Đây chính là lý do Bộ Công Thương đang nỗ lực cùng các bộ ngành khác ký kết và đàm phán tiếp các FTA mới.
Kỳ vọng gia tăng hợp tác thương mại và đầu tư
Thời gian vừa qua, các FTA có hiệu lực đã đóng góp rất tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 76% số doanh nghiệp cho rằng các FTA sẽ tiếp tục có tác động tới triển vọng kinh doanh trong ít nhất ba năm tới và phần lớn là tác động tích cực. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) chia sẻ, lợi ích phổ biến nhất của các FTA mang đến cho doanh nghiệp đến từ các ưu đãi thuế quan cũng như hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận.
Tập đoàn Asia Dragon Group của Việt Nam ký MoU với Tập đoàn Siêu thị Lulu Group International của UAE |
Lợi ích lớn từ các FTA đã khiến Bộ Công Thương quyết tâm đàm phán để ký kết nhiều các FTA mới. Tuy nhiên, do Việt Nam đã có FTA với hầu khắp các thị trường truyền thống nên Bộ Công Thương đang thúc đẩy đàm phán FTA với các thị trường xa.
Phải khẳng định rằng quá trình để đàm phán các FTA là không hề đơn giản vì hầu hết các FTA đều mất thời gian lên đến hàng chục năm để đàm phán, tốn kém rất nhiều công sức và tiền của. Song các cơ quan chức năng đều đẩy mạnh việc đàm phán vì những lợi ích mà các FTA này mang lại.
Tháng 4 vừa qua, Bộ Công Thương phát đi một thông báo vui với doanh nghiệp là FTA Việt Nam – Israel đã chính thức kết thúc đàm phán sau 7 năm với 12 phiên đàm phán liên tục. Ngay sau đó vài ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi - Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Kinh tế UAE đã ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc khởi động đàm phán Hiệp định CEPA ngay sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục trong nước.
Các chuyên gia cho rằng, về lợi ích thương mại, các thị trường xa như Israel, UAE không có lợi thế về khoảng cách địa lý hoặc thói quen tiêu dùng hoặc dung lượng thị trường lớn như các thị trường EU hay Trung Quốc… song các thị trường này đóng vai trò quan trọng trong đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như kêu gọi đầu tư vào thị trường trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh các rào cản thương mại được các thị trường truyền thống dựng lên ở khắp nơi, các thị trường mới sẽ bù đắp được phần nào những khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.
Đơn cử, với thị trường UAE, ông Nguyễn Hữu Trí – Giám đốc Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Nông sản thực phẩm Trí Việt chia sẻ, UAE là thị trường lớn, tương đương thị trường Mỹ. UAE có khoảng 12 nước với dân số khoảng 700 triệu dân. Đây là “vùng trắng” về nông sản nên lệ thuộc về nông nghiệp ở các nước, các khu vực khác. Đồng thời, đây cũng là thị trường có sức mua lớn, năng lực tài chính cao.
Hiện tại Trí Việt đang chào 2 nhóm sản phẩm vào thị trường UAE. Thứ nhất là nhóm sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thứ 2 là bột gia vị (bột tiêu, tỏi, quế, hồi, gừng…). Trong định hướng phát triển của công ty, UAE là 1 trong 3 thị trường chủ lực.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, việc đàm phán hiệp định thương mại Việt Nam - UAE giúp ngành rau quả có điều kiện tốt hơn. Khi hiệp định được ký kết, các thị trường sẽ mở cửa cho hàng hóa của nhau. Điều này có lợi cho ngành rau quả của Việt Nam.
“UAE là thị trường có thu nhập cao, song mặt hàng nông sản hạn chế (chỉ có mặt hàng chà là). Khi Việt Nam có FTA với UAE, hàng hóa sẽ có lợi thế cạnh tranh cao hơn so với các nước nhờ mức thuế giảm xuống” - ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Chưa kể, về tiềm năng thu hút đầu tư, Việt Nam luôn mong muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc thu hút đầu tư này vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Trong khi đó, Israel là một nền kinh tế có công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ trong nông nghiệp. Do đó, các cơ quan chức năng mong muốn FTA này sẽ mang lại cơ hội tăng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Chú trọng yêu cầu từ thị trường
Cơ hội mở rộng đầu tư, thương mại là có. Song các chuyên gia cho rằng, việc gia tăng cơ hội thương mại, đầu tư cần đi kèm với sự hiểu biết một cách đầy đủ của doanh nghiệp về từng thị trường.
Đơn cử, với thị trường UAE, đây là thị trường có sức mua lớn, năng lực tài chính cao. Tuy nhiên khu vực này là thị trường hồi giáo nên để xuất khẩu được vào thị trường này cần phải làm đúng, tuân thủ các quy định về hàng hóa, cụ thể là tiêu chuẩn Hala. Bên cạnh đó, mức giá hàng hóa phải rẻ.
Song với thị trường này phải giải quyết một số thách thức như: khai thông kênh liên kết, về văn hóa và tài chính. Bởi hiện nay kênh giao thương giữa Việt Nam và khu vực UAE chưa tốt, chưa được khai thông. Hiện hàng hóa vào khu vực này chủ yếu qua 2 cổng là Dubai và Quatar.
Với Israel, các doanh nghiệp Israel muốn mua hàng thành phẩm, đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng, hàng điện tử và hàng gia dụng, để mang về đưa vào các kênh phân phối hoặc chuỗi siêu thị bán lẻ cho người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay sau khi mua hàng.
Israel cũng yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn bản địa nhiều khi mang tính chất đặc thù. Bên cạnh đó, Israel cũng áp dụng theo các tiêu chuẩn của EU, Mỹ và thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát khá nghiêm ngặt.
Đặc biệt doanh nghiệp còn phải vượt qua rào cản về ngôn ngữ và văn hóa cũng như đối mặt với một đối thủ lớn là Ấn Độ.
Tuy nhiên trên thực tế, kinh nghiệm từ quá trình triển khai các FTA thời gian qua cũng cho thấy, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ dần bắt nhịp với thị trường và tận dụng ưu đãi chỉ sau một thời gian tiếp cận. Các FTA mới sẽ mang lại cơ hội đa dạng hóa thị trường tuyệt vời với tất cả các doanh nghiệp. Do đó, hầu hết doanh nghiệp ngành hàng đều kỳ vọng các FTA mới sẽ sớm đi đến ký kết và áp dụng vào thực tế để sớm hiện thực hóa các lợi ích.