Thứ sáu 27/12/2024 19:26

Hoàn thiện quy trình sản xuất giống dừa Sáp: Đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường

Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu đã triển khai thành công nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống dừa Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi” thuộc Dự án “Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2017 - 2020”, do Bộ Công Thương đặt hàng Viện thực hiện.

Giá trị kinh tế cao

Cây dừa Sáp (còn gọi là dừa đặc ruột) là giống dừa có giá trị kinh tế cao của Việt Nam, được trồng phổ biến tại Đồng bằng Sông Cửu Long và một số tỉnh khác trong cả nước, trong đó Trà Vinh là tỉnh có diện tích trồng dừa Sáp lớn nhất nước hiện nay.

Chỉ riêng huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có trên 15.000 cây dừa Sáp với khoảng 6.000 cây đang cho quả, năng suất quả Sáp đạt 40 - 80 quả/cây/năm. Giá bán dao động từ 57.000 - 128.000 đồng/quả, cao gấp 10 - 20 lần so với quả dừa ta, dừa dâu và tăng lên 160.000 - 170.000 đồng/quả vào các mùa lễ hội.

Dừa Sáp là giống dừa có giá trị kinh tế cao của Việt Nam

Ước tính, chi phí cho 1 ha dừa Sáp là 28,7 triệu đồng/ha, lợi nhuận trung bình trong 1 năm trồng là 286 triệu đồng/ha nên nhu cầu cây giống dừa Sáp cung ứng cho sản xuất là rất lớn. Cây dừa Sáp đã cung cấp một lượng lớn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến: Dầu dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa…. Ngoài ra, giá bán của cây giống được ươm từ quả của cây dừa Sáp cao gấp 2 lần so với quả dừa ta, dừa dâu.

Trước đây, việc duy trì và nhân giống dừa Sáp được nông dân sử dụng phương pháp ươm truyền thống đó là dùng quả để ươm lên thành cây con nhưng cây dừa Sáp trồng từ cây con này chỉ cho tỷ lệ quả Sáp ở mức rất thấp (dưới 25%). Do đó, nhân giống cây dừa Sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi đã được áp dụng để sản xuất cây giống nhằm nâng cao độ đồng đều và tỷ lệ quả Sáp.

Nhằm hoàn thiện quy trình nuôi cấy phôi và góp phần nâng cao tỷ lệ thành công khi cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu (Bộ Công Thương) đã triển khai nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống dừa Sáp (Cocos nucifera L.) bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi”.

Quy trình nuôi cấy phôi dừa Sáp cải tiến

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, thạc sĩ Thái Nguyễn Quỳnh Thư, thành viên tham gia thực hiện dự án cho biết: Nhân giống dừa Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi đã được Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu thực hiện từ những năm 2001 - 2005 với tỷ lệ thành công của quy trình là 19,2%, đạt tỷ lệ quả sáp cao (80% quả sáp/cây) so với phương pháp ươm quả truyền thống. Bằng những nỗ lực nghiên cứu ở giai đoạn 2008 - 2016, Viện đã gia tăng tỷ lệ thành công của quy trình này đạt đến 48,3% và 53% với thời gian cấy phôi và xuất vườn từ 16-18 tháng và 12-14 tháng.

Vườn ươm dừa Sáp của Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu

“Tuy nhiên, tỷ lệ này còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan (60%), Indonesia (70%) và Philippines (85,5%)” - thạc sĩ Thái Nguyễn Quỳnh Thư nói, đồng thời chia sẻ, kết quả nghiên cứu đã cho thấy, xử lý phôi khó nảy mầm trong điều kiện môi trường dinh dưỡng Y3 đặc (môi trường chuyên dụng để nuôi cấy phôi) bằng chế độ tối đạt cao nhất sau 3 tuần với tỷ lệ nảy mầm là 55,5% và liều lượng BAP (6-Benzylaminopurine - một chất kích thích sinh trưởng) cần thiết bổ sung vào môi trường nuôi cấy là 10 mg/L.

Bên cạnh đó, nghiên cứu ở giai đoạn vườn ươm cho thấy sử dụng giá thể mụn xơ dừa, phân bò Tribat và cát sông với tỷ lệ phối trộn 1:1:1 đạt tỷ lệ cây sống là 92,6% và phun phân bón lá N3M (tên thương mại của một loại phân bón trên thị trường) khi cây chuyển sang bầu lớn giúp cây dừa Sáp nuôi cấy phôi sinh trưởng tốt và có tổng diện tích lá đạt ở mức cao nên rút ngắn thời gian đạt tiêu chuẩn xuất vườn.

Từ các kết quả trên đã gia tăng tỷ lệ thành công của quy trình nuôi cấy phôi dừa Sáp lên 60,6% với tổng thời gian nhân giống từ 10 - 13 tháng. Qua đó, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu đã ban hành “Quy trình nuôi cấy phôi dừa Sáp cải tiến” với tỷ lệ thành công là 60,6% so với giai đoạn 2011 - 2015 là 53,0%, tăng lên 7,6% và rút ngắn thời gian nhân giống từ 12 - 14 tháng còn 11 - 13 tháng so với quy trình trước đây.

“Cây dừa Sáp nuôi cấy phôi sau khi đạt tiêu chuẩn xuất vườn có tỷ lệ sống đạt ở mức rất cao sau 3 tháng trồng ngoài đồng (99,5%), thời gian ra hoa trung bình từ 3 - 3,5 năm sau trồng với tỷ lệ quả sáp trên 80%” - thạc sĩ Thái Nguyễn Quỳnh Thư khẳng định.

Việc hoàn thiện và ban hành quy trình công nghệ sản xuất giống dừa Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi cải tiến đã góp phần nâng cao tỷ lệ thành công và năng lực sản xuất giống dừa Sáp nuôi cấy phôi hiện nay, đáp ứng nhu cầu cây giống ngày càng lớn của thị trường và góp phần giảm giá thành của giống dừa Sáp.
Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Viện nghiên cứu ngành Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp

Thông tin mới nhất về phương án hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên Môi trường

Gia Lai: Các nhà vườn đang tất bật chăm sóc hoa để phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

Việt Nam thí điểm thành công hệ thống dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê

Hợp tác về phát triển và cung ứng nguồn nhân lực nông nghiệp

Lần đầu tiên diễn ra Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025

Công ty Thủy điện Sông Bung trao tặng 30 con bò giống cho hộ nghèo tại tỉnh Quảng Nam

Hợp nhất hai Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên: Sẽ giảm tới 25 cục, vụ, đầu mối

Báo Công Thương đoạt giải Chuyên đề báo chí toàn quốc viết về tam nông

Gia Lai: Khung cảnh lung linh tại các nhà vườn chong đèn 'thức' cùng hoa Tết

Hà Giang: Quyết tâm xóa 89 nhà tạm, nhà dột nát trước Tết Nguyên đán 2025

Thêm 3 công trình thủy lợi vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

Tăng cường phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam

Dưa hấu rớt giá thê thảm, nông dân Gia Lai 'mòn mỏi' chờ thương lái

Việt Nam đã sử dụng 5,9 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi

Đà Nẵng: Xử lý 144 tàu cá không đủ điều kiện khai thác thủy sản thế nào?

Gia Lai: Mới lạ mô hình trồng dâu tây treo tường của chàng kỹ sư công nghệ thông tin

Cả nước còn khoảng 340 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng nặng

Thêm cơ sở để áp thuế VAT 5% với phân bón

Vẫn còn 41,8% số công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động kém bền vững