vực: Hoạt động thương mại và lưu thông hàng hoá trên địa bàn; sản xuất và tiêu dùng bền vững; xuất khẩu, nhập khẩu; thương mại biên giới; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…

Thời gian vừa qua, Sở Công Thương đã tập trung triển khai quyết liệt chủ trương, các văn bản chỉ đạo của cấp trên về những nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo hoạt động thương mại, kinh doanh diễn ra thông suốt, cung - cầu thị trường, cân đối, khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị trong sản xuất, kinh doanh và phát triển,...

Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đỗ Nga

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường duy trì được nguồn hàng phong phú, đa dạng phục vụ cho nhu cầu mua sắm của nhân dân, ổn định về giá cả; nguồn cung xăng dầu ổn định, đáp ứng nhu cầu cho nhân dân trên địa bàn; các hoạt động xúc tiến thương mại diễn ra thường xuyên, tương đối hiệu quả đã kích thích nhu cầu tiêu dùng trong xã hội, đồng thời nâng cao hình ảnh sản phẩm tiêu biểu của địa phương…

Để đạt được những kết quả trên là sự nỗ lực của các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã đã nghiêm túc chấp hành các quy định của nhà nước trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh của mình. Đồng thời, không ngừng cải tiến chất lượng hàng hoá, dịch vụ, chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần điều tiết từ sớm và bình ổn dòng chảy lưu thông háng hoá.

Chia sẻ về kết quả của hoạt động xúc tiến thương mại, đại diện Phòng quản lý thương mại Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, từ đầu năm 2024, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện các chính sách trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh như: Hỗ trợ mở rộng thị trường; đầu tư xây dựng chợ nông thôn; hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn…

Qua đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước phát triển với quy mô sản xuất ngày một nâng cao.

Hoạt động thương mại, kinh doanh của các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ truyền thống vẫn được duy trì ổn định, nguồn hàng phong phú, đa dạng phục vụ cho nhu cầu mua sắm của nhân dân.

"Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 17.760,12 tỷ đồng, đạt 43,86% kế hoạch, tăng 13,12% so với cùng kỳ năm 2023. Việc phát triển thương hiệu và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử được đẩy mạnh. Tính đến tháng 6/2024, Lạng Sơn có 20.984 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 2 toàn quốc" - đại diện Phòng quản lý thương mại Sở Công Thương Lạng Sơn thông tin.

Cùng đó, theo đại diện Phòng quản lý thương mại Sở Công Thương Lạng Sơn, từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt trên 2,7 tỷ USD, đạt 53,3% kế hoạch, tăng 20,8% so với cùng kỳ; kim ngạch hàng địa phương xuất khẩu lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 74 triệu USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023…

Hội nghị đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn. Ảnh: Đỗ Nga

Về hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Sở Công Thương cũng thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các đề xuất, đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại để thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở thường xuyên thông tin tới các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh về các chương trình hội chợ thương mại, hội chợ chuyên ngành trong nước để các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động nghiên cứu đăng ký tham dự, tăng cường trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm với các đơn vị trong nước về phân phối sản phẩm, đẩy mạnh thương hiệu và trao đổi hàng hóa.

Bên cạnh đó, thường xuyên thông tin về các đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, đầu tư tại nước ngoài để các đơn vị nghiên cứu, tham gia, gia tăng cơ hội tìm kiếm, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, định hướng xuất khẩu sản phẩm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại và kiến nghị Sở Công Thương, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố liên quan quan tâm gỡ khó như: Vấn đề tiếp cận thị trường mới và xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài; chuyển đổi mục đích sử dụng đất mở rộng nhà xưởng sản xuất; kéo dài thời hạn và tăng hạn mức vốn vay ưu đãi; hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các loại phân bón hữu cơ phù hợp với từng loại cây cụ thể để phát triển vùng nguyên liệu…

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đỗ Nga

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh cũng phát biểu ý kiến liên quan đến các vấn đề như: Giá thuê đất; thuế kinh doanh; thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mặt hàng rượu; việc tăng chiết khấu và lưu trữ hoá đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khâu bảo quản thực phẩm ăn liền; hỗ trợ thuê địa điểm bán và trưng bày các sản phẩm…

Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương đã trực tiếp giải đáp, làm rõ những kiến nghị, vướng mắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, đưa ra các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đối với những ý kiến, kiến nghị vượt thẩm quyền, lãnh đạo Sở Công Thương ghi nhận, tiếp thu để báo cáo UBND tỉnh, đồng thời đề nghị các sở, ngành, các huyện, thành phố liên quan xem xét giải quyết, nhằm kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định trong thời gian tới.

Đỗ Nga - Ngọc Hoa
Bài viết cùng chủ đề: Lạng Sơn

Tin cùng chuyên mục

Xúc tiến thương mại: Giải pháp căn cơ đa dạng thị trường

Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Xuất khẩu cám gạo: Thêm cơ hội từ thị trường Trung Quốc

Triển lãm quốc tế chuyên ngành trà, cà phê, thực phẩm và đồ uống hút khách

Kích hoạt vai trò Thương vụ bảo vệ thị trường xuất khẩu

Nối nhịp giao thương phiên chợ biên giới Gia Lai – Ratanakiri

Đà Nẵng: Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics

Hội nghị của Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Đà Nẵng: Cần chú trọng kích cầu tiêu dùng nội địa

Hội thảo trực tuyến hợp tác Việt Nam - Ấn Độ ngành đồ gỗ, nội thất

Dự báo, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giữ đà tăng

Sản phẩm OCOP địa phương mang khát vọng vươn ra thế giới

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Thương hiệu quốc gia là tài sản chiến lược trong tiến trình hội nhập

Việt Nam - Áo: ‘Bắt mạch’ dòng chảy thương mại mới thời EVFTA

Xuất khẩu rau, quả: Vì sao sầu riêng mất 'ngôi vương'?

Doanh nghiệp thương hiệu quốc gia phải tiên phong, làm chủ công nghệ

Bộ Công Thương xây dựng hệ thống cảnh báo sớm vụ kiện phòng vệ thương mại

Trung Quốc ủng hộ Việt Nam mở thêm Văn phòng xúc tiến thương mại

Thêm 4 Nghị định thư xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Đơn hàng tốt, doanh nghiệp dệt may thu lãi lớn