Khi chính sách đi vào thực tiễn
Nhà văn hóa được xây dựng giúp đồng bào Brâu (huyện Bờ Y, tỉnh Kon Tum) có nơi sinh hoạt cộng đồng mỗi dịp lễ, tết |
Nhiều chính sách được ban hành
Giai đoạn 2011 - 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Quyết định quan trọng, phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” và Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam”. Cùng với đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành các Quyết định phê duyệt Đề án “Đưa các chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng DTTS” và Đề án tổ chức định kỳ “Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các DTTS” theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020…
Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 2 hội nghị - hội thảo: Gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của 5 DTTS rất ít người, gồm: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu; Gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của 16 DTTS có số dân dưới 10.000 người, bao gồm: Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Ngái, La Hủ, Lự, Mảng, Cống, La Ha, Bố Y, Chứt, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu. Đây có thể xem là những hoạt động ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta với những dân tộc rất ít người.
Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã công bố danh sách 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó, có 13 di sản văn hóa phi vật thể thuộc các DTTS Việt Nam. Để bảo tồn các di sản này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ các địa phương xây dựng hồ sơ trình Unesco. Cụ thể như: Hồ sơ công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Liang Biang, hồ sơ Yên Tử, hồ sơ di sản văn hóa di tích Tháp Chàm, hồ sơ khu dự trữ sinh quyển Hoàng Liên Sơn...
Không chỉ phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa mang tính cộng đồng ở nhiều cấp độ khác nhau: Ngày hội văn hóa vùng, miền, toàn quốc (Tây Bắc, Đông Bắc); Giao lưu văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm, Mông, Thái, Khmer, liên hoan nghệ thuật các dân tộc Tày, Nùng, Thái...; xây dựng nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ… ở vùng DTTS và miền núi; đầu tư bảo tồn hơn 25 làng, bản, buôn truyền thống.
Vẫn còn nhiều bất cập
Với những chính sách cụ thể bảo tồn, bức tranh văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS đã có sự chuyển biến rõ nét. Nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống đã xây dựng được các đề án về bảo tồn phát huy văn hóa các DTTS trên địa bàn như: Thái Nguyên, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Yên Bái…; duy trì tốt việc tổ chức định kỳ “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc”, “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4”; Hội khỏe Phù Đổng, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian gắn với hoạt động văn hóa trong khuôn khổ các ngày hội.
Các hoạt động giao lưu văn hóa đã thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tham gia, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Đồng thời, khơi nguồn sáng tạo trong cộng đồng các dân tộc trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác tuyên truyền thực hiện chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch vùng DTTS và miền núi ở một số nơi còn hạn chế; nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội chưa gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở vùng DTTS và miền núi chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện; kinh phí đầu tư bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc còn ít. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá vùng DTTS và miền núi còn thiếu, yếu; số lượng nghệ nhân, nghệ sĩ là người DTTS còn rất ít, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào DTTS, nhất là các DTTS rất ít người còn gặp nhiều khó khăn.