Không bị động trong tiêu thụ vải thiều - Kỳ I: Nỗi lo mùa quả chín
Nâng giá trị bù sản lượng
Theo dự báo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang, năm 2020, địa phương có trên 28.000 ha diện tích trồng vải, sản lượng dự báo ước đạt trên 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, lượng vải sớm khoảng 45.000 tấn sẽ thu hoạch vào trung tuần tháng 5; vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 10/6.
Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - khẳng định: Quả vải thiều của Bắc Giang năm nay có chất lượng tốt nhất từ trước đến nay. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh là 15.000 ha, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 110.000 tấn, chiếm gần 69% tổng sản lượng. Vải chứng nhận GlobalGAP với 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp.
Vải thiều Bắc Giang được đánh giá có chất lượng tốt |
“Bắc Giang đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ hậu cần hỗ trợ tiêu thụ vải thiều. Đến thời điểm này, tỉnh đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ các điều kiện cho việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều trên địa bàn. Sản phẩm của Lục Ngạn đã sẵn sàng để đáp ứng được ngoài thị trường Trung Quốc và XK sang các thị trường khác, đảm bảo chất lượng” - ông Dương Văn Thái bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) - cho biết, mới đây, cơ quan kiểm dịch thực vật Nhật Bản cấp thêm mã số vùng trồng cho 27 ha vải thiều của huyện để XK sang thị trường nước này. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, huyện Lục Ngạn đã có 77 ha vải thiều được cấp mã số vùng trồng để XK sang Nhật Bản. Lục Ngạn đã sẵn sàng mọi điều kiện để đưa quả vải thiều với chất lượng tốt nhất sang thị trường này. Trước đó, tại Lục Ngạn cũng có 218 ha vải thiều được cấp mã số vùng trồng XK sang thị trường Mỹ.
Chủ động trong mọi tình huống
Để vụ vải 2020 “được mùa, được giá” cho doanh thu hơn 6.300 tỷ đồng như năm 2019, theo ông Dương Văn Thái, địa phương đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thương nhân và DN đến kết nối, thu mua vải thiều.
Đặc biệt, tỉnh đã chủ động xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải thiều. Kịch bản thuận lợi nhất là, vẫn XK sang thị trường truyền thống và mở rộng thêm các thị trường mới. Kịch bản thứ hai, khó khăn hơn nhưng vẫn XK được. Kịch bản thứ ba, khó khăn nhất là không XK được. Bắc Giang đã khởi động cả 3 kịch bản trên, trong mọi tình huống đều chủ động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Hiện, vụ thu hoạch vải đã cận kề, tuy nhiên nỗi lo lớn nhất của bà con lúc này là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - bày tỏ: Không chỉ XK vải tươi sang Nhật Bản gặp khó, kể cả vải chính vụ XK sang thị trường Trung Quốc cũng đang vướng. Hiện tại, đối với hai huyện Hà Khẩu, Bằng Tường (Trung Quốc) không thể tổ chức hội nghị xúc tiến vải thiều do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên cơ hội XK vải thiều vẫn đang phải chờ đợi những tín hiệu khả quan hơn. Để tháo gỡ khó khăn, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang đang gấp rút chuẩn bị tiêu thụ vải thiều trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. “Chúng tôi luôn bám sát diễn biến thị trường, giá cả, dự báo tình hình XNK… để nghiên cứu, đề xuất các kịch bản, giải pháp xúc tiến tiêu thụ vải thiều cho phù hợp với thực tiễn. Để dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn luôn có niềm tin lạc quan ở trái vải” - ông Trần Quang Tấn nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Tấn Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang: Nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, giá vải và sản lượng XK dự kiến giảm, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh các biện pháp sơ chế, chế biến và bảo quản quả vải như sấy khô, ép nước… đồng thời, thực hiện xúc tiến bán hàng trực tuyến. |
Kỳ II: Ưu tiên tối đa cho xuất khẩu