“Ì ạch” phát triển nông nghiệp hữu cơ
Người tiêu dùng vẫn còn hoài nghi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), hiện nay có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ, 17.168 nông dân tham gia sản xuất hữu cơ, 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đến 180 thị trường quốc tế với kim ngạch 335 triệu USD/năm.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ |
Sản xuất nông nghiệp đang tồn tại nhiều định danh, từ nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ, canh tác hữu cơ, một phần hữu cơ đến định hướng hữu cơ hoặc nông nghiệp an toàn. Nhìn chung, cách hiểu về nông nghiệp hữu cơ vẫn còn rất nhập nhằng.
Ông Trần Thế Như Hiệp - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ NhoNho (Cần Thơ) - cho biết: Tâm lý người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa tin tưởng sản phẩm hữu cơ để có thể bỏ ra một số tiền lớn mua về sử dụng, mặc dù nhu cầu đối với sản phẩm sạch là luôn luôn có. Trong khi đó các đơn vị sản xuất quy mô nhỏ, diện tích hạn chế, sản lượng ít nên khó giảm được giá thành. Để giải quyết vấn đề này cần có sự tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để người dân hiểu được giá trị của nông sản hữu cơ, cần có nhiều đơn vị chứng nhận uy tín để đánh tan sự hoài nghi của người tiêu dùng, để họ bỏ số tiền lớn mua sản phẩm hữu cơ mà không sợ bị lừa.
Khẳng định nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Lê Viết Bình - Phó Chánh văn phòng Bộ NN&PTNT, những áp lực từ sản lượng cho đến thu nhập của người sản xuất khiến tiến độ phát triển nông nghiệp hữu cơ còn chậm.
Trong nước hiện có 2 đối tượng làm nông nghiệp hữu cơ là doanh nghiệp và các hộ nông dân. Nếu các doanh nghiệp áp dụng theo các tiêu chí quốc tế thì sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nông hộ còn mang tính tự nguyện, làm theo đơn hàng chưa nhiều.
Nhiều nông hộ cũng chưa hoặc không có đủ điều kiện được tổ chức quốc tế chứng nhận nên sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nhóm đối tượng này còn mang tính nhỏ lẻ. Kéo theo đó là mức độ quan tâm và tin tưởng của người tiêu dùng chưa cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường hiện nay vẫn còn chưa nhận thức và đánh giá đúng giá trị của nông sản hữu cơ. Thói quen sản xuất nông nghiệp lâu nay sử dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng để tăng năng suất và lợi nhuận, trong khi đó sản xuất hữu cơ sử dụng phân bón từ chất thải sinh học, canh tác tự nhiên... và cho ra sản phẩm sạch. Các doanh nghiệp và hợp tác xã còn tốn thêm chi phí rất lớn để được chứng nhận. Chính vì vậy giá thành của nông sản hữu cơ cao hơn nhiều. Nếu người tiêu dùng mong muốn dùng sản phẩm hữu cơ mà giá thành rẻ thì rất bất công cho người sản xuất. Ngoài ra, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ ở tầm vĩ mô thì đầy đủ nhưng chưa thực sự đi vào đời sống; chưa thu hút nhiều nông dân tham gia. Việc tuyên truyền nông nghiệp hữu cơ vẫn còn hạn chế, chưa đủ mạnh để xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng.
Cần sự hỗ trợ của Nhà nước ở mức tốt hơn
Sản xuất nông nghiệp theo chứng nhận hữu cơ để có được sản phẩm chất lượng cao, không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng là một hướng đi đúng của nông nghiệp Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa giải được bài toán cung cầu. Để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ, cần sự hỗ trợ của Nhà nước với mức tốt hơn để kích thích nhiều người tham gia hơn, đồng thời, truyền thông về lĩnh vực này phải đủ mạnh để tạo niềm tin giữa người sản xuất và tiêu dùng.
Đại diện của Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP. Hồ Chí Minh kiến nghị cần nâng cao nhận thức về sản phẩm hữu cơ. Đi cùng với đó, cần quảng bá, tập huấn các mô hình mẫu, xây dựng các mô hình theo chuỗi sản xuất đến tiêu thụ. Để tạo thương hiệu quốc gia cho việc chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, cần nâng cao năng lực của tổ chức chứng nhận về mọi mặt. Ngoài ra, cần xem xét việc xây dựng hoặc thành lập hiệp hội của các chuyên gia đánh giá chứng nhận,…
Ông Lê Quốc Việt - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cho rằng, hiện nay, các chính sách về nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa đi vào thực tiễn. Những người thực chất muốn làm nông nghiệp hữu cơ phải tự tìm hiểu các vấn đề, trong khi chính sách về tới tỉnh vẫn tốt nhưng tới huyện đã hết. Do đó cần cải thiện được vấn đề này. “Chính sách hỗ trợ cho người làm nông nghiệp hữu cơ còn tản mạn, nằm ở nhiều văn bản, chưa thu hút được người dân tham gia nhiệt tình. Bởi để đạt được kết quả, người sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải trải qua chu trình chuyển đổi và dồn hết vốn liếng. Do vậy, việc hỗ trợ của Nhà nước với mức tốt hơn sẽ kích thích nhiều người tham gia hơn”, ông Lê Quốc Việt nêu ý kiến.
Để thị trường nông nghiệp hữu cơ đi đúng hướng và người tiêu dùng không hoài nghi về sản phẩm, theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cần phải thống nhất rõ ràng về quan điểm thế nào là nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là sản phẩm giá trị gia tăng. Nông nghiệp hữu cơ khác hoàn toàn với nông nghiệp an toàn. Trong sản xuất nông nghiệp an toàn, người ta còn có thể đề cập đến vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, còn nông nghiệp hữu cơ thì đơn giản là không được phép. Kể cả hóa chất trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng chỉ dùng mang tính điều chỉnh môi trường ở mức độ nhất định, không làm ảnh hưởng đến sản phẩm.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, cần phải thống nhất lại cách hiểu về nông nghiệp hữu cơ, để tránh những nhầm lẫn từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Đồng thời, cần thống nhất giữa các hệ thống chứng nhận hữu cơ trong nước và quốc tế để khắc phục những lúng túng hiện nay; và thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển hơn nữa.
Nông nghiệp hữu cơ không chỉ để sản xuất ra các sản phẩm hữu cơ mà còn thể hiện cách sống của một quốc gia, của con người đối với thiên nhiên, do đó, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần xuất phát từ cái tâm của những người tham gia,…