Hơn 90% người tham gia bán hàng đa cấp không vượt qua kỳ kiểm tra kiến thức pháp luật
Chỉ có 6/68 người đạt yêu cầu kiểm tra kiến thức pháp luật
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa ban hành Quyết định về việc công nhận kết quả kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương tổ chức đợt III tại TP. Hồ Chí Minh (tháng 8 năm 2024).
Đáng chú ý, có đến hơn 90% số người tham gia bán hàng đa cấp không vượt qua kỳ thi này. Cụ thể, với kết quả kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp đợt III tại TP. Hồ Chí Minh có 68 thí sinh tham gia, song chỉ có 6 người đạt, còn 62 người không đạt (chiếm tỷ lệ hơn 90%). Còn kết quả kiểm tra kiến thức bán hàng đa cấp cho đầu mối địa phương tại khu vực này cũng chỉ có 7/19 người tham gia đạt.
Chi tiết hơn về kết quả 2 cuộc thi này, có 11 doanh nghiệp có người tham gia dự thi kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp. Đáng chú ý, có đến 8 doanh nghiệp 100% người tham gia không vượt qua được kỳ thi. Trong đó, Công ty TNHH Oriflame Việt Nam có 15/15 người không đạt, tương tự Công ty TNHH Best World Việt Nam 7/7 không đạt, Công ty TNHH Care for Việt Nam 6/6 không đạt, Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam 6/6 không đạt, Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi 5/5 không đạt, Công ty TNHH Perfect Global Việt Nam 4/4, Công ty TNHH Elken International Việt Nam 3/3 không đạt, Công ty TNHH Người lái xe mặt trời 1/1 không đạt; chỉ có 3 doanh nghiệp có số lượng người tham gia kỳ thi kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp có kết quả đạt là: Công ty TNHH GCOOP Việt Nam 1/10 người đạt, Công ty TNHH Amway Việt Nam 2/7 người đạt, Công ty TNHH Nuskin Enterprise Việt Nam 3/4 người đạt.
Không khá khẩm hơn, kết quả của kỳ thi kiến thức bán hàng đa cấp cho đầu mối tại địa phương (TP. Hồ Chí Minh) có 5 công ty với 19 người tham gia dự thi. Theo đó, có 3 doanh nghiệp không có thí sinh đạt là Công ty TNHH Secret 3/3 người không đạt, Công ty TNHH Tập đoàn liên kết Việt Nam 1/1 người không đạt, Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi 1/1 không đạt; chỉ có 2 công ty có người đạt là Công ty TNHH Nuskin Enterprise Việt Nam 3/4 người đạt, Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam 4/10 người đạt.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, việc có đến hơn 90% người tham gia bán hàng đa cấp không vượt qua được kỳ kiểm tra kiến thức pháp luật là một tình trạng đáng báo động hiện nay. Điều này chứng tỏ, những người tham gia bán hàng đa cấp không hề nắm chắc các quy định của pháp luật, sẽ gây ra nhiều hệ luỵ không đáng có.
Doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải có trách nhiệm đào tạo kiến thức pháp luật cho những người tham gia. Ảnh: Linh Hương |
Hình thành và phát triển nguồn nhân lực bán hàng đa cấp chất lượng
Đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp là một phần quan trọng của quá trình đào tạo cơ bản cho những người tham gia vào hoạt động này. Theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. (Nghị định 40) ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Nghị định số 18/2023/NĐ-CP (Nghị định 18) ngày 28/4/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải có trách nhiệm đào tạo kiến thức pháp luật cho những người tham gia. Đây là một yếu tố không thể thiếu để đảm bảo tính chính xác và hợp pháp trong việc thực hiện bán hàng đa cấp.
Theo chuyên vị chuyên gia, nội dung đào tạo này bao gồm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp. Các quy định này không chỉ giúp người tham gia hiểu rõ về quy trình và các điều kiện cần thiết để thực hiện bán hàng đa cấp mà còn đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, tránh phạm lỗi và rủi ro pháp lý.
Ngoài ra, nội dung đào tạo cũng tập trung vào pháp luật về quảng cáo. Bởi, việc quảng cáo đóng vai trò quan trọng trong bán hàng đa cấp và việc hiểu rõ về các quy định pháp luật liên quan đảm bảo rằng mọi chiến lược quảng cáo là hợp pháp và không vi phạm các quy định.
Hơn nữa, nội dung đào tạo còn bao gồm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này đặt ra yêu cầu cao đối với những người tham gia bán hàng đa cấp, phải đảm bảo rằng sản phẩm hoặc dịch vụ họ cung cấp không chỉ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mà còn đảm bảo rằng quyền lợi của họ được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật.
“Ngoài các quy định cụ thể về hoạt động bán hàng đa cấp, nội dung đào tạo còn tập trung vào việc truyền đạt các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động này. Điều này nhằm đảm bảo rằng mọi hành vi và quyết định đều tuân thủ các nguyên tắc và không vi phạm đạo đức kinh doanh” - vị chuyên gia cho hay, đồng thời khẳng định, nội dung đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nguồn nhân lực chất lượng, có khả năng thực hiện các hoạt động bán hàng đa cấp một cách hiệu quả và đồng thời đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan.
Cũng theo quy định tại Nghị định 40 và mới nhất là Nghị định 18, từ ngày 20/6/2023, tổ chức đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp sẽ phải tuân thủ theo những quy định: Về nội dung đào tạo, các cơ sở đào tạo phải thực hiện đào tạo theo nội dung và chương trình đã được cơ quan quản lý nhà nước công nhận, và phải cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp cho người tham gia; đồng thời, phải có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương bằng văn bản về kết quả đào tạo tại cơ sở trong thời hạn 10 ngày làm việc sau khi kết thúc khóa đào tạo.
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, hàng năm, Bộ Công Thương (đầu mối là Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia) sẽ thực hiện kiểm tra việc đào tạo và cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp của các cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.
Dựa vào kết quả kiểm tra, tùy thuộc vào mức độ sai phạm, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ yêu cầu cơ sở đào tạo khắc phục sai phạm hoặc tạm đình chỉ quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.
Ngoài ra, đơn vị sẽ thu hồi và đình chỉ quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp trong các trường hợp: Cơ sở đào tạo bị giải thể, cơ sở đào tạo không khắc phục được sai phạm trong thời gian tạm đình chỉ, các sai phạm không thể khắc phục được.
Thông qua các biện pháp này, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ đảm bảo sự tuân thủ và chất lượng của các cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của học viên và đảm bảo môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh và bền vững.
Từ năm 2016 đến hết năm 2023, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp, khởi xướng điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng. Nhờ sự mạnh tay trong công tác quản lý, hoạt động kinh doanh đa cấp đã đi vào ổn định. Tổng số doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép và doanh nghiệp dừng hoạt động trong lĩnh vực này đã giảm mạnh, từ hơn 67 doanh nghiệp vào năm 2016 về còn 19 doanh nghiệp vào thời điểm này. |